28/06/2022
Sản lượng từ nuôi trồng thủy sản toàn cầu tăng trưởng gần gấp đôi trong vòng 15 năm trở lại đây, vì vậy mà các giải pháp hướng đến sự bền vững trong ngành công nghiệp này cần được liên tục cập nhật và áp dụng rộng rãi.
Những loài cá có tập tính ăn thịt, ví dụ như cá hồi và cá ngừ phụ thuộc vào những khẩu phần ăn có chứa nhiều bột cá và dầu cá, đây là những nguồn nguyên liệu được sản xuất từ việc đánh bắt cá trong tự nhiên. Nghề đánh bắt cá chuyển sang khai thác các loài cá tự nhiên để sản xuất bột cá và dầu cá (FMFO) được xem như là một sự “thục lùi” trong nghề khai thác thủy hải sản.
Khoảng 20% tổng sản lượng cá được đánh bắt trên toàn cầu được chế biến thành FMFO cho nuôi trồng thủy sản. Những đàn cá ngoài tự nhiên này được khai thác không còn nhằm mục đích tiêu thụ trực tiếp cho con người. Thay vào đó, chúng được chiết xuất, chế biến và quay lại làm nguồn thức ăn cho cá nuôi ở các trang trại thủy sản.
Xu hướng này trong ngành công nghiệp đánh bắt đã và đang xóa sổ nhiều loài cá ở mắt xích thấp hơn trong chuỗi thức ăn ví dụ như các loài cá cơm, cá thu, cá mòi và các loài nhuyễn thể, đây là những loài sẵn có trong tự nhiên và đóng vai trò như nguồn thức ăn sơ cấp cho các loài cá ăn thịt trong chuỗi thức ăn. Việc gia tăng áp lực đánh bắt lên những loài cá trong tự nhiên để duy trì nguồn cung FMFO cho cá nuôi là một “ác mộng” cho các quẩn thể cá tự nhiên vì chúng sẽ bị cạn kiệt nhanh chóng.
Bằng cách giảm thiểu tối đa nguồn cá tự nhiên đánh bắt để sản xuất FMFO và xuất hiện nhiều chọn lựa bền vững hơn, thì tương lai của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản mới trở nên tươi sáng. Và đây chính là thời điểm thích hợp để ruồi lính đen xuất hiện.
Ruồi lính đen (Hermetia illucens) là loại côn trùng trông có vẻ không được thu hút, tuy nhiên chúng đang trở thành một trong những xu hướng chính trong ngành công nghiệp thủy sản. Ấu trùng của ruồi lính đen đang làm thay đổi và kiến tạo một xu hướng mới trong ngành công nghiệp thức ăn trong thủy sản - một xu hướng mang tính bền vững và dài hạn, bởi vì nó cung cấp một sự thay thế giá rẻ, chất lượng cao cho các loại thức ăn công nghiệp sử dụng bột cá và dầu cá.
Những người nuôi cá không phải là những người đầu tiên phát hiện ra những công dụng tuyệt vời của ruồi lính đen. Chúng đã được sử dụng trong phân trộn, quản lý chất thải và là nguồn cung cấp thức ăn bổ sung cho gia súc từ hàng thế kỷ qua. Những sinh vật bé nhỏ này có nguồn đạm cao, tăng trưởng nhanh, và có thể tiêu hóa được nhiều loại thức ăn, bao gồm cả chất thải của con người và những xác sinh vật chết.
Ruồi lính đen có hình dáng thon dài, màu đen tuyền, có kích thước nhỏ bằng sợi mì ống, và chúng có bộ râu cứng cáp. Với đôi cánh có thể cụp lại, ruồi lính đen trông giống như những con ong bắp cày, nhưng chúng không chít hoặc cắn và hoàn toàn vô hại mặc dù chúng có phát ra tiếng vo ve rất to.
