27/08/2013
[CÁCH SƠ CỨU CHO CHÓ MÈO KHI BỊ TRÚNG ĐỘC]
(Hơi dài, nhưng bạn chịu khó in ra dán đầu tủ lạnh sẽ không phải hối tiếc những lúc cần kíp)
Đêm qua (8-6-2013)con mèo nhà mình ăn phải bả, nhưng nhờ sử dụng những cách này mà đã cứu sống được nó. Cảm thấy vô cùng tự hào khi không còn phải bất lực nhìn thú nuôi bị chết vì trúng độc như hồi xưa nữa nên mình muốn chia sẻ kinh nghiệm quý báu này cho những bạn có pet ở nhà, để mọi người có thể cấp cứu cho chó, mèo của mình kịp thời trong trường hợp bất đắc dĩ không thể mang nó tới bệnh viện thú y ngay lập tức được.
_ Triệu chứng: Như mèo nhà mình sau khi ăn bả về, toàn bộ cơ thể bị cứng đơ, bị co giật và miệng bị sủi bọt mép, đồng tử giãn ra.
_ Đầu tiên thực sự các bạn phải lấy lại bình tĩnh tuyệt đối không được hoảng loạn, vì nếu hoảng loạn thì tay chân lóng ngóng chẳng thể làm gì được cả. Nếu có thể thì hãy gọi thêm 1 người thân đến để giúp mình 1 tay.
+ Trước tiên cần nấu nước đậu xanh, cái này tại mình biết trước là nước đậu xanh có công dụng giải độc rồi nên đã thủ sẵn 1 bịch ở nhà. Hốt 1 núm đậu vừa lòng bàn tay thôi bỏ vào trong nồi nấu chung với 1 ít nước (nhớ là ít nước thôi nhé, đủ ngập mặt đậu là được rồi), trong thời gian chờ nước sôi tiếp tục sơ cứu cho nó.
+ Nấu nước gừng, cắt nhỏ gừng ra, gọt vỏ rửa sạch rồi cũng cho tiếp 1 ít nước vào để nấu chung lấy nước.
+ Dùng H2O2 nước ô-xy già 3%, liều lượng : 1 thìa cà-phê cho 2-5 kg thể trọng, cho uống 15- 20 phút/ 1 lần, uống 3 lần cho tới khi chó nôn ra được chất chứa dạ dày ( thực ra cách này tối hôm qua ở nhà không có bình oxy già nào trong nhà hết nên chưa kiểm định được độ tin cậy của nó, nhưng lúc đó lên mạng search thì đọc được bài báo bác sỹ khuyên nên dùng oxy già vì cách này vừa nhanh mà hiệu quả nữa, cho nên mọi người có thể dùng thử)
+ Tiếp theo lấy 1 cái lòng trắng trứng pha ít dầu ăn ép cho nó ăn, trong trường hợp cơ hàm nó cứng đơ rồi thì có thể sử dụng 1 ống tiêm cạy miệng nó ra để bơm trực tiếp vào. (cũng may nhà mình má bị bệnh tiểu đường cần tiêm insulin nên lúc nào trong tủ lạnh cũng có sẵn 1 túi kim tiêm :)), cái này ra hiệu thuốc mua thì họ bán đầy, nếu bạn đang nuôi chó thì nên mua kim tiêm loại lớn, còn trường hợp mình là mèo nên dùng loại nhỏ là OK rồi)
+ Tiếp theo để hỗ trợ trong việc kích thích dạ dày co bóp để nôn bả ra cần ít nhất 2 trái chanh, cắt chanh và vắt trực tiếp vào miệng nó ( Lưu ý là giai đoạn này cần cẩn thận 1 tí vì pet đang trong tình trạng vô thức, nếu vắt chanh trực tiếp vào thì theo phản xạ tự nhiên nó sẽ ngậm miệng lại và có thể cắn trúng tay bạn). Nếu như thấy khó khăn quá thì có thể vắt nước cốt chanh ra rồi dùng kim tiêm để đưa vào miệng cũng được. Nhưng cá nhân mình thấy cách vắt trực tiếp có vẻ hiệu quả hơn. Bởi vì khi vắt như vậy các tép chanh sẽ bị vỡ ra và bắn đều khoang miệng của pet kích thích cho nó nôn mửa hơn.
+ Trong quá trình cho ăn những thứ trên, cần thiết phải xoa bóp toàn thân cho chó, mèo. Đặc biệt là ấn nhiều vào vùng bụng dưới để những kích thích bên ngoài này giúp cho nó dễ bị nôn hơn
+ Sau những bước trên pet nhà bạn sẽ nôn ra một ít hoặc nhiều những vũng nước, lúc này bạn có thể tạm yên tâm vì nó đã nôn ra được chất độc. Tuy nhiên đó chưa phải là xong vì vẫn còn 1 phần ít chất bả vẫn còn nằm trong dạ dày.
+ Bước tiếp theo sau các biện pháp kích thích gây nôn là cho nó uống nước đậu xanh và nước gừng (mới nấu lúc nãy nấu đã để nguội) thay phiên nhau. Việc uống nước đậu xanh và nước gừng giúp giải độc rất tốt những chất độc còn lại trong dạ dày (Có thể lấy bã đậu xanh và gừng lúc nãy nấu đem giã nhuyễn ra rồi cho chó, mèo ăn kèm) Bác sỹ bảo là nếu cho uống thì 80% pet nhà bạn có cơ hội sống sót đấy.
_ Trên đây là tất cả những bước sơ cứu cần thiết khi chó mèo bị trúng độc, trường hợp của mình con mèo nó bị đúng giữa đêm nên không thể nào mang đến bác sỹ thú y được nên mình đã sử dụng những cách này. Nó thực sự có hiệu quả vì chỉ 1 lúc sau, mèo nhà mình đã trở lại trạng thái bình thường, không còn bị co giật và sủi bọt mép nữa. Lúc này nên cột nó lại cố định 1 chỗ để dễ theo dõi tình trạng sức khỏe, xem triệu chứng đã bị hết hoàn toàn chưa và nên lấy mền sưởi ấm cho nó tránh tình trạng bị hạ thân nhiệt.
_ Có 1 điều cần lưu ý là nếu nhà bạn nuôi 2 pet trở lên thì nên xích tất cả những con còn lại tránh xa con đang bị trúng độc vì chó mèo khi thấy đồng loại của mình bị thương thì thường hay có hành động liếm láp, hoặc nó có thể sẽ ăn trúng chất bả đã nôn ra. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm vì nó sẽ làm cho những con khác bị trúng đôc theo. Nên an toàn nhất là xích nó ở chỗ càng xa càng tốt.
_ Mặc dù là sau khi sơ cứu đã khỏi nhưng không có nghĩa là bạn được quyền chủ quan, khi trời sáng có điều kiện thuận lợi thì nên mang chó, mèo đến trạm bác sỹ thú y để người ta súc ruột cho nó sạch. Lúc này thì chó mèo của bạn đã hoàn toàn an toàn, và không có bị di chứng phụ gì kèm theo nữa.
P/S: Chúc mọi người sẽ thực hiện thành công nhé để không phải bất lực nhìn thú cưng ra đi khi bị ăn phải bả. Sáng nay nhìn con mèo nhà mình sức khỏe hồi phục đi lại bình thường cảm thấy vô cùng hạnh phúc và cái ước muốn trở thành bác sỹ thú y của mình lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nguồn: Cứu Trợ Động Vật Đà Nẵng.