Chăn nuôi Xuân Lộc

Chăn nuôi Xuân Lộc Fanpgae Chăn nuôi Xuân Lộc là trang chia sẻ thông tin, kỹ thuật liên quan đến vấn đề chăn nuôi.

Với mục tiêu hỗ trợ người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro, chăn nuôi hiệu quả.

BỆNH GOUT TRÊN GÀ THỊTBệnh Gout trên gà thịt là một bệnh dinh dưỡng, gây thiệt hại kinh tế lớn nhưng bệnh hoàn toàn có t...
11/08/2022

BỆNH GOUT TRÊN GÀ THỊT

Bệnh Gout trên gà thịt là một bệnh dinh dưỡng, gây thiệt hại kinh tế lớn nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng và điều trị hiệu quả nếu người chăn nuôi xác định được các yếu tố nguy cơ ở trang trại mình và phát hiện bệnh sớm. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân và mức độ trầm trọng cũng khác nhau do sự hiệp đồng của các nguyên nhân đó.
Các nguyên nhân của bệnh Gout trên gà thịt được thể hiện ở bảng dưới (xem hình).
Để có thể phát hiện bệnh sớm và chẩn đoán phân biệt được với các bệnh có bệnh tích ở thận (IB biến chủng, ANv, độc tố nấm mốc, …), người chăn nuôi cần xem xét tổng thể các yếu tố như lịch dùng thuốc, vaccin, chương trình chăm sóc,…
Điều trị: Cung cấp đầy đủ nước sạch cho gà uống, bổ sung vitamin A, D, E, B-complex, selen; tránh dùng thức ăn có hàm lượng đạm cao, hoặc giảm lượng thức ăn; sử dụng các sản phẩm acid hóa nước tiểu (acid penzoid, KCl, NH4Cl, (NH4)2SO4); điều chỉnh lại hệ số cân bằng điện giải của khẩu phần (trong nước và thức ăn).
Kính chúc bà con chăn nuôi thành công!
ThS. BSTY Trần Quốc Vĩ

STRESS NHIỆT TRÊN GIA CẦM VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤCTrong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng, vấn đề stress ...
23/06/2022

STRESS NHIỆT TRÊN GIA CẦM VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng, vấn đề stress nhiệt luôn là thách thức đối với nhà chăn nuôi tại Việt Nam. Stress nhiệt không những ảnh hưởng đến sức sản xuất của vật nuôi mà còn là yếu tố làm suy giảm miễn dịch, từ đó làm cho tình hình kiểm soát dịch bệnh của trang trại trở nên phức tạp hơn.
Để giúp bà con và các bạn đồng nghiệp giải quyết tốt vấn đề stress nhiệt trong chăn nuôi gia cầm, tôi xin chia sẻ một số thông tin và kinh nghiệm xử lý:
1. Stress nhiệt là gì?
Stress nhiệt là tình trạng mà con vật có mức nhiệt độ cảm nhận từ môi trường cao hơn khoảng nhiệt thích hợp của nó.
Mức nhiệt cảm nhận bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, độ ẩm và tốc độ gió. Một cách tương đối, khi ẩm độ tăng thêm 10% thì mức nhiệt cảm nhận của gia cầm sẽ tăng lên 1 0C. Trong khi đó tốc độ gió tăng phù hợp sẽ giúp gia cầm thoát nhiệt một cách hiệu quả.
2. Phản ứng và hệ quả của stress nhiệt trên gia cầm
Khi con vật trong tình trạng stress nhiệt, chúng sẽ phản ứng bằng cách tăng thoát nhiệt của cơ thể (tăng nhịp thở, xạ cánh,…), uống nhiều nước, ít vận động do vậy con vật sẽ giảm ăn, tim, phổi làm việc quá mức, đi phân ướt, mất nước nội bào. Dẫn đến tăng độ ẩm của nền chuồng, tăng lượng amoniac bốc hơi. Đồng thời sức đề kháng của cơ thể giảm.
3. Giải quyết vấn đề stress nhiệt
Để giúp gia cầm vượt qua được tình trạng stress nhiệt chúng ta có thể kết hợp can thiệp làm giảm nhiệt độ cảm nhận của thú và làm giảm các hệ quả do stress nhiệt gây ra.
- Giảm nhiệt độ cảm nhận của gia cầm: Trong điều kiện nhiệt độ cao thì không khí sẽ giãn nở và làm giảm độ ẩm tương đối của không khí. Vì vậy ẩm độ thường ở mức thấp và khó có thể hạ thấp hơn. Như vậy nhiệt độ môi trường là yếu tố cần được hạ xuống đồng thời kết hợp với tăng tốc độ gió để thoát nhiệt cơ thể. Các biện pháp giảm nhiệt độ đang được áp dụng hiện nay gồm: (1) làm mát bằng giàn giấy (colling pad). Phương pháp này làm giảm nhiệt độ bằng cách thổi làn gió chứa hơi nước ẩm, mát vào chuồng để giảm nhiệt độ. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ giảm xuống không bù lại được lượng ẩm tăng lên thì sẽ không làm giảm nhiệt độ cảm nhận mà thậm chí có thể làm tăng nhiệt độ cảm nhận lên. Điều này có thể gặp do dàn giấy được làm ướt không đều hoặc nắng chiếu trực tiếp vào giàn giấy hoặc nước dùng để làm ướt giàn giấy bị nóng. (2) phun nước lên mái (thường là mái tôn) để giảm nhiệt độ gia tăng trực tiếp từ mái và làm giảm nhiệt của không khí bên dưới phần được che. Tuy nhiên, phần nước mang theo nhiệt thải ra cần được thu gom hoặc quản lý để không tạo nên hơi nóng ầm bay vào trong chuồng và làm tăng nhiệt độ cảm nhận của thú. (3) phun mưa nhân tạo cho gà cũng là một biện pháp được thực hiện cho những trại có thiết kế chuồng hở và nền sàn. Hạt nước tạo ra phải có kích thước trên 1 mm để đảm bảo hạ nhiệt độ không khí tốt mà không gia tăng ẩm độ không khí cao, đồng thời lấy đi lượng nhiệt trên cơ thể gà nhanh chóng. Phương pháp này cần được làm quen cho gà từ giai đoạn gà choai để tránh gà bị hoảng sợ khi áp dụng đột ngột.
- Giảm các hệ quả do stress nhiệt gây ra: Gà gia tăng tần số hô hấp sẽ làm mất nhiều hơi nước và CO2, làm tăng pH máu do vậy cần bổ sung điện giải để chống mất nước và bổ sung Vitamin C hoặc acid hữu cơ để cân bằng lại pH máu. Đồng thời bổ sung vitamin E, Selen giúp vật nuôi chống chọi tốt hơn với stress nhiệt. Ngoài ra, cần áp dụng điều trị dự phòng Paracetamol vào giai đoạn sau stress nhiệt để tránh tình trạng gà bi sốt cao, tăng tỷ lệ chết..
Kính chúc bà con chăn nuôi hiệu quả!
Ths. BSTY Trần Quốc Vĩ

