02/09/2023
BÁC ƠI
Ngày 02/09/1945, trên quảng trường Ba Đình lịch sử, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
24 năm sau, cũng vào ngày ấy, 02/09/1969, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở Phủ Chủ tịch, lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu đã vĩnh biệt chúng ta, bước vào "cuộc trường chinh nhẹ cánh bay", để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới niềm đau thương, mất mát vô hạn.
Cùng một ngày, là khai sinh và ngày biệt ly của cả một dân tộc.
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa
(Bác ơi - Tố Hữu)
Để ngày Bác mất không trùng với ngày vui lớn của dân tộc, Bộ Chính trị quyết định công bố Chủ tịch Hồ Chí Minh mất vào ngày 03/09/1969.
Ngày đó, tức 03/09, khi loa phát thanh công bố lãnh tụ Hồ Chí Minh qua đời, ngày Bác mất cả non sông đều khóc. Khóc muộn thời điểm, nhưng chưa bao giờ khóc sai niềm tin.
Phải mấy năm sau, Bộ Chính trị mới quyết định thông báo sự thật về ngày mất của lãnh tụ. Và cũng phải tới hơn 20 năm sau Di chúc của Người mới chính thức được công bố cho tất cả quốc dân đồng bào.
Lúc đó, ngoảnh nhìn về quá khứ, nghĩ sâu về tương lai, trông trước, trông sau, trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu, và dự kiến những thăng trầm có thể xảy ra trong từng bước đi của lịch sử, người ta càng thêm khâm phục tầm vóc của một vĩ nhân.
Nhưng, bè lũ phản động lại vin vào di chúc của Bác, để ẳng lên những tiếng sủa phản động.
Ví như bản di chúc Bác viết năm 1968 có nói: "Tôi yêu cầu thi hài được đốt đi, tức là hỏa táng ... Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp."
Và chúng, bè lũ phản động nói, dân Việt Nam không tôn trọng quyết định của Người!
Nhưng, Bác ơi ... ! Bác hi sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Bác dành tất cả tâm huyết vì mong ước "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai ai cũng được học hành" rồi. Toàn dân thương Bác lắm lắm, Bác ơi!
Thế là theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị đã quyết định giữ gìn thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, xin phép được làm khác với lời Bác dặn. Trên tinh thần ấy, suốt bao năm đã qua thi thể Người vẫn được Đảng và Nhà nước ta gìn giữ và tu bổ. Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trang nghiêm đối diện với quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập và cũng là nơi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta làm lể truy điệu, vĩnh biệt Người.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
(Viếng lăng Bác - Viễn Phương)
Và thế là, từ bấy đến nay đã có một Bộ tư lệnh ngày đêm canh giữ bảo vệ Lăng theo nghi thức cao nhất của quốc gia, nơi mà sự kính yêu của cả dân tộc hướng về.
Bác ơi, Việt Nam mãi mãi nhớ ơn Người!