04/03/2021
*** CHÓ CORGI ***
~ Nếu bạn là người yêu thú cưng thì hẳn giống chó Corgi không có gì xa lạ. Với ngoại hình cực đáng yêu, thân thiện và gần gũi với con người, chó Corgi được nhiều người chọn nuôi để trở thành một phần trong gia đình mình. Ngay cả trong thế giới hoàng tộc của Vương quốc Anh, hình ảnh Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị luôn có những chú Corgi đáng yêu bên cạnh. Loài chó Corgi này có gì mà “gây sốt” trong cộng đồng đến thế? Cùng Petroom tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
1. Nguồn gốc chó Corgi
~ Chó Corgi tên đầy đủ là Pembroke Welsh Corgi. Trong đó, theo tiếng Wales được dịch ra là "chú chó lùn" - tên gọi này đúng như hình dáng bên ngoài của Corgi và gắn liền với tên địa phương tìm thấy chúng tại Pembrokeshire, xứ Wales.
~ Giống chó Corgi vốn dĩ được sử dụng vào hoạt động chăn gia súc dù cho dáng vẻ của chúng nhỏ nhắn và có vẻ không-hợp-cho-lắm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bốn chân ngắn và thấp bé lại là lợi thế bởi Corgi sẽ khó lòng “dính” những cú đá hậu nguy hiểm của các loài gia súc lớn. Khi đi chăn, nếu có con gia súc nào đi lạc, Corgi sẽ nhanh chóng cắn vào chân để kéo chúng quay lại đàn.
Về sau, hoạt động chăn nuôi gia súc ở châu Âu không còn phổ biến như trước nên Corgi cũng ít được sử dụng để chăn súc. Tuy nhiên, bởi sự thông minh và ngoại hình đáng yêu mà nhiều gia đình đã nuôi Corgi như một người bạn trong nhà. Tại Việt Nam, chó Corgi chỉ được đưa về từ khoảng năm 2010 nhưng đã nhanh chóng gây lên một “cơn sốt” trong thế giới thú cưng khiến các bạn trẻ cực kì hứng thú.
~ Theo như nhiều tài liệu lưu trữ, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng giống chó Corgi đã có niên đại lên đến 3000 năm. Chú Corgi đầu tiên được ghi nhận tại xứ Wales và có khả năng cao là phát triển từ giống chó Vallhunds của Thụy Điển trong thời kì tiền Viking. Nếu chỉ nhìn ngoại hình, bạn cũng sẽ thấy Corgi có nét giống với các giống chó họ hàng gần của chúng như Alaska (Alaskan Malamute), Samoyed, Husky Sibir, Phốc Sóc (Pomeranian),… hay một số giống chó Bắc Âu khác.
2. Phân loại chó Corgi
Sau nhiều những tranh cãi và nghiên cứu về mức độ thuần chủng của Corgi cũng như các giống Corgi, hiện nay giống chó chân ngắn Corgi được chia thành hai loại là Cardigan Welsh Corgi và Pembroke Welsh Corgi (hay còn được gọi là chó Corgi Pembroke Wales). Những chú chó Corgi cổ thì được đặt tên là Cardigan Welsh Corgi. Còn những chú chó được lai giữa Corgi cổ và chó lùn Vallhund tại Pembrokeshire (xứ Wales) thì được gọi là Pembroke Welsh Corgi. Sự khác biệt giữa hai giống chó này là một câu hỏi được tranh cãi suốt nửa đầu thế kỉ XX khi mà phải đến năm 1950, các hiệp hội giống chó mới cùng công nhận Pembroke Corgi và Cardigan Corgi là hai giống chó riêng biệt.
2.1 Đặc điểm chung giống chó Welsh Corgi
Nhìn chung đối với giống chó Welsh Corgi, thì dù là Pembroke hay Cardigan đều có ngoại hình tương đối giống nhau: tai hình tam giác đều dựng đứng, tỉ lệ hài hòa với khuôn mặt cũng hình tam giác của chúng, mõm nhỏ nhưng dài và nhọn, có nét gần giống cáo. Corgi mắt to tròn, mũi đen, miệng và hàm tuy nhỏ nhưng lại rất khỏe bởi vốn dĩ là chó chăn gia súc.