KÉM HẤP THU CANXI TRONG CHĂN NUÔI GÀTrong chăn nuôi gà, một trong những vấn đề thường xuyên gặp phải và gây ảnh hưởng kh...
18/04/2022

KÉM HẤP THU CANXI TRONG CHĂN NUÔI GÀ

Trong chăn nuôi gà, một trong những vấn đề thường xuyên gặp phải và gây ảnh hưởng khá lớn đến năng suất chăn nuôi cả gà lấy trứng và gà nuôi thịt là tình trạng kém hấp thu Canxi. Tình trạng này không chỉ có nguyên nhân do mất cân đối Canxi trong khẩu phần mà trong thực tế chăn nuôi chủ yếu do các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng gây ra. Hậu quả của nó là làm giảm năng suất, chất lượng trứng, tăng tỷ lệ loại thải gà, tăng số gà loại 2 xuất bán. Từ đó trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi. Bài viết dưới đây xin chia sẻ về các nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.
Nguyên nhân gây kém hấp thu Canxi:
Ngoài vấn đề mất cân bằng Canxi-Photpho trong khẩu phần thì các nguyên nhân sau sẽ dẫn đến kém hấp thu chất dinh dưỡng, cụ thể là Canxi.
1. Bệnh lý đường ruột: Khi gà bị các bệnh lý trên đường ruột như bệnh do Clostridium, E. coli, Salmonella, cầu trùng,… thì niêm mạc ruột sẽ viêm, kém hấp thu chất dinh dưỡng.
2. Mật độ chăn nuôi cao: mật độ nuôi cao làm gà giảm không gian vận động. Do vậy, quá trình tích lũy canxi vào xương bị giảm xuống và lượng Canxi bị đào thải ra ngoài tăng.
3. Stress nhiệt: Khi gà bị stress nhiệt, gà sẽ tăng lượng nước uống, giảm ăn, giảm vận động, xệ cánh, tăng nhịp thở,… Vì gà uống nhiều nước nên tốc độ di chuyển thức ăn qua đường ruột nhanh hơn, thời gian hấp thu chất dinh dưỡng và nước bị rút ngắn nên phân ướt và giảm tỷ lệ tiêu hóa. Đồng thời gà giảm ăn nên tổng lượng Canxi gà thu nhận được sẽ giảm mạnh.
4. Thiếu vitamin A, D3 và E: Từ lâu vitamin D3 đã được biết đến rộng rãi trong vai trò giúp hấp thu Canxi. Bên cạnh đó, vitamin A và E cũng đóng vai trò nhất định trong việc hấp thu này. Vitamin A và E giúp kéo dài tuổi thọ các tế bào niêm mạc, trong đó có niêm mạc ruột, do vậy giúp tăng khả năng hấp thu. Ngoài ra, vitamin A còn tham gia vào quá trình kích hoạt gen tổng hợp receptor tiếp nhận vitamin D3, giúp tăng hiệu quả của vitamin D3 trong hấp thu Canxi.
Các giải pháp phòng tránh:
1. Đảm bảo sức khỏe đường ruột: để đảm bảo sức khỏe đường ruột, người chăn nuôi cần xây dựng lịch vaccin, phòng bệnh hợp lý; thường xuyên theo dõi, giám sát các thay đổi bất thường của phân gà; cho gà ăn thức ăn chất lượng tốt, phù hợp với lứa tuổi; duy trì cân bằng hệ vi sinh đường ruột bằng cách áp dụng hoặc phối hợp các liệu pháp probiotic, prebiotic, acid hữu cơ, chiết xuất thực vật, tinh dầu kháng khuẩn,…
2. Mật độ chăn nuôi phù hợp: Cần duy trì mật độ chăn nuôi hợp lý theo từng đối tượng gà và giai đoạn nuôi. Để gà có đủ không gian vận dộng, ăn uống đầy đủ.
3. Có chiến lược bổ sung Canxi hợp lý: Tùy vào từng đối tượng, giai đoạn nuôi mà có chiến lược cung cấp Canxi phù hợp. Ví dụ như trên gà đẻ, giai đoạn từ kết thúc hậu bị, chuyển sang đẻ trứng, gà tăng nhu cầu canxi rất lớn, nếu không cung cấp đủ canxi cho gà thì gà sẽ láy canxi dự trữ ở xương quá mức dẫn đến dễ bị gãy chân, cánh, cong xương ức,…Vì vậy lượng canxi bổ sung cần đảm bảo đủ số lượng, trong đó 50% canxi cung cấp ở dạng viên để những hạt canxi này có thể lưu lại lâu hơn trong hệ tiêu hóa, được dạ dày cơ mài mòn dần và từ đó tăng tỷ lệ hấp thu canxi. Ngoài ra, thời gian bổ sung canxi ở gà đẻ nên vào buổi chiều vì buổi tối là thời gian hình thành vỏ trứng, lượng canxi hấp thu sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình này, do vậy tăng hiệu suất sử dụng của canxi. Đối với gà thịt thương phẩm công nghiệp (Ross 308), việc bổ sung canxi hữu cơ trong tuần đầu cần quan tâm. Vì trong giai đoạn này, chỉ trong 7 ngày, trọng lượng của gà con có thể tăng lên gấp 6 lần, đặc biệt đối với gà trống. Do đó, nếu khung xương không đủ chắc chắn, gà sẽ bị yếu chân, té ngã và loại thải.
4. Xử lý tình trạng stress nhiệt: Stress nhiệt là vấn đề thường xuyên gặp phải trong chăn nuôi ở Việt Nam, để xử lý tốt vấn đề này thì tùy thuộc vào tình trạng, quy mô của từng trại để có được những giải pháp tối ưu. Một số giải pháp giúp hạn chế tình trạng stress nhiệt ở gia cầm như: thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống làm mát của trại (tấm làm mát, hệ thống phun nước mái,…); cung cấp vitamin C, acid hữu cơ vào nước uống khi nắng nóng. Điều này sẽ giúp gà cân bằng lại pH máu do mất đi H2CO3 dưới dạng CO2 và H2O do tăng nhanh nhịp thở.
5. Bổ sung vitamin ADE đúng cách: Mỗi loại vitamin có một khoảng pH phù hợp, nếu nằm ngoài khoảng pH này thì vitamin sẽ bị hao hụt theo thời gian. Đối với vitamin D và E khoảng pH ổn định là 4-8, trong khi vitamin A là trên 6. Vì vậy, chúng ta không nên pha chung vitamin ADE với acid hữu cơ cho gà uống.

