19/07/2022
KỸ THUẬT CHĂN NUÔI LỢN THEO HƯỚNG HỮU CƠ
Chọn giống
Con giống đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y (nếu nhập ở ngoài tỉnh). Trường hợp lợn mới mua về phải nuôi cách ly ở khu vực riêng tối thiểu 14 ngày trước khi nhập đàn.
Chuẩn bị chuồng trại
Đối với lợn đực giống
Nên làm chuồng cách xa khu dân cư và đường lớn để tránh tiếng ồn; hệ thống rào phải chắc chắn; nuôi riêng từng lứa tuổi; khu nuôi dưỡng cần rộng rãi, có nhiều cây xanh. Nên trồng các loại cây mà lợn rừng không gặm gốc như cây nhãn...; trong khu vực chăn nuôi phải có hố nước, hố bùn, hố cát cho lợn tắm
Mỗi lợn đực giống một vườn riêng, rộng 40-50 m2. Dùng lưới B40 vây thành các ô, có trụ đỡ cho bờ rào lưới là các cọc sắt và cọc bê tông, cọc bê tông được dựng vừa có tác dụng làm khung, vừa có khả năng chống đỡ, các cọc sắt cách nhau 1,5m. Chân bờ rào đào móng kiên cố xây cao 30 - 40 cm sau đó gắn và chôn sâu lưới B40 cũng như cọc sắt là 30cm để hạn chế khả năng đào hang của lợn rừng, chiều cao của lưới đảm bảo 1,2 - 1,5m trở lên. Bên trong vườn có chuồng nuôi rộng 5-10m2. Chuồng nuôi, có mái che, cao trên 2,5m, nền lát gạch hoặc đổ bê tông có độ nhám để tránh trơn trượt, có độ dốc 2-3%
Đối với lợn cái
Lợn cái hậu bị: xây chuồng chắc chắn có mái che, thoáng mát. Xây thành các ô chuồng cao trên trên 1,5m. Xung quanh chuồng sử dụng lưới thép B40 để quây tạo sự thông thoáng, thoải mái nhất cho lợn hậu bị. Nền chuồng xây cao từ 20 - 30cm, lát bằng gạch đỏ để thuận tiện cho việc dọn dẹp vệ sinh, tránh bị đọng nước. Xây chuồng làm 2 khu vực, khu bên trong có mái che, bên ngoài để thông thoáng. Diện tích khoảng 40 - 60m2 chuồng, đủ để nuôi từ 8-10 con lợn hậu bị sinh sản.
Lợn cái sinh sản: quây lưới B40 giống như chuồng hậu bị. Tuy nhiên do mật độ 1 con/1 ô nên diện tích chuồng khoảng 8 – 10 m2. Xây tường cao 80 - 100cm và có thiết kế chuồng úm. Do mắt lưới B40 tương đối to so với kích thước lợn con nên xung quanh lưới B40 từ dưới đất lên 20cm đảm bảo phải được rào kỹ hoặc được nẹp bằng các thanh tre, gỗ tránh cho lợn con mắc kẹt tại đó; hoặc có thể xây hàng gạch cao khoảng 30cm sau đó mới quây lưới.
Bên trong ô nuôi lợn đẻ có 1 nhà nhỏ 4-6m2 để làm ổ đẻ cho lợn, vứt rơm khô, cành cây hoặc lá khô vào lợn sẽ tự làm ổ đẻ trong đó. Ổ đẻ cần đảm bảo cao ráo và tránh ẩm, phía bên ngoài ổ đẻ có cửa để nhốt lợn bên trong khi trời mưa gió. Toàn bộ diện tích còn lại bên ngoài sẽ được làm sân chơi và tập thích nghi dần cho lợn con trong điều kiện sống bán thiên nhiên.
Sân chơi: có diện tích khoảng 5m2 dùng lưới B40 quây bên ngoài, cao 1,5m. Sân chơi thường không cần lợp mái che. Nền chuồng lát xi măng hoặc lát gạch, có độ nghiêng khoảng 3 – 5 độ, không trơn trượt, dễ dọn dẹp vệ sinh, không ứ đọng nước. Phần chân lưới tiếp xúc với đất tốt nhất nên xây 1 – 2 viên gạch cho chắc chắn, tránh việc lợn đào đất chui ra.
Đối với lợn thương phẩm
Lựa chọn khu đất cao ráo, xung quanh dùng lưới thép B40 để quây kín với chiều cao khoảng 1,8m. Phần chân của lưới thép nên dậm thật chặt hoặc xây cao 1m để lợn không đào đất chui ra ngoài. Bên trong xây chuồng có mái che, đảm bảo mật độ nuôi 1m2/con.
Sân chơi với diện tích 5m2/con, nền không cần láng xi măng mà để nguyên nền đất, rào chắc chắn, có thể cho thêm rơm khô và cỏ khô vào trong, trồng thêm cây to để tạo bóng mát.