Chó Corgi nổi tiếng đáng yêu với bốn chân ngắn và thân hình “tròn trùng trục”. Quan điểm cái đẹp ở Corgi là chân càng ngắn, thân càng dài thì chứng tỏ là đẹp. Thông thường nếu chó Corgi chân ngắn đến mức ngực sát đất thì giá cao hơn hẳn cho với các con khác. Đối với giống chó Pembroke Corgi thuần chủng, bạn sẽ có thể tìm thấy rất nhiều loại màu sắc khác nhau, từ màu phổ biến như màu cam – trắng và vàng – trắng, cho đến màu hiếm hơn như nâu – trắng hoặc nâu đỏ – đen – trắng, đen – trắng, và tam thể vàng (cam) – đen – trắng.
Lông chó Corgi có hai lớp, lớp ngoài rất dày, dài, hơi cứng mục đích để chống thấm nước khỏi mưa tuyết; còn lớp trong thì lông ngắn và mỏng hơn nhưng mềm, mượt và ấm, giúp giữ ấm cơ thể trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Anh. Lớp lông này thông thường sẽ rụng vào mùa xuân - hè và mọc lại vào cuối thu. Tuy nhiên sang môi trường nhiệt đới như Việt Nam, Corgi rụng lông quanh năm để giảm thân nhiệt. Chăm sóc Corgi trong thời tiết nóng ẩm buộc bạn phải có phương án giúp Corgi luôn trong trạng thái mát mẻ, ở dưới bóng râm, ở phòng điều hòa, tắm mát và tỉa lông phù hợp.
2.2 Sự khác biệt giữa Pembroke Welsh Corgi và Cardigan Welsh Corgi
Cardigan Corgi hay Pembroke Corgi có ngoại hình gần giống nhau. Tuy nhiên Pembroke Corgi mập hơn, mình to và chân ngắn hơn so với giống chó cổ. Một điểm khác giúp bạn dễ phân biệt hai giống này đó là dựa vào đuôi. Nếu Pembroke có đuôi cộc rất ngắn thì Cardigan có đuôi dài hơn hẳn. Theo tiêu chuẩn của hiệp hội chó Hoa Kỳ AKC, chó Pembroke Corgi chuẩn đẹp sẽ có đuôi ngắn hơn 5cm còn Cardigan Corgi thì là đuôi dài trên 15cm. Đa phần chó Corgi chân ngắn được nuôi tại Việt Nam chủ yếu là Pembroke nên bạn sẽ dễ dàng nhận thấy, còn giống Cardigan Corgi cũng có nhưng không phổ biến lắm.
3. Những điều cần biết về chó Corgi lai
~ Việc lai tạo giống chó không phải là điều quá xa lạ với những người quan tâm đến thế giới thú cưng. Bằng cách lai giống các giống chó phù hợp với nhau, người ta sẽ có các lứa con mang những đặc điểm tốt của cả hai giống đem lai tạo. Chó chân ngắn Corgi cũng không nằm ngoại lệ, chó Corgi có thể lai với rất nhiều giống chó khác như Husky, Alaska, Becgie Đức, Chihuahua và Golden Retriever. Đặc điểm chung ở chó Corgi lai là đôi chân siêu ngắn, mõm nhọn và bộ lông dài đặc trưng. Petroom sẽ gửi đến bạn thông tin chi tiết về các giống Corgi lai trong những bài viết sắp tới
~ Nếu như các giống chó Corgi lai trên đều là lai tạo có chủ đích thì chó Corgi lai Nhật được xem như “một sự cố hi hữu”. Đây là phiên bản lai không được ủng hộ lắm do hệ gen không ổn định trong nhân giống và chó Corgi lai Nhật cũng ít được tìm nuôi. Chó Corgi lai Nhật là một phiên bản lai có ngoại hình rất thú vị. Do Corgi và chó Nhật có vóc dáng tương tự nên thế hệ lai cũng không tạo ra nhiều sự khác biệt. Các thế hệ Corgi lai Nhật không cố định con sinh ra sẽ giống bố hay mẹ mà hoàn toàn là sàng lọc tự nhiên.