Kính chúc quý bà con chăn nuôi thành công!
Ths. BSTY. Trần Quốc Vĩ

LỰA CHỌN KHÁNG SINH ĐIỀU TRỊ BỆNH TRONG CHĂN NUÔITrong nền chăn nuôi hiện đại, con người hướng tới tạo ra những sản phẩm...
12/03/2022

LỰA CHỌN KHÁNG SINH ĐIỀU TRỊ BỆNH TRONG CHĂN NUÔI

Trong nền chăn nuôi hiện đại, con người hướng tới tạo ra những sản phẩm an toàn với sức khỏe, thân thiện với môi trường và cải thiện về phúc lợi động vật. Do đó, đã có những quy định cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi với mục đích kích thích tăng trưởng, tránh tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Để đáp ứng được yêu cầu tạo ra sản phẩm an toàn hơn với sức khỏe, giảm thiểu tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, giảm chi phí thuốc thú y nhưng vẫn đảm bảo năng suất chăn nuôi thì người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp an toàn sinh học một cách triệt để; sử dụng kháng sinh để kiểm soát bệnh một cách thông minh, hiệu quả hơn. Trong bài viết ngắn gọn này, tôi xin trao đổi về 03 bước thực hiện để sử dụng kháng sinh một cách hiệu quả nhất.
1. Thực hiện an toàn sinh học
Bệnh xảy ra khi giao thoa giữ 3 yếu tố: môi trường, sức khỏe vật nuôi và mầm bệnh. Và an toàn sinh học là chìa khóa để kiểm soát môi trường chăn nuôi, nâng cao sức khỏe vật nuôi và tiêu diệt mầm bệnh trong trại, không cho mầm bệnh có cơ hội tiếp xúc với vật nuôi.
Tuy nhiên, an toàn sinh học là tổng hợp nhiều biện pháp và khá phức tạp, cần điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với tình hình dịch tễ và tình trạng kinh tế của trại. Do đó có những lúc hàng rào này có lỗ hỗng và vật nuôi nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh do vi khuẩn.Việc điều trị bệnh cho vật nuôi cần đảm bảo nguyên tác “phát hiện sớm, điều trị dứt điểm” để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
2. Tầm soát hiệu quả kháng sinh sử dụng trong trại
Kiểm tra kháng sinh đồ là phương pháp phân lập vi khuẩn sau đó đánh giá xem vi khuẩn nhạy cảm với những kháng sinh nào. Từ đó đưa ra khuyến cáo sử dụng kháng sinh phù hợp. Việc kiểm tra kháng sinh đồ nên được thực hiện ít nhất 6 tháng 1 lần.
Với quy trình hiện nay, thời gian phân lập và thử kháng sinh đồ phải mất từ 3-5 ngày để có kết quả. Do đó, kết quả xét nghiệm thường không giúp điều trị ngay đàn thú bệnh mà chỉ có ý nghĩa cho lần điều trị sau. Từ bất cập đó, chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng thành công quy trình kiểm tra kháng sinh đồ của quần thể vi khuẩn tại trại và rút ngắn thời gian xét nghiệm xuống chỉ còn 16 tiếng. Với cách làm này, chúng tôi có thể hỗ trợ trại hiệu quả hơn, giúp can thiệp kịp thời đàn thú bệnh.
3. Lựa chọn kháng sinh phù hợp
Sau khi có kết quả kháng sinh đồ, chúng ta sẽ có được một danh sách các kháng sinh có thể dùng tốt để kiểm soát bệnh. Và việc chọn loại kháng sinh nào để sử dụng sẽ được cân nhắc dựa trên độc tính hay tác dụng phụ của thuốc với các đối tượng cụ thể (thú mang thai, thú nhỏ, thú bệnh thận,…) và chi phí điều trị thấp nhất.
Kính chúc quý bà con chăn nuôi hiệu quả!
Ths.BSTY Trần Quốc Vĩ

