23/07/2021
BỆNH CÚM GIA CẦM
Bệnh cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus cúm tuýt A, chủng H5N1, H5N6 gây ra. Trước đây, loại virus này chỉ gây bệnh cho gia cầm, song hiện nay lại gây bệnh cho cả thủy cầm và độc lực của nó rất mạnh. Virus lây lan mạnh trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ lạnh. Virus cúm cư trú trên các loài thủy cầm di cư như: cò, ngỗng trời, vịt trời... nên khả năng lây lan bệnh rất rộng và khó kiểm soát. Bệnh lây sang người.
Nguyên nhân
Bệnh cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus cúm tuýt A, chủng H5N1, H5N6 gây ra. Trước đây, loại virus này chỉ gây bệnh cho gia cầm, song hiện nay lại gây bệnh cho cả thủy cầm và độc lực của nó rất mạnh. Virus lây lan mạnh trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ lạnh. Virus cúm cư trú trên các loài thủy cầm di cư như: cò, ngỗng trời, vịt trời... nên khả năng lây lan bệnh rất rộng và khó kiểm soát. Bệnh lây sang người.
Triệu chứng
Gia cầm có thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày. Các triệu chứng về hô hấp thường biểu hiện ho khẹc, hắt hơi, thở khò khè, vảy mỏ, chảy nhiều nước mũi, nước mắt. Mi mắt bị viêm, mặt phù nề, sưng mọng, đầu sưng, mào tích dày lên do thủy thũng, tím tái, có nhiều điểm xuất huyết, da chân có xuất huyết. Thần kinh, mệt mỏi, nằm ủ rũ, tiêu chảy mạnh, phân loãng trắng hoặc vàng, xanh.
Bệnh tích
Xung huyết, xuất huyết, tiết nhiều dịch rỉ viêm và hoại tử các cơ quan và cơ; mào, tích sưng to tím sẫm, phù mí mắt; phù keo nhày và xuất huyết dưới da đầu; xuất huyết điểm ở miệng; khí quản phù, chứa nhiều dịch nhầy. Tăng sinh túi khí, viêm màng bao tim, màng gan, màng ruột; lách, gan, thận, sưng to, hoại tử; xuất huyết mỡ vành tim; ruột viêm cata và xuất huyết; gà mái đẻ viêm ống dẫn trứng, vỡ trứng non. Da chân xuất huyết; chảy máu lỗ chân lông, máu không đông hoặc khó đông; nếu gà chết quá cấp tính, các bệnh tích thường không điển hình.
Chẩn đoán bệnh
* Chẩn đoán lâm sàng: thường khó phân biệt giữa dịch cúm gia cầm với các bệnh khác, đặc biệt là bệnh Newcastle. Triệu chứng điển hình của cúm gia cầm là xuất huyết da chân, tuy nhiên không phải mọi trường hợp cúm đều xuất hiện hiện tượng này.
* Chẩn đoán phi lâm sàng: sử dụng phương pháp ii-PCR xác định sự có mặt của virus trong bệnh phẩm, có thể chẩn đoán phân biệt chính xác và nhanh chóng. Bệnh phẩm: Dịch nhày ổ nhớp, họng, khí quản. Dùng tăm bông ngoáy vào mũi, họng, lỗ huyệt rồi cho vào ống nghiệm tiệt trùng có sẵn 1 - 2 ml dung dịch bảo quản cùng kháng sinh liều cao loại tạp khuẩn; Nội tạng: Gan, lách, phổi; Phân, chất chứa đường ruột.
Phòng bệnh
Vệ sinh tiêu độc thức ăn, dụng cụ chăn nuôi, xe vận chuyển và người chăn nuôi. Sử dụng các biện pháp ngăn chim hoang dã không đến gần với trang trại nuôi gia cầm. Trong trang trại không nuôi ghép gà với vịt, ngan, ngỗng để hạn chế các loài trung gian truyền bệnh.
Khi có dịch cúm gia cầm báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y địa phương để xử lý kịp thời. Trường hợp dương tính với bệnh cúm gia cầm chủng độc lực cao phải tiêu hủy gia cầm ốm chết đúng kỹ thuật, phun thuốc tiêu độc khử trùng, mang dụng cụ bảo hộ.
Hiện đang sử dụng 3 loại vaccine cúm gia cầm:
- Vaccine vô hoạt đồng chủng: chế từ chủng virus giống chủng ở địa phương.
- Vaccine vô hoạt dị chủng: chỉ có kháng nguyên H giống chủng địa phương.
- Vaccine tái tổ hợp: chế từ virus đậu gà gắn kháng nguyên H của virus cúm gia cầm.
PGS.TS Phạm Ngọc Thạch
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
ảnh : sưu tầm