Chăm sóc nuôi dưỡng
Chăm sóc lợn đực giống
Định kỳ vệ sinh, khử trùng chuồng nuôi trại, dụng cụ chăn nuôi; máng ăn, máng uống đảm bảo sạch sẽ.
Dinh dưỡng cho lợn đực giống: Cần đảm bảo dinh dưỡng cho lợn đực giống tùy theo độ tuổi, thể trạng và khả năng làm việc; khẩu phần thức ăn của đực giống cần cân đối. Lợn đực hậu bị và trưởng thành phối trộn 60% thức ăn hoàn chỉnh, 40% cám gạo, ngô, vitamin, khoáng chất. Có chế độ bồi dưỡng, bổ sung thức ăn tinh nhất là thức ăn tinh giàu đạm. Những ngày phối giống cần bổ sung thêm thức ăn tinh, muối khoáng, thức ăn giàu đạm, vitamin (trứng gà, giá đỗ, lúa nảy mầm). Thức ăn xanh cho ăn tự do. Nước uống đảm bảo sạch và đủ theo nhu cầu.
Chế độ làm việc, khai thác: 1 lợn đực cho phối 5 – 10 lợn cái. Lợn đực cho giao phối khi đạt 7-8 tháng tuổi, mức độ khai thác 2-3 lần/tuần. Thường xuyên kiểm tra kỹ bàn chân, cẳng chân đực giống. Khi đực giống bị thương hoặc bị bệnh, cho đực giống nghỉ ngơi và điều trị cho tới khi khỏi hẳn. Sau đó mới tiếp tục khai thác.
Chăm sóc lợn cái sinh sản
Định kỳ vệ sinh, khử trùng chuồng nuôi trại, dụng cụ chăn nuôi; máng ăn, máng uống đảm bảo sạch sẽ.
Tẩy giun sán cho lợn vào đầu kỳ khi lợn đạt khối lượng 7 - 10kg và trước khi phối giống. Tiêm phòng đủ các loại vắcxin theo quy định để phòng bệnh cho lợn.
Chế độ dinh dưỡng:
Lợn cái hậu bị: Nuôi dưỡng lợn cái hậu bị sao cho khi đến tuổi phối giống trọng lượng phải đạt yêu cầu (khoảng từ 35-40kg trở lên), không quá béo, quá gầy. Cho ăn khẩu phần ăn bình thường, có thể phối trộn với tỷ lệ 30% thức ăn hoàn chỉnh, 70% thức ăn tinh (cám gạo, bột ngô…), bổ sung vitamin, khoáng chất, thức ăn xanh (rau, củ, quả). Cho ăn ngày 2 bữa chính: sáng và chiều tối, bữa trưa cho ăn phụ (thức ăn xanh: rau, củ, quả cho ăn tự do).Thức ăn hàng ngày cho lợn theo từng giai đoạn:10 - 20kg: 0,5kg thức ăn; 20 - 40kg: 0,8kg thức ăn; 40 k - phối giống: 1kg thức ăn.
Lợn cái mang thai: 2 tháng đầu mang thai (từ khi phối đến 84 ngày) cho ăn khẩu phần thức ăn bình thường như giai đoạn hậu bị, mức ăn là 1kg/con/ngày (đây là giai đoạn lợn con còn nhỏ chưa có nhu cầu về dinh dưỡng nhiều). Giai đoạn sau (từ 85 ngày đến khi đẻ) có thể phối trộn với tỷ lệ thức ăn hoàn chỉnh 50%, còn lại 50% cám gạo, ngô, vitamin, khoáng chất để đảm bảo chất dinh dưỡng nuôi thai, mức cho ăn từ 1,2-1,5kg/con/ngày tùy vào thể trạng lợn cái (gầy cho ăn nhiều, béo cho ăn giảm).Có thể bổ sung thêm muối khoáng mỗi ngày. Sau 2 tháng đến khi đẻ, bổ sung thêm thức ăn tinh giàu dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng, sinh tố… Thức ăn xanh cho ăn tự do. Ngày lợn đẻ có thể cho lợn ăn cháo loãng, ít muối, ít rau xanh để đề pḥòng sốt sữa… Lợn mang thai nên nuôi riêng để tiện chăm sóc nuôi dưỡng…
Lợn nái nuôi con, khẩu phần thức ăn phải đảm bảo số lượng, chất lượng và chủng loại. Có thể sử dụng thức ăn phối trộn với tỷ lệ 70% thức ăn hoàn chỉnh, 30% thức ăn cám gạo, ngô, vitamin, khoáng chất.Mức cho ăn từ 1 - 1,2 kg phụ thuộc vào số lợn con theo mẹ, thể trạng của lợn nái và nhiệt độ môi trường, nếu thời tiết lạnh dưới 15oC cần cho lợn ăn thêm 0,2-0,3 kg. Cho lợn ăn ngày 2 bữa chính vào buổi sáng và buổi chiều. Rau xanh củ quả cho ăn theo nhu cầu.
Nước uống: Đảm bảo sạch và đủ theo nhu cầu.