6 SAI LẦM KHI CHĂM SÓC DÊ BỆNH01. CHO DÊ UỐNG SỮAKhi dê bị bệnh, nhiều người nuôi cứ nghĩ cho dê uống sữa sẽ giúp dê có ...
30/11/2021

6 SAI LẦM KHI CHĂM SÓC DÊ BỆNH

01. CHO DÊ UỐNG SỮA

Khi dê bị bệnh, nhiều người nuôi cứ nghĩ cho dê uống sữa sẽ giúp dê có nguồn dinh dưỡng dễ tiêu hóa, giúp dê mau khỏi bệnh (như người bị bệnh vậy). Nhưng thực tế thì đây là việc làm rất nguy hiểm. Vì dê (đã cai sữa mẹ) là động vật nhai lại, dạ dày có 4 túi, túi lớn nhất là dạ cỏ. Khi dê bệnh uống sữa, sữa sẽ rơi vào dạ cỏ và lên men rất nhanh, sinh hơi và gây chướng hơi dạ cỏ. Hơn nữa, khi dê bệnh, yếu, nằm 1 chỗ mà người nuôi ép cho dê uống sữa sẽ làm dê bị sặc và chết.

02. ĐIỀU TRỊ THUỐC ĐƯỜNG UỐNG

Ngoại trừ điện giải (được pha vào nước để chống mất nước cho dê kết hợp điều trị tiêu chảy, sốt cao, nắng nóng) và một số loại thuốc xổ giun có thể dùng đường ăn, uống. Hầu hết các thuốc khác đều CHỐNG CHỈ ĐỊNH đường uống cho dê. Lý do cũng từ sự khác biệt về cấu trúc hệ tiêu hóa của dê. Các tuốc kháng sinh sẽ làm rối loạn quá trình lên men của dạ cỏ, trong khi các thuốc khác sẽ bị vi sinh vật dạ cỏ phân hủy, làm mất tác dụng.

03. KHÔNG TÁCH TIÊNG DÊ BỆNH

Dê bệnh cần tách riêng ra khỏi đàn để chăm sóc và điều trị bệnh. Nếu dê bệnh ở cùng đàn với dê khỏe sẽ lây bệnh cho những con khỏe trong đàn, ngoài ra dê sẽ bị quấy nhiễu bởi các con khác trong đàn. Khi tách riêng dê bệnh sẽ giúp dê có nguồn không khí trong lành hơn, không gian yên tĩnh hơn để nghỉ ngơi, đồng thời dễ dàng bổ sung các biện pháp điều trị bổ sung nếu cần thiết như truyền dịch, sưởi ấm,…

04. ĐỂ DÊ NẰM 1 CHỖ QUÁ LÂU

Đối với những dê bị bệnh nặng, phải nằm 1 chỗ, người nuôi cần chú ý đặt dê nằm ở tư thế đầu cao hơn bụng, nếu dê nằm ở chuồng nền hoặc mặt phẳng kín, mặt nghiêng nền chuồng xuôi theo hướng thoát nước tiểu của dê, tránh dê bị ướt. Thường xuyên trở mình cho dê và giúp dê đứng lên vận động.
Khi dê bệnh, yếu, dạ cỏ cử dê cũng giảm nhu động, dê khó ợ hơi để thoát khí. Nếu dê nằm quá lâu sẽ dễ bị chướng hơi dạ cỏ. Hơn nữa, việc nằm 1 chỗ quá lâu sẽ làm tắc lưu thông máu dưới da, dẫn đến hoại tử, viêm loét da của dê, làm tình trạng bệnh ngày càng xấu hơn.

05. KHÔNG CUNG CẤP NĂNG LƯỢNG ĐÚNG CÁCH

Dê bệnh thường sẽ bỏ ăn, dinh dưỡng bị thiếu hụt, việc cung cấp năng lượng là rất cần thiết để giúp dê sớm ăn trở lại và phục hồi nhanh hơn. Truyền dịch chứa glucose 5% là liệu pháp phổ biến và hiệu quả để giúp dê vượt qua tình trạng nguy kịch cũng như nhanh khỏi bệnh hơn.

06. KHÔNG CHĂM SÓC TỐT VÀO BAN ĐÊM

Ba đêm là lúc nhiệt độ hạ thấp và là khoảng thời gian dài chúng ta không để mắt đến dê bệnh. Nếu chuồng chăm sóc dê bệnh không được che chắn gió lùa, giữ ấm đúng cách, dê sẽ bị mất nhiệt, bệnh càng trầm trọng hơn, thậm chí dê có thể chết trong đêm. Do vậy, người nuôi cần chú ý đến thời tiết ban đêm của khu vực nuôi để có sự chuẩn bị tốt nhất, hỗ trợ cho dê bệnh phù hợp và thăm khám dê thường xuyên.