4. Cách nuôi Corgi hiệu quả
4.1 Quan tâm đến môi trường sống
~ Corgi vốn là loài chó ưa sống ở những băng giá nên khi đưa về Việt Nam, Corgi sẽ cần thời gian để có thể thích nghi với khí hậu nóng ẩm. Để chăm sóc Corgi thật khỏe mạnh, bạn nên để môi trường sống của Corgi lý tưởng ở tầm 20 đến 25 độ C, mát mẻ. Nếu trời nóng thì nên để chúng ở trong phòng điều hòa, chỉ cho ra ngoài khi nhiệt độ dễ chịu (vào buổi sáng sớm hoặc tối).
~ Nhìn chung, các loài chó đều ưa thích nơi rộng rãi để chạy nhảy và khám phá xung quanh. Đây đơn giản là tập tính loài nên bạn chú ý để Corgi có đủ không gian chơi đùa. Nếu nhà có sân rộng thì quá tốt, bằng không thì bạn hãy chăm đưa Corgi đi dạo công viên, dạo phố để giúp chúng giải phóng năng lượng, tập luyện và tinh thần vui vẻ.
4.2 Chú ý đến chế độ dinh dưỡng
Để Corgi khỏe mạnh thì ngoài yếu tố môi trường sống, chế độ thức ăn cho chó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng. Tương tự các loài vật khác, chó Corgi chỉ có thể phát triển toàn diện nếu được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, chất béo, chất xơ, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Cách chế biến thì rất đơn giản vì Corgi có thể ăn thức ăn xay hoặc thức ăn được xé nhỏ. Bạn có thể quan sát chú chó nhà mình và điều chỉnh thực phẩm theo khẩu vị của chúng.
Các thực phẩm chó Corgi nên ăn
Thực phẩm chứa protein và chất béo: thịt bò, thịt gà, thịt lợn, trứng vịt lộn,... (do Corgi rất dễ béo phì nên bạn không cần bổ sung quá nhiều chất béo cho chúng, hàm lượng có sẵn trong sản phẩm thịt đã đủ cho Corgi phát triển khỏe mạnh)
Thực phẩm chứa chất xơ: cà rốt, súp lơ,...
Thực phẩm chứa tinh bột: khoai tây, khoai lang, khoai mì, cơm, cháo,...
Thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất: các loại rau củ và tôm, ngao, ốc,... hoặc bổ sung vitamin ngoài
Nên bổ sung hoa quả vào chế độ ăn cho Corgi
Tùy thuộc vào độ tuổi và cân nặng của chó mà bạn nên phân bổ các loại thực phẩm này sao cho hợp lý.
Khẩu phần ăn cho chó Corgi theo độ tuổi
Giai đoạn 1-2 tháng tuổi: Lúc này Corgi còn nhỏ, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên bạn cần cho ăn thức ăn mềm như: cháo loãng, sữa, thức ăn khô ngâm mềm, khoai tây nghiền,… để dễ hấp thu. Mỗi ngày bạn cho ăn khoảng 4 - 5 cữ và bổ sung 200ml sữa ấm.
Giai đoạn 3-6 tháng tuổi: Giai đoạn này Corgi có thể làm quen để ăn thịt, tôm, cá, rau,... Bạn chú ý cắt nhỏ và nấu mềm để tránh hóc hoặc chó không nhai được. Lúc này nên điều chỉnh cữ ăn của Corgi xuống còn 3 - 4 cữ và 200 - 300ml sữa ấm.
