12/10/2021
CHIA SẺ CHÚT ÍT KINH NGHIỆM VỀ CHƠI CÁ CẢNH VÀ CHĂM SÓC CÁ CẢNH.
Có 2 cách chơi cá :
1. Chơi kiểu quý tộc – tức là mọi sự đều phải hoàn thiện, từ góc độ kỹ thuật, chất lượng cũng như thẩm mỹ. Đây là lối chơi tốn kém rất nhiều tiền bạc và lối chơi này, xin nhường để các chuyên gia trong lĩnh vực này họ chia sẻ.
2. Chơi cá kiểu bình dân – tức là với nguồn kinh phí hạn hẹp, chơi vì sự đăm mê cá nhân, túi tiền có tới chừng nào cho mục đích này, chúng ta sẽ chơi tới chừng đó. Trong tút này, tôi chia sẻ các kinh nghiệm của mình sau 4 năm chơi cá BÌNH DÂN của mình cho những người cần, ai có quan điểm khác, xin cứ chia sẻ tiếp bằng những tút của riêng mình cho cả cộng đồng hoặc next tự nhiên ngay từ ở câu chữ này.
A. Nước – Môi trường sinh sống cho cá cảnh.
Thường xuyên được nhắc tới trong cộng đồng rằng muốn chơi cá, trước tiên cần phải “chơi nước”. Vậy “chơi” như thế nào mới là đúng ? Phải chia sẻ nguồn kinh phí hạn hẹp ra làm sao cho hợp lý trong cái thú đăm mê này ?
Có 2 đòi hỏi cho nước – môi trường sống cho cá cảnh – đó là SẠCH và TRONG.
SẠCH, có nghĩa là môi trường nước không độc hại, tốt, bảo đảm đời sống của con cá được khỏe mạnh, phát triển được bình thường như nó phải diễn ra. Các chuyên gia viết về nó cũng đã nhiều rồi. Tôi cũng từng viết về những vấn đề này trong Cá Vàng Sài Gòn Hội từ trước đây 4 năm nên sẽ không dài dòng thêm về nó nữa. Nói nôm na – NƯỚC SẠCH là NƯỚC KHÔNG BỊ Ô NHIỄM BỞI CÁC CHẤT THẢI THỪA TỪ THỨC ĂN VÀ TỪ HỆ BÀI TIẾT (PHÂN) CÁ. Bằng trực quan, chúng ta nhận biết bằng mắt thường khi màu nước ngả dần sang vàng, bị vẩn đục và có mùi hôi tanh. Nó như vậy bởi do hệ vi sinh tự nhiên không xử lý hết các chất thải từ cá. Mùi tanh cá còn do chất nhờn tiết ra trên da cá. Chất nhờn này như 1 hình thức phản vệ của con cá để nó tự chống lại khả năng viêm nhiễm lên chính nó từ môi trường bẩn bên ngoài. Cá tiết chất nhờn càng nhiều, mùi tanh càng mạnh, và nó cũng chứng tỏ rằng, môi trường nước càng bẩn hơn khiến con cá phải tự mất sức để tự bảo vệ cho chính nó.
XỬ LÝ NÓ THẾ NÀO ?
Trước tiên, đó là chúng ta cần phải lọc và giữ lại thải phân cá và thức ăn dư thừa ở 1 phần riêng không cho nó quay lại với môi trường nước ở mức độ tối đa. Thứ 2, đó là xử lý các thải thừa đó bằng 2 cách – bằng hệ vi sinh tự nhiên và bằng giải thoát phần lớn các chất thải độc hại như NH3, NO2 và NO3 theo cách dẫn nó vào bầu không khí nhờ các cục sủi oxy.