Chúc bà con chăn nuôi thành công!
Ths. BSTY. Trần Quốc Vĩ

VẤN ĐỀ THÔNG THOÁNG KHÍ Ở CHUỒNG NUÔI GÀ THỊT CÔNG NGHIỆPTrong chăn nuôi gà thịt, gà hậu bị trứng quy mô công nghiệp, vớ...
02/11/2021

VẤN ĐỀ THÔNG THOÁNG KHÍ Ở CHUỒNG NUÔI GÀ THỊT CÔNG NGHIỆP

Trong chăn nuôi gà thịt, gà hậu bị trứng quy mô công nghiệp, với mật độ chăn nuôi cao, vấn đề thông thoáng khí thường ít được người chăn nuôi hiểu đúng và điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt là trong giai đoạn úm đến lúc giữa chu kỳ nuôi (21 ngày ở gà trắng công nghiệp và 42 ngày ở gà màu) vì giai đoạn này người chăn nuôi cần cân đối giữa nhiệt độ giữ ấm cho gà và lượng trao đổi khí trong chuồng nuôi. Các vấn đề về thông thoáng khí kém thường xảy ra vào ban đêm, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, người chăn nuôi phải dùng thêm hệ thống sưởi cho gà nhỏ và giảm lượng quạt thông gió trong chuồng vô tình sẽ làm gà thiếu oxy và ngộ độc các khí độc khác làm tăng tần số hô hấp, thở dốc và có thể chết.
Việc tính toán lượng khí trao đổi tối thiểu trong chuồng là vô cùng quan trọng để hạn chế tổn thất do gà chết hoặc gặp các vấn đề hô hấp cần phải can thiệp bằng kháng sinh do phụ nhiễm. Lượng khí trao đổi này phải được duy trì và không ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường thấp. Bài viết dưới đây sẽ trao đổi kỹ hơn về vấn đề này.
Để tính toán lượng khí trao đổi tối thiểu chúng ta cần nắm được các thông số về khí độc mà gà có thể chịu được gồm NH3 (< 10 ppm), NO2 (< 3000 ppm), NO (< 10 ppm); lượng khí NH3 gà thải ra không khí mỗi giờ; lượng không gian nuôi nhốt gà (m3 không khí) và công suất quạt.
Theo tiêu chuẩn giống của gà Ross 308 (avigen) thì trong 7 ngày đầu úm gà, tốc độ gió đảm bảo 0,15m/s. Tốc độ gió có thể được tính theo công thức sau:
Tốc độ gió (m/s) = Lượng không khí trao đổi (m3/h)/ diện tích thoát khí/ thời gian (s)
• Lượng không khí trao đổi là trong công suất các quạt đang vận hành tại thời điểm tính toán
• Diện tích thoát khí là tổng diện tích của các quạt đang hoạt động
Từ đó chúng ta ứng dụng vào điều kiện cụ thể của trại để tính ra độ thông thoáng gió tối thiểu của chuồng nuôi.
Đối với gà dưới 7 ngày tuổi
Để đảm bảo lượng không khí trao đổi trong tuần đầu của giai đoạn úm thì tốc độ gió tối thiểu là 0,15m/s, có nghĩa là lượng không khí trao đổi mỗi giờ là:
(Tốc độ gió) x (tiết diện thoát gió) x (thời gian) (s) = 0,15 x 3 x 3600 = 1620 m3/h
Với công suất của 1 quạt công nghiệp trong điều kiện bình thường là 34000 m3/h
Công suất quạt so với nhu cầu thông thoáng tối thiểu sẽ là: 34000/1620 ~~ 21 lần
Như vậy quạt sẽ được chỉnh ở mức 2 phút nghỉ (120 giây) và chạy 6 giây. Hoặc 5% công suất 1 quạt.
Đối với gà trên 7 ngày tuổi
Sau giai đoạn tuần đầu, lượng phân gà thải ra đáng kể, vấn đề khí ammoniac bốc hơi từ phân đáng được quan tâm.
Theo Gates và ctv (2008), lượng ammoniac bốc hơi từ đêm lót chuồng nuôi được tính theo công thức: Amoniac (g/ngày) = 0,031 x (ngày tuổi - 6).
Ví dụ: chuồng gà nuôi 18000 con, diện tích nuôi nhốt lúc 11 ngày tuổi là 82m x 14m x 2,2m
Diện tích nuôi nhốt = 82 x 14 x 2,2 = 2525 m3
Lượng ammoniac bốc hơi vào không khí = 0.031 x (11 - 6) x 18000 = 2790 g/ ngày tương đương 116,25g/giờ.
Hàm lượng ammoniac bốc hơi vào không khí mỗi giờ là:
(Lượng ammoniac/thể tích chuồng) x (0,0409 x khối lượng phân tử) = (116,25/2525)/ (0,0409 x 17,03) = 65,7 ppm
 Để lượng ammoniac duy trì dưới 10 ppm, trong mỗi giờ cần trao đổi lượng không khí gấp 7 lần (65,7/10) thể tích không khí chuồng.
Với diện tích nuôi nhốt 2525 m3, thể tích không khí cần trao đổi là 2525 x 7 = 17679 m3
Vậy tỷ suất sử dụng quạt sẽ là 34000/ 17679 ~~ 0.5
 Quạt cần duy trì tối thiểu ở mức 5 phút chạy, 5 phút nghỉ hoặc 50% công suất 1 quạt.
Hy vọng với những chia sẻ trên, quý bà con chăn nuôi sẽ hiểu được nguyên tắc tính toán độ thông thoáng tối thiểu để áp dụng tốt vào trại mình, nâng cao năng suất chăn nuôi.
Chúc bà con chăn nuôi thành công!
ThS. BSTY Trần Quốc Vĩ

MÀU VỎ TRỨNG VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNGỞ các trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, các chỉ tiêu về hình thái của qu...
30/10/2021