Giai đoạn trên 6 tháng tuổi: Chó Corgi lúc này đang vào độ tuổi phát triển mạnh nhất nên cũng cần khẩu phần ăn nhiều hơn, đa dạng chất hơn. Một ngày duy trì đều từ 2 - 3 cữ, sữa có thể uống hoặc không. Bạn có thể bổ sung thêm trứng vịt lộn cho chó để giúp lông chúng mượt hơn.
Những lưu ý khi cho chó Corgi ăn
Cho ăn vừa đủ, hạn chế chất béo do Corgi dễ béo phì
Chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi, không cho ăn đồ tanh sống dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Không cho Corgi ăn các loại xương để hạn chế hóc dị vật
Chú ý vệ sinh bát ăn và bát nước sau mỗi bữa ăn, không cho Corgi ăn lại đồ thừa vì thức ăn cũ dễ sinh vi khuẩn
5. Các bệnh thường gặp ở chó Corgi
5.1 Bệnh béo phì
Chó Corgi rất dễ rơi vào trạng thái béo phì do bản thân thân hình của nó vốn đã không cân đối. Corgi hấp thụ các chất béo trong thịt bò, thịt lớn rất tốt, nên bạn không cần cung cấp thêm mỡ hay các loại dầu trong khẩu phần ăn hàng ngày của chúng. Chó béo phì có thể do dư thừa chất béo, cũng có thể do ăn quá nhiều, cũng có thể do lười vận động,... Bệnh này nếu phát hiện và có biện pháp điều chỉnh ngay thì cũng không phải quá lo lắng. Bạn chỉ cần kiểm soát lại chế độ ăn uống, bổ sung thêm chất xơ từ trái cây, rau, củ, quả và đưa chú chó của mình đi chạy bộ nhiều hơn là sẽ cải thiện được tình hình. Hàng ngày bạn nên dành từ 25 đến 30 phút tập luyện cùng chú chó của mình để giúp chú giải phóng năng lượng dư thừa, cũng như giúp Corgi vui vẻ và gần gũi với chủ hơn
5.2 Bệnh sốc nhiệt
Do là giống chó ở xứ hàn đới nên khi nuôi tại Việt Nam khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, chó Corgi rất hay gặp phải tình trạng sốc nhiệt. Tưởng như đơn giản nhưng bệnh sốc nhiệt khá nguy hiểm với những chú chó. Chúng có thể bị chóng mặt, nôn mửa, chảy máu cam,... thậm chí có thể bất tỉnh và mất nhận thức. Bởi vậy, nếu bạn đang hay có ý định nuôi Corgi thì hãy chú ý những điều này để giữ chú chó của mình luôn khỏe mạnh nhé.
Thời tiết nóng bức lại đi cùng với bộ lông dày rậm khiến giống chó Corgi phải tìm các cách khác để giải nhiệt. Vào những ngày nhiệt độ cao, bạn nên giữ Corgi ở trong phòng điều hòa hoặc những nơi thoáng mát, có bóng râm cây xanh để chúng được thoải mái nhất. Đồng thời cắt tỉa lông thường xuyên và tắm rửa đều đặn để giúp chúng bớt khó chịu.
5.3 Bệnh đường ruột
Bệnh đường ruột chỉ xảy ra khi hệ tiêu hóa của chó Corgi không đủ khỏe. Chó Corgi có thể không hấp thụ được thức ăn, có thể ăn phải thức ăn ôi thiu hoặc không đảm bảo chất lượng, có thể ăn phải đồ ăn cứng và khó nhai,... Những trường hợp kể trên đều có thể là nguyên nhân khiến Corgi mắc các bệnh đường ruột.
Cách để phòng tránh bệnh này cũng hết sức đơn giản, bạn chỉ cần đảm bảo các yếu tố về vệ sinh và tăng cường hệ miễn dịch đường ruột là ổn. Cụ thể:
Lên thực đơn phù hợp cho từng độ tuổi
Ăn chín, uống sôi, ăn thực phẩm đảm bảo vệ sinh và nguồn gốc xuất xứ, không ăn đồ ăn thừa qua ngày
Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ có trong rau, củ, quả,...