Xử lý nó bằng hệ vi sinh tự nhiên là tốt nhất bởi nó sẽ giảm được những mùi hôi, khai khi hồ cá đặt ở khoảng không gian kín. Còn xử lý nó bằng việc xử dụng nhiều sục oxy hơn thì chúng ta trong khoảng không gian tù túng sẽ luôn ngửi thấy 1 mùi khai của các loại khí thải như thế này. Ở đây, nên hiểu rằng, sục khí oxy không chỉ cung cấp nhiều hơn khí oxy cho cá, cho những vi khuẩn có lợi mà chúng ta gọi là hệ vi sinh, chúng cần để sống khỏe và hấp thụ các loại thải độc dạng NH3, NO2-3 và làm sạch nước mà nó còn trực tiếp đưa dẫn các loại thải độc hại này theo b**g bóng không khí thoát ra khỏi nước từ trong hồ cá nữa. Tức là, nếu bố trí được nhiều cục sủi hơn, nước cũng sẽ sạch hơn rất nhiều. Tôi dùng cho mỗi hồ 1m2 của mình tới tận 4 cục sủi và từ 3 máy bơm oxy, trong đó có 2 vòi oxy từ 2 máy bơm tích điện khác nhau, nhằm bảo đảm chống những trường hợp bị hỏng cục sủi đột ngột hay bị cúp điện. Tôi xài hệ thống hồ 3 tầng nên đấu chéo các vòi của các máy bơm oxy 2 vòi theo cách thức đó. Hồ cá của tôi đặt cạnh cửa sổ, ở vị trí thoáng khí, không bao giờ bị ảnh hưởng của mùi khai từ các chất thải từ hồ cá nên tôi không dùng hệ thống vi sinh quá cầu kỳ. Vắn tắt, vì là hệ thống dàn hồ 3 tầng cao tận 1m9 nên chỉ có hồ 300 lít lớn nhất nằm trên cùng tôi dùng lọc tràn trên, còn 2 hồ tầng dưới tôi bắt buộc phải dùng hệ thống lọc thùng kết hợp bởi thùng lọc HW-3000 được sử dụng như thùng nuôi vi sinh, mỗi năm chỉ mở ra kiểm tra 1 lần và cho tới nay, đã 3 năm dài, tôi hoàn toàn không làm vệ sinh nó. Kết hợp với nó, tôi dùng thùng lọc nhỏ EW-604 được gia tăng thêm 3 lớp bông lọc rẻ tiền (ngày nay, nên dùng bông lọc 6D cho tiện lợi hơn khi làm vệ sinh) để làm thùng lắng. Thùng lắng này tôi làm vệ sinh nó 3-4 tuần 1 lần, tùy theo mắt nhìn sức nước chảy trở lại hồ mỗi khi thay nước xem nước có bị bế tắc hay không. Vệ sinh 1 thùng thường mất chừng 15’. VLL trong thùng HW-3000 chỉ là nham thạch đỏ và san hô vụn rẻ tiền. Quan trọng nhất là các lớp vll để trong 4 khay chỉ vừa phải nhằm bảo đảm dòng nước thẩm thấu qua nó từ dưới lên bơm đặt ở nắp thùng luôn đủ, không khiến cho máy bơm nằm sẵn trong thùng lọc này thiếu nước mà nó sẽ dẫn tới làm gãy vành nhựa mỏng manh đè lên doăng cao su quanh miệng nắp thùng và sẽ khiến nước từ thùng bị rò rỉ ra ngoài (nói thêm, tôi đã bị rò rỉ 1 thùng như vậy và đã xử lý nó bằng cách rắc cát mịn lên xung quanh doăng cao su sau đó nhỏ keo Con Ngựa 502 vào và dán chết doăng cao su đó quanh miệng thùng và kể từ đó, sẽ sử dụng thùng HW-3000 này cho tới khi nó bị hỏng hoàn toàn, không bao giờ mở được nó ra để kiểm tra nữa). Ưu điểm của hệ thống lọc thùng như thế này là nó giảm tải công sức, sạch sẽ, trông cũng gọn gàng, không bừa bộn. Nhược điểm là nó đắt đỏ. Thùng HW-3000 có giá 1tr850 + thùng EW-604 có giá 320k nữa.