MÀU VỎ TRỨNG VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG
Ở các trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, các chỉ tiêu về hình thái của quả trứng như màu vỏ trứng, trứng dơ, trứng bể, trứng mỏng vỏ, trứng vỏ lụa,… được dùng để đánh giá về năng suất và sức khỏe của đàn gà. Đặc biệt, đối với các trang trại chăn nuôi các giống gà đẻ trứng nâu (Isa Brown, Bovan Brown), tỷ lệ trứng gà có vỏ nhạt màu hay mất màu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán trứng và lợi nhuận thu được. Vậy các nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng gà mái đẻ những quả trứng có vỏ nhạt màu hay mất màu?
HÌNH THÀNH MÀU VỎ TRỨNG
Màu của vỏ trứng do các tế bào tạo sắc tố ở đoạn cuối của tử cung gà tạo nên. Sắc tố tạo ra từ lớp biểu bì này được quy định bởi giống. Ví dụ gà ISA Brown và Bovan Brown sẽ có màu nâu, các giống gà địa phương, gà ác, gà Ai Cập thích nghi trong môi trường nhiệt đới sẽ không có sắc tố, quả trứng có màu trắng tự nhiên của Canxi. Trong khi các dòng gà lai giữa 2 nhóm này sẽ cho ra những quả trứng màu hồng nhạt.
Quá trình hình thành sắc tố vỏ trứng xảy ra rất nhanh, trong vòng 3-4 giờ trước khi quả trứng được đẻ ra và lúc này lớp vỏ vôi đã hình thành hoàn chỉnh.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MÀU QUẢ TRỨNG
Màu sắc quả trứng do lớp biểu mô ở đoạn cuối tử cung tạo nên do đó tất cả những tác động ảnh hưởng đến lớp biểu mô này hay làm gà mái đẻ quả trứng nhanh hơn so với tự nhiên sẽ dẫn đến mật độ sắc tố của quả trứng giảm, hoặc không có sắc tố.
STRESS
Stress là vấn đề thường gặp nhất trong trại và làm xuất hiện trứng nhạt màu, trứng trắng với tỷ lệ từ 2%-4%. Khi gà bị stress, gà tiết ra các hormone chống stress như epinephrin làm ức chế hoạt động của đường sinh sản, kéo dài thời gian hình thành trứng làm cho trứng bị phủ thêm 1 lớp Canxi mỏng phía ngoài làm trứng trở nên trắng hơn; hoặc khi gà bị căng thẳng và sợ hãi sẽ làm ức chế hình thành sắc tố vỏ trứng, thậm chí gà có thể đẻ những quả trứng chưa có vỏ vôi. Gà có thể bị stress do nắng nóng, ánh sáng mặt trời mạnh, xáo trộn thói quen, chuyển qua môi trường mới, mật độ nuôi cao, tiếng ồn, động vật thiên địch, chuột hay thú ăn thịt vào chuồng, ….
KHẨU PHẦN, THUỐC
Khẩu phần mất cân đối Canxi-Phospho, thiếu vitamin cũng làm thay đổi chất lượng vỏ trứng và nhạt màu của trứng. Ngoài ra, các loại thuốc như Nicarbazin, Sulfonamides cũng làm tăng tỷ lệ trứng nhạt màu.
BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Các bệnh truyền nhiễm có tác động đến hệ thống sinh sản đều có thể gây nên các rối loạn trong quá trình hình thành quả trứng, làm tăng tỷ lệ trứng bất thường trong đàn. Các bệnh điển hình hay gặp như Newcastle, Hội chứng giảm đẻ (EDS), Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB), bệnh do Mycoplasma, …. Tỷ lệ xuất hiện trứng trắng, trứng bất thường tăng là dấu hiệu đầu tiên có thể nhận ra khi gà mắc bệnh, sau đó gà sẽ giảm ăn, giảm trứng và có các biểu hiện lâm sàng khác, thậm chí tỷ lệ chết có thể tăng cao tuỳ vào mức độ bệnh.
TUỔI GÀ
Các đàn gà đẻ càng lớn tuổi thì tỷ lệ trứng nhạt màu càng gia tăng. Nguyên nhân có thể do gà đẻ những quả trứng lớn hơn và có bề mặt vỏ rộng hơn nên mật độ sắc tố giảm. hoặc hệ thống sinh sản đã bị lão hóa, suy giảm ở những con gà đẻ già.
Hy vọng rằng những thông tin cung cấp trong bài viết sẽ giúp bà con chăn nuôi có thể ứng dụng vào trang trại mình, khi đàn gà có xuất hiện biểu hiện bất thường về vỏ trứng. Trên cơ sở của bài viết này, kết nối với các dữ liệu của trại để xác định nguyên nhân do quản lý hay đó là biểu hiện sớm của vấn đề bệnh truyền nhiễm. Từ đó giúp xử lý sớm và tránh được các thiệt hại hoặc phòng tránh các thất thoát do chất lượng vỏ trứng kém.
Chúc bà con chăn nuôi thành công!
Ths. BSTY: Trần Quốc Vĩ

ĐAU CHÂN TRÊN DÊ – CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊTrong quá trình chăn nuôi, những vấn đề liên quan đến chân móng hay viêm khớp tr...
26/10/2021