Vệ sinh bát ăn uống và khu vực ăn uống sau mỗi bữa ăn
Tẩy giun sán định kỳ theo chỉ định của bác sĩ thú y
Tránh trường hợp chó ăn uống bẩn ngoài đường thì bạn có thể sử dụng rọ mõm khi cho chó ra ngoài
5.4 Bệnh xương khớp
Đương nhiên với ngoại hình chân ngắn, Corgi phải gánh đỡ sức nặng của cơ thể tương đối lớn bên trên. Giống chó này cũng được đánh giá là tương đối nghịch ngợm, do vậy nếu chúng vận động mạnh không hợp lý sẽ dễ dẫn đến đau chân, xương khớp suy yếu. Chó Corgi trưởng thành khi đến độ tuổi 6 - 7 tuổi rất dễ gặp phải các bệnh xương khớp như thoái hóa xương khớp hay viêm cột sống.
Căn bệnh này bạn có thể chủ động phòng tránh bằng cách cho chó bổ sung thêm canxi trong các bữa ăn hàng ngày để chúng có bộ xương chắc khỏe. Đồng thời, trong các hoạt động thường ngày, bạn nên tập cho Corgi thói quen vui chơi vừa sức. Khi thấy chúng “tăng động” quá mức, hãy giữ chúng ngồi yên một lúc rồi mới cho chơi tiếp. Một ngày chỉ nên vận động khoảng 30 phút, không nên gây áp lực quá lớn lên khung xương hay vận động quá sức. Có như vậy thì Corgi sẽ có xương khớp khỏe mạnh.
5.5 Các bệnh về da
Giống như hầu hết các loài động vật có lông, chó Corgi cũng dễ gặp các vấn đề về da và lông. Do bộ lông của chúng quá dày, khó làm sạch, đây là môi trường lí tưởng cho ghẻ lở, bọ chét, và ve chó phát triển. Những căn bệnh này không chỉ gây khó chịu cho chó Corgi mà cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chủ nuôi.
Vậy cách phòng tránh các căn bệnh này dễ nhất là gì? Đương nhiên giữ vệ sinh sạch sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bạn nên thường xuyên tắm rửa, chải lông, cắt lông, vệ sinh nơi ở cho chúng thường xuyên nhé. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ như vòng tránh rận, các loại sữa tắm hoặc tiêm phòng vaccine để có hiệu quả tốt hơn.
5.6 Bệnh rụng lông
Như Petroom có chia sẻ ở trên, chó Corgi khi thích nghi với khí hậu Việt Nam sẽ rất dễ gặp phải tình trạng rụng lông, mục đích duy nhất chỉ là để làm mát cơ thể, do vậy chúng có thể rụng lông quanh năm. Tuy nhiên, có một số trường hợp mà bạn cần để ý đó là dị ứng đồ ăn, thiếu chất hoặc gặp các vấn đề về da (kí sinh trùng hoặc nấm) cũng khiến chó bị rụng lông. Bạn cần kiểm tra xác định được nguyên nhân của bệnh rụng lông để có cách điều trị đúng nhất.
Nếu Corgi rụng lông do yếu tố ngoại cảnh thì bạn cần vệ sinh tắm gội và cắt tỉa lông sạch sẽ cho chúng, vệ sinh lại nơi ở là được. Còn nếu Corgi rụng lông do chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, bạn có thể bổ sung trứng vịt lộn cho chúng ăn sẽ giúp lông mượt và bớt rụng đi đáng kể.
6. Tuổi thọ của chó Corgi
Chó Pembroke Corgi thì thường sống từ 12 đến 14 năm, còn Cardigan Corgi thì tuổi thọ lâu hơn, từ 12 đến 15 năm.