Ruồi cái đẻ vài trăm trứng trong một lần sinh sản, và thời gian để trứng nở là khoảng 4 ngày. Những ấu trùng non mới nở bắt đầu luồn lách bò ra ngoài và bắt đầu hút các chất dinh dưỡng từ các chất hữu cơ, rác thải và phân. Chỉ trong vòng 14 ngày, những ấu trùng này sẽ rất háu ăn để tích lũy một lượng lớn chất béo trong cơ thể để chúng có thể duy trì cho giai đoạn trưởng thành. Ruồi lính đen thường được tìm thấy bên trong hoặc gần những chất thải phân hủy hoặc các chất thải hữu cơ, nơi mà những ấu trùng có thể kiếm được nguồn thức ăn và cũng là nơi các ruồi cái trưởng thành đẻ trứng.
ruồi lính đen
Ấu trùng ruồi lính đen khoảng 14 ngày tuổi. Ảnh: Hiển La
Các nhà khoa học trong lĩnh vực thủy sản đang tích cực nghiên cứu và đã cho ra những kết quả lạc quan. Cá hồi được nuôi thí nghiệm bằng nguồn thức ăn được chế biến từ ruồi lính đen phát triển ngang với tốc độ tăng trưởng của nhóm đối chứng (cá được nuôi bằng thức ăn chế biến từ bột cá), và cá được nuôi bằng ruồi lính đen không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực tế, con người có thể sử dụng ấu trùng ruồi lính đen trực tiếp để làm thực phẩm.
Ở Việt Nam, nghề nuôi ruồi lính đen để bán trứng và ấu trùng đang phát triển mạnh trong những năm gần đây. Theo chia sẻ từ ông Phạm Văn Bé - một hộ nuôi ruồi lính đen lâu năm ở Long An, mỗi ngày ông thu hoạch được 2 kg trứng ấu trùng bán với giá 20 triệu đồng (10 triệu/kg). Được biết trang trại ông Bé có diện tích 500 mét vuông với 32 mùng nuôi. Chi phí xây dựng trang trại khoảng 100 triệu đồng.
Ấu trùng ruồi lính đen được xem là một giải pháp mới trong việc giảm thiểu chi phí thức ăn, vì chúng có thể thay thế phần nào thức ăn công nghiệp trong nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, việc xây dựng trang trại sản xuất ấu trùng đơn giản và ít tốn kém, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản có thể tự sản xuất ấu trùng ruồi để thay thế một phần thức ăn công nghiệp, nhằm giảm chi phí thức ăn, tối ưu hóa lợi nhuận.
trang trại
Trang trại sản xuất trứng và ấu trùng ruồi lính đen của ông Phạm Văn Bé, tỉnh Long An. Ảnh: e.vnexpress.net
Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản trong việc phổ biến loại ấu trùng này trong thủy sản.
Theo nhóm nghiên cứu ở Đại học Nông Lâm và Đại học Huế (2021) rào cản thứ nhất là sự lo ngại về sự tích lũy kim loại nặng nếu ấu trùng ruồi lính đen sống trong điều kiện ô nhiễm quá lâu. Cụ thể, nếu các chất nền dùng để nuôi ấu trùng có chứa thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ, thì những chất này sẽ được tích lũy trong cơ thể ấu trùng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy ấu trùng ruồi lính đen không tích lũy độc tố nấm mốc aflatoxin, và thuốc trừ sâu có các hoạt chất như chlorpyrifos, azoxystrobin và propiconazole.
Thứ hai, hàm lượng chất béo cao trong ấu trùng ruồi lính đen làm cản trở quá trình xây dựng và cân bằng công thức thức ăn cho động vật thủy sản theo nhu cầu năng lượng. Ấu trùng tách mỡ là một trong những giải pháp được sử dụng để giải quyết vấn đề này, sau khi tách mỡ hàm lượng chất béo giảm từ 18% xuống 4.6%, và hàm lượng đạm tăng từ 55.3% lên 65.5%. Tuy nhiên khi phải thêm qua một bước tách mỡ, chi phí sản xuất ấu trùng ruồi lính đen sẽ tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận người nuôi.
Thứ ba, khi công nghệ sản xuất, và qui trình chưa được tối ưu, chi phí và năng xuất cũng trở thành vấn đề nan giải với các hộ nuôi ruồi lính đen. Tuy nhiên, vấn đề này đang được cải thiện bởi nhiều quốc gia đang hướng đến lợi ích kép từ ấu trùng ruồi lính đen. Cụ thể, chất thải gia súc, gia cầm từ ngành công nghiệp chăn nuôi sẽ được tận dụng làm chất nền để nuôi ấu trùng ruồi lính đen, vừa có thể tối ưu hóa lợi nhuận, vừa giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Năm 2018, một nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của ấu trùng ruồi lính đen thay thế bột cá ở Kenya cho thấy, chi phí cho khẩu phần ăn chứa bột cá là 1.2$/kg trong khi khẩu phần ăn có thay thế ấu trùng ruồi lính đen là 0.85$/kg