ĐAU CHÂN TRÊN DÊ – CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
Trong quá trình chăn nuôi, những vấn đề liên quan đến chân móng hay viêm khớp trên dê cũng khá phổ biến. Trong đàn có thể xuất hiện một vài cá thể hay có tính lây lan sang nhiều con khác, dê có thể đau 1 chân hay nhiều chân, một vị trí khớp hay nhiều vị trí khớp. Trong những trường hợp này, người chăn nuôi cần đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra chẩn đoán đúng và có biện pháp khắc phục kịp thời. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ về một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau chân hoặc khớp của dê và cách điều trị:
Nguyên nhân:
Có nhiều nguyên nhân làm dê bị đau chân, khớp bao gồm cả những nguyên nhân truyền nhiễm và không truyền nhiễm. Chúng có thể được liệt kê ra gồm:
- Móng chân quá dài
- Chấn thương do va đập, dẫm vật cứng nhọn (đá, đinh,…)
- Bệnh toan huyết (acidosis)
- Thiếu khoáng (Zn, Cu) và vitamin
- Mất cân bằng Ca-P
- Bệnh cơ trắng do thiếu Selen và Vitamin E
- Bệnh viền trắng chân móng
- Bệnh lở mồm long móng
- Bệnh viêm khớp, viêm não do Retrovirus
- Bệnh viêm đa khớp do Mycoplasma mycoides
- Nhiễm trùng kế phát các vi khuẩn Fusobacterium necrophorum, Trueperella pyogenes, Dichelobacter nodusus, xoắn khuẩn Treponema.
- Bệnh Lyme (do ve truyền vi khuẩn Borrelia burgdorferi)
Chẩn đoán và điều trị
Khi có một con trong đàn có biểu hiện đi đứng bất thường, chúng ta cần kiểm tra ngay và đánh giá cẩn thận tình trạng, thu thập đủ thông tin như khẩu phần ăn, chế độ ăn, tình trạng tổn thương của dê (vị trí tổn thương, một vị trí hay nhiều vị trí, thân nhiệt của dê, tình trạng khớp viêm,…) để có hướng chẩn đoán chính xác.
Để phòng bệnh acidosis và các bệnh do dinh dưỡng cần chú ý về tỷ lệ tinh bột trong khẩu phần, không thay đổi chế độ ăn đột ngột (những bê sau sinh thường được tăng khẩu phần cám hoặc dê giai đoạn vỗ béo – cần có thời gian làm quen với khẩu phần mới). Thức ăn tinh hoặc cám nên được trộn đều với thức ăn xanh thành dạng đồng nhất (TMR), tránh tình trạng dê lựa chọn thức ăn hoặc ăn cám nhiều tại 1 thời điểm. không nên cắt cỏ/ lá quá nhỏ vì sẽ làm giảm phản xạ nhai lại của dê, từ đó làm giảm khả năng tiêu hóa.
Các vấn đề liên quan đến chân móng thường gia tăng khi dê được nuôi nhốt, chăn thả ở nơi ẩm ướt, bùn lầy. Đặc biệt là những con dê có móng quá dài, không được mài mòn hay gọt tỉa đúng cách. Khi phát hiện các tổn thương ở móng, cần vệ sinh sạch sẽ, điều trị bằng kháng sinh tại chỗ, nhốt dê riêng ở nơi khô thoáng.
Cần bổ sung thêm biotin, Cu, Zn, các acid amin có chứa lưu huỳnh như cystein, methionine trong giai đoạn điều trị để giúp cho lớp biểu bì sừng hóa tạo nên phần móng mới phát triển tốt.
Liệu trình kháng sinh và kháng viêm sẽ cần thiết để phòng phụ nhiễm, điều trị nhiễm trùng, giảm đau cho dê và giúp chúng nhanh phục hồi. Các kháng sinh thường được sử dụng như Amoxicillin, Tetracyclin, Doxycycillin, Tiamulin, Tylosin, kết hợp với các loại kháng viêm như Tolfenamid, Ketoprofen, Flunixin, Dexamethasone. Đối với trường hợp xác định dê nhiễm bệnh viêm khớp, viêm não do Retrovirus thì cần loại thải dê bệnh ra khỏi đàn.

Chúc bà con chăn nuôi thành công!
Ths. BSTY: Trần Quốc Vĩ

NHỮNG YẾU TỐ KHẨU PHẦN VÀ QUẢN LÝ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÌNH TRẠNG PHÂN ƯỚT Ở GÀ ĐẺTrong chăn nuôi gà đẻ, việc quản lý chất lượn...
21/10/2021