TRONG, có nghĩa là nước không màu, hầu như không còn hạt bụi li ti và nó nhắm tới mục đích để chúng ta thành thơi ngắm cá mà thấy nó sạch sẽ, thanh khiết. Để xử lý được vấn đề này, thứ 1., máy bơm phải đủ công suất. Thứ 2., lớp bông lọc cuối cùng phải đủ độ mịn để chặn được cả những hạt bụi nhỏ li ti đó nhưng lại không gây ách tắc cho dòng nước chảy trở lại hồ. Để đạt được mục đích này, tôi bổ sung thêm 1 lớp bông lọc 3D siêu mịn cho thùng lắng EW-604. Thêm vào đó, bắt thêm 1 bơm hỗ trợ với công suất 2700 L/H cho hồ 190 lít nước, bất chấp trong thùng HW-3000 đã có sẵn máy bơm công suất 3000 L/H mà theo tôi, nó chỉ có công suất cùng lắm 2000 L/H mà thôi.
Hệ thống lọc thùng này tôi dùng cho 2 hồ 190 lít. Trong 1 hồ nuôi 24 cá dĩa + 6 ryukin + 30 buồm dạ quang. Trong hồ thứ 2, tôi nuôi 28 chép Koi với chép đuôi phụng + 28 cá vàng oranda với yuanbao. Hai hồ này, 2-3 tuần làm vệ sinh hồ 1 lần cũng chẳng sao. Nước tuy có ngả vàng nhiều hơn và đục hơn chút xíu, nhưng cá thì vẫn khỏe mạnh bình thường và đó là điều quan trọng nhất. Đã vài lần khi tôi đi phượt xa và lâu cả 3 tuần, khi trở về, cá vẫn khỏe mạnh bình thường. Tất nhiên là khi đó, ngày chỉ cho cá ăn 1 lần để giảm thiểu lượng thải độc hại.
Với hồ 300 lít đặt ở tầng trên cùng, tôi sử dụng hệ thống lọc tràn trên kép với 2 máy bơm công suất mỗi máy 2000 L/H và 2 dàn lọc mua đồ cũ có 200k tổng thể và với vll cũng chỉ nham thạch đỏ với san hô vụn. Dùng thêm 3 túi lắng thải chống tràn loại 35k/túi lồng vào nhau. Tổng kinh phí hệ thống lọc này kể cả bơm chưa tới 800k. Sử dụng đã 3 năm nay và cũng chẳng buồn thay vll lọc. Hồ này, tôi nuôi 160 cá vàng các size từ đầu đũa mới chỉ 3-4 tuần tuổi cho tới size nặng cả 0,4kg với 6-7 năm tuổi. Khi cần bảo đảm độ thúc lớn nhanh cho lũ cá nhí, tôi thường cho cá ăn cám tới 4 cữ hàng ngày vào 6h, 10h, 14h và 18h. Đối với cá vàng, tôi sử dụng loại cám Tomboy 2 hạt chìm, kết hợp cám Micro 80 nửa nổi nửa chìm với cám Stella 2 loại nổi. Bắt buộc chỉ dùng cám hạt mịn và cho cả tầng mặt, tầng trung lẫn tầng đáy nước để bảo đảm những con cá vàng size lớn không ăn được quá nhanh và nhiều quá mức cần thiết, trong khi đó, lũ cá vàng nhí to chỉ bằng đầu đũa cũng vẫn đủ khẩu phần ăn. Lũ cá vàng phải dàn trải đều khắp hồ và khắp mọi tầng nước. Tệ hại của việc thúc cá lớn với 4 cữ ăn 1 ngày và với cám mịn là 4 ngày lại phải vệ sinh túi lọc và thay nước 80% một lần. Lũ cá vàng ăn và ị nhiều vô cùng. Còn đối với cá dĩa nuôi chung ryukin, tôi lại chỉ dùng Tomboy 2 chìm và Stella 3 nổi. Cá dĩa chỉ phù hợp nuôi chung với ryukin bởi loại này hình dáng tròn trịa, cách bơi chậm rãi, ăn cũng đủng đỉnh giống như cá dĩa. Những loài ăn nhanh quá không phù hợp với cá dĩa bởi cá dĩa ăn uống rất nhởn nhơ, đớp từng hạt cám khi chúng không bị bỏ đói. Với Koi nuôi chung cá vàng lại chỉ dùng cám stella 2-3. Koi có đặc điểm ngoi lên hụp xuống đớp từng hạt cám nhưng chúng rất nhanh nhẹn, còn các loài cá vàng thì đa số lăn xả vào húp cám như húp cháo vậy. Koi ăn đủ no, chúng rất hiền lành. Khi chúng đói, chúng lại vô cùng hung tợn. 30 con Koi trong 1 đêm có thể “hóa kiếp” không còn chút vết tích cho cả đàn 100 con secan nhí.