NHỮNG YẾU TỐ KHẨU PHẦN VÀ QUẢN LÝ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÌNH TRẠNG PHÂN ƯỚT Ở GÀ ĐẺ
Trong chăn nuôi gà đẻ, việc quản lý chất lượng phân gà vừa có ý nghĩa về mặt bảo vệ môi trường, sức khỏe (mùi hôi, ruồi) vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế (thu nhập do bán phân, hiệu quả sử dụng thức ăn, gia tăng các bệnh hô hấp do ammoniac và độ ẩm bay lên từ phân).
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về một số yếu tố khẩu phần và quản lý ảnh hưởng đến độ ướt của phân (vấn đề phân ướt do bệnh sẽ được chia sẻ ở các chủ đề sau):
1. Chất lượng của nguyên liệu:
Thức ăn được tổ hợp từ các nguyên liệu chứa nhiều chất xơ khó tiêu, các dạng tinh bột chứa nhiều amylopectin mạch nhánh hoặc chưa được xử lý đúng cách, vẫn còn chứa các thành phần kháng tiêu hóa sẽ có tỷ lệ tiêu hóa thấp. Các phần thức ăn không tiêu hóa được ở ruột non sẽ di chuyển xuống ruột gà và bị lên men, sinh ra acid lactic, làm tăng thẩm thấu nước vào lòng ruột gây nên tình trạng phân ướt.
2. Mất cân đối tỷ lệ khoáng trong khẩu phần
Khoáng trong khẩu phần có ảnh hưởng mật thiết đến cân bằng áp suất thẩm thấu trong long ruột. Ngoài ra, việc hấp thu quá nhiều khoáng sẽ làm tăng đào thải qua thận và tăng lượng nước tiểu. Từ đó làm tăng độ ướt của phân. Sự ảnh hưởng của các khoáng đến tình trạng phân ướt và biểu hiện của gà được thể hiện ở bảng bên dưới.
3. Gà bị stress nóng
Khi nhiệt độ môi trường cao, gà không có tuyến mồ hôi để thoát nhiệt nên nhiệt chủ yếu thoát ra qua hơi thở và tản nhiệt do đối lưu không khí qua bề mặt da. Đồng thời gà sẽ tăng lượng nước uống để bù vào lượng nước mất qua hơi thở. Tuy nhiên lượng nước gà uống vào lớn hơn rất nhiều so với lượng nước mất đi do tăng nhịp thở. Và Lượng nước thừa này đi vào ruột và phần lớn được thải qua phân.
4. Sử dụng thuốc giải độc gan
Các loại thuốc giải độc gan có hàm lượng sorbitol cao thường làm tăng độ ướt của phân gà do sorbitol sẽ làm tăng giữ nước trong phân.
Một số giải pháp để giảm độ ướt của phân gà, khô phân:
- Bổ sung vi khuẩn có lợi (probiotic) vào khẩu phần:
Việc bổ sung vi khuẩn có lợi sẽ giúp ổn định hệ vi sinh đường ruột, tăng khả năng sử dụng thức ăn của gà, giảm sự lên men các chất dinh dưỡng thừa (đạm, béo, tinh bột) ở ruột già. Phòng ngừa phân ướt.
- Sử dụng các loại thuốc giải độc gan có hàm lượng sorbitol thấp bên cạnh các thành phần như Cholin, Methionine,…
- Theo dõi các biểu hiện của đàn gà về lượng nước uống, thức ăn để có cơ sở xem xét lại tỷ lệ các chất khoáng trong khẩu phần.
- Sử dụng acid hữu cơ trong những ngày nắng nóng:
Trong thời tiết nắng nóng, gà sẽ tăng hô hấp để thải nhiệt và mất nhiều CO2 qua khí thở, dẫn đến làm tăng pH máu. Gà cảm thấy mệt và tăng uống nước. Khi gà được cho uống acid hữu cơ, acid hữu cơ sẽ hấp thu vào máu, làm giảm pH máu và giúp gà cảm thấy dễ chịu hơn, tăng sức chịu đựng đối với stress nhiệt, giảm tình trạng uống nước nhiều. Ngoài ra, acid hữu cơ còn hỗ trợ hệ vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả nang sử dụng thức ăn.
Chúc bà con chăn nuôi thành công!
ThS. BSTY: Trần Quốc Vĩ

HỘI CHỨNG KHÍ PHẾ THỦNG PHỔI CẤP TÍNH TRÊN BÒ(BỆNH SỐT SƯƠNG MÙ – FOG FEVER)Ở các nước chăn nuôi bò lớn như Úc, hội chứn...
17/10/2021

HỘI CHỨNG KHÍ PHẾ THỦNG PHỔI CẤP TÍNH TRÊN BÒ
(BỆNH SỐT SƯƠNG MÙ – FOG FEVER)
Ở các nước chăn nuôi bò lớn như Úc, hội chứng khí thủng phổi cấp tính thường xảy ra vào mùa Thu. Bệnh xảy ra do bò thay đổi thức ăn đột ngột từ dạng cỏ khô (thức ăn trong mùa hè) sang ăn dạng cỏ tươi, xanh tốt ngoài đồng cỏ khi chuyển sang mùa thu. Bò có biểu hiện triệu chứng sau 4 đến 10 ngày sau khi được thả ra đồng cỏ. Bệnh xảy ra dạng cấp tính, có thể gây chết đến 30% đàn.
Triệu chứng bệnh:
- Khó thở
- Ho
- Chảy nước miếng và có nhiều bọt quanh miệng
- Lo lắng
- Nằm liệt và chết
Cơ chế sinh bệnh:
Trong cỏ tươi chứa nhiều dinh dưỡng hơn cỏ khô, đặc biệt là một axit amin có tên Triptophan. Khi bò thay đổi quá nhanh khẩu phần thức ăn thì hệ vi sinh vật của dạ cỏ chưa thích ứng kịp để tiêu hóa, hấp thu hiệu quả. Chúng phân giải Triptophan thành hợp chất 3-methylindole, chất này là một chất độc, được hấp thu vào máu, đến phổi gây tổn thương phổi nghiêm trọng với bệnh tích đặc trưng là khí phế thủng phổi nghiêm trọng (ảnh minh họa), bò không thể hô hấp trao đổi oxy được và chết. Việc điều trị khi bò có dấu hiệu bệnh thường không hiệu quả, các trường hợp bệnh nhẹ và phát hiện sớm thì bò có thể tự phục hồi.
Bệnh cũng xuất hiện tại Việt nam khi ngành chăn nuôi bò dần đi theo hướng công nghiệp, bò vỗ béo được ăn chế độ thức ăn tinh cao và việc chuyển đổi chế độ ăn chưa đúng.
Phòng bệnh:
- Luôn tuân thủ quy trình thay đổi thức ăn để bò có thời gian thích ứng với chế độ dinh dưỡng mới.
- Trong trường hợp chăn thả luân phiên đồng cỏ hoặc từ chế độ ăn rơm sang khu vực cỏ xanh non, cần hạn chế thời gian chăn thả trong giai đoạn đầu của việc luân phiên hoặc cho bò ăn bổ sung Monensin hoặc Chlotetracyline ở giai đoạn chuyển đổi.
Chúc bà con chăn nuôi thành công!
Ths. BSTY: Trần Quốc Vĩ

Address

TL766, Huyện Xuân Lộc
Đồng Nai

Telephone

+84936500998

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Chăn nuôi Xuân Lộc posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Chăn nuôi Xuân Lộc:

Share

Category


Other Pet sitting in Đồng Nai

Show All