Nói thêm, tôi mỗi lần thay nước đều thay tới 80% cả. Chỉ để lại 1 lớp nước cao 10-15cm để lũ cá vẫn còn bơi được trong đó thôi. Và tôi xài nước pha muối tỷ lệ gần 3/1000 trường kỳ, nhờ đó, chẳng bao giờ cá bị nấm bệnh hết cả. Trước đây 4 năm, nhiều mem trong hiệp hội đã khẳng định rằng cá vàng nuôi như vậy sẽ bị đẹt. Lẽ thường, cá biển bao giờ cũng ít mỡ hơn cá sông do nước biển mặn. Nhưng với cá vàng và cá dĩa mà tôi nuôi 4 năm qua, điều này đã không được khẳng định. Đơn giản là khi cá ăn khẩu phần nhiều hơn năng lượng mà nó tiêu thụ hàng ngày, nó sẽ béo phì nộn ra thôi. Ăn chỉ vừa đủ khẩu phần, cá phát triển bình thường, không thể béo phì nộn ra được. Muốn thúc cho cá dĩa hay cá vàng lớn nhanh nhất, chính là nhờ cho ăn trùng chỉ hay các loại thức ăn tươi sống khác như trứng hấp, tim bò & ...vv... Tôi vì không muốn mình trở thành nô lệ của lũ cá nên chỉ cho chúng ăn cám. Sạch và tiện hơn. Sở thích lớn nhất của tôi còn là đi du lịch bụi nữa. Mỗi năm 3-4 lần. Mỗi lần 7-20 ngày. Ở nhà cũng còn bao nhiêu việc thú vị khác nữa, bởi vậy, muốn ngắm cá nhiều hơn là phải phục vụ lũ cá, và do đó, lũ cá phải chịu cảnh ăn đồ khô mà thôi. Nhiều đồng ngư từ hiệp hội nuôi cá dĩa từng nói với tôi rằng, cho cá dĩa ăn cám tomboy 2 nó “phí”, làm hỏng con cá. Nhưng sau 3 năm chơi với dòng cá này, mấy anh bạn này đã không còn nói với tôi những điều vô nghĩa đó nữa khi thấy lũ cá dĩa của tôi vẫn lớn, khỏe, thân mình tròn trịa, dày cộp, kỳ vây vẫn căng tròn ... Với tôi, trải nghiệm như vậy coi như là thành công. Cá của nhà bình dân chuyên ăn mì gói thì cũng phải ăn cám chứ ăn đồ tươi làm sao được ?! Đương nhiên, phải khẳng định rằng, nuôi cá bằng thức ăn tươi sống nó giúp cho con cá tiêu hóa tốt hơn hẳn, lớn nhanh và béo mập hơn hẳn so với nuôi bằng các loại thức ăn khô. Nó cũng giống như sự khác biệt khi chúng ta ăn cơm với thịt bò hay ăn mì gói với trứng ốp vậy thôi. Cảm nhận của chúng ta về sự khác biệt này hẳn cũng giống như tác động của thức ăn tươi và cám khô lên lũ cá vậy.
B. MẬT ĐỘ NUÔI CÁ.
Với cá dĩa, “chuẩn” để 1 con cá dĩa phát triển tốt “sách dạy” rằng 20 lít/1 con cá. Tôi thích ngắm lũ cá sống đông đảo trong 1 quần thể nên nuôi cá dĩa với “chuẩn của mình” – chỉ 5-8 lít nước cho 1 con cá thôi. Và thực tế 3 năm nuôi cá dĩa đã chứng minh rằng, không hề có ảnh hưởng rõ rệt nào giữa “chuẩn” 20 lít và “chuẩn” 6-7 lít cả. Trong 1 môi trường nước tuần hoàn, được làm mới và làm sạch nhanh và liên tục, 6-7 lít hay 20 lít đều giống nhau cả. Cá dĩa, cá vàng, cá Koi, chúng đều ưa thích sống bầy đàn. Hồ có rộng, chúng vẫn thích bơi cùng nhau, chen ăn cùng nhau, sống bên cạnh nhau với mọi mẫu thuẫn giữa vài con cá trong 1 đàn đông đúc. Nhưng nhìn chung, càng nhiều cá chung sống, chúng lại càng giảm thiểu stress trong cuộc sống của chúng. Ai chơi hệ này, hằng ngày theo dõi đời sống chung đụng của lũ cá vài tiếng đồng hồ, sẽ nhận biết những điều này rất rõ ràng.
Vậy tại sao vẫn nên nuôi thưa cá hơn ???
Bởi vì khi cả 1 đàn cá đông lúc nhúc, chúng ta sẽ không thấy mỗi con cá hình thể và sắc màu đẹp của chúng nó quả thực đẹp tới mức đó. Chúng nó không có sân khấu riêng để tỏa sáng. Chúng sẽ phải chen chúc xô bồ trong những không gian chật hẹp như ở giữa phố chợ chứ chẳng có sân khấu nào hết cả. Bởi vậy, đã chơi cá đẹp, nhất là dòng siêu phẩm đắt giá, vậy mỗi con cá chắc chắn cần phải có cái sân khấu tối thiểu 20 lít nước chỉ cho riêng chúng. Còn nếu đã chơi cá chợ, vậy đa sắc màu, đa dạng kiểu và trong đám đông lúc nhúc nó sẽ đẹp và sinh động hơn nhiều.
Ở điểm này, ai thích sao, có quan điểm thế nào, cứ chơi như vậy đi. Chẳng có sự khác biệt nào ở đây hết cả. Đơn giản là chúng ta chơi cá vì sở thích của bản thân mình chứ không chơi để những kẻ khác khen-chê nhiều lời chi cho nhọc. Chỉ khi đó, chơi cá mới thực thụ là “tĩnh tâm” vậy. Chỉ còn chính ta với lũ cá. Những chuyện còn lại và những người xung quanh ... “muỗi” cả thôi, bận tâm làm cái gì ?!! Và bởi vì chúng ta rất khác nhau, mỗi người mỗi lập trường và mỗi cách chơi lại càng khác nhau vậy. Biết tôn trọng và có lòng tự tôn, vậy chăm lo sở thích của mình sao cho phù hợp. Còn lũ cá cứ vui, cứ khỏe, cứ sống cùng chúng ta như những lũ thú cưng của riêng chúng ta, như vậy thực sự mới là vẻ đẹp đúng nghĩa cho cả chúng ta và thú cưng vậy. Chuyện của “hàng xóm”, cứ mặc hàng xóm sống theo cách của họ đi thôi nhỉ ?!!
Tút đã quá dài và đã cần phải dừng.
Tuần mới tốt lành cho tất cả nhé !!!
nguồn copy nhé