07/12/2022
QUY TRÌNH THỰC HIỆN CHĂN NUÔI TỐT CHO CHĂN NUÔI LỢN AN TOÀN TRONG NÔNG HỘ
Quy trình thực hành chăn nuôi tốt trong nông hộ (VietGAHP nông hộ) là những nguyên tắc, trình tự hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm, sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Nội dung quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn an toàn trong nông hộ (ban hành theo Quyết định số 2509/QĐ-BNN-CN ngày 22/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT) như sau:
1. Vị trí, hệ thống hạ tầng chuồng trại và thiết bị dụng cụ chăn nuôi.
- Vị trí xây dựng chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi lợn phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ và phải tách biệt với nơi ở và nguồn nước sinh hoạt của người.
- Chuồng nuôi phải có tường bao kín hoặc hàng rào kín ngăn cách với khu vực xung quanh tránh người hay động vật khác ra vào tự do, có cổng ra vào riêng, có hố khử trùng hoặc bố trí phương tiện khử trùng ở cổng ra, vào.
- Chuồng nuôi phải đảm bảo: Nền chuồng không trơn trượt, không đọng nước, dễ làm vệ sinh. Hệ thống tường, mái, rèm che chuồng phải đảm bảo không bị dột, thấm, không bị mưa hắt, tránh được gió lùa và dễ làm vệ sinh. Nên có hố khử trùng tại cửa mỗi dãy chuồng nuôi.
- Nơi nuôi cách ly, tân đáo nên tách biệt với chuồng nuôi chính. Nên có nơi để hoặc kho để dự trữ, bảo quản thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
- Khu vực xử lý chất thải, nước thải cần tách biệt với chuồng nuôi chính. Công suất của hệ thống xử lý chất thải, nước thải phải đáp ứng nhu cầu xử lý đối với quy mô đàn lợn được nuôi.
- Có dụng cụ, thiết bị dùng riêng cho khu chăn nuôi. Các dụng cụ thiết bị này chỉ được sử dụng tại khu vực chăn nuôi và không dùng chung cho các mục đích khác ngoài khu chăn nuôi.
- Thiết bị chiếu sáng, đèn chụp sưởi và các dụng cụ, thiết bị điện khác nên được bảo vệ chống vỡ, chống cháy nổ… nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và vật nuôi.
2. Giống và quản lý giống.
- Lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng.
- Con giống phải khỏe mạnh và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phù hợp với lứa tuổi lợn theo quy định của thú y.
- Lợn giống mới nhập về cần được nuôi cách ly riêng và ghi chép đầy đủ các biểu hiện bệnh lý của con giống trong quá trình nuôi cách ly.
- Không nuôi lẫn các lứa lợn khác nhau trong cùng ô chuồng; không nuôi chung lợn với các loài vật khác.
3. Thức ăn và quản lý thức ăn.
- Thức ăn phải có xuất xứ (địa chỉ nơi bán, đơn vị sản xuất…) rõ ràng, còn hạn sử dụng. Thức ăn đậm đặc phải có hướng dẫn phối trộn cho từng loại lợn; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phải có dấu hợp quy. Nguyên liệu dùng để phối trộn thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, không bị ôi thiu, nấm mốc, mối mọt.
- Khi phối trộn thức ăn đậm đặc cho lợn cần tuân thủ theo công thức đã được khuyến cáo; thức ăn tự phối trộn phải có và tuân thủ công thức. Thức ăn tận dụng phải được nấu chín trước khi cho ăn. Phải ghi chép đầy đủ thông tin về loại thức ăn, nguyên liệu thức ăn đã mua và sử dụng.
- Trong trường hợp trộn thuốc vào thức ăn, phải kiểm tra đúng chủng loại thuốc, sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phải ghi chép đầy đủ theo quy định.
- Không sử dụng thức ăn có hoặc cho vào thức ăn chăn nuôi các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
- Thức ăn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần có nơi đẻ bảo quản riêng biệt, khô ráo. Nên có các giá kê thức ăn và nguyên liệu, tránh đặt trực tiếp bao thức ăn xuống nền nhà. Nên có các biện pháp ngăn ngừa, diệt chuột và các loại côn trùng gây hại.
4. Nước uống và hệ thống cấp, thoát nước.
- Nước uống phải đáp ứng đủ theo nhu cầu của từng loại lợn; nguồn nước phải đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh (như: nước dùng sinh hoạt; nước máy; nước đã qua xử lý đạt yêu cầu…).
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống cấp nước (bao gồm bể chứa, bồn chứa, đường ống dẫn, máng uống…) đảm bảo hệ thống không bị ô nhiễm, không bị rò rỉ.
- Không để nước thải, nước rửa chuồng chảy tràn từ ô chuồng này sang ô chuồng khác, từ chuồng này sang chuồng khác và không được thải trực tiếp nước thải ra môi trường. Nên có hệ thống thu gom xử lý nước thải, nước rửa chuồng riêng.
5. Công tác thú y và vệ sinh thú y.
- Vệ sinh chuồng trại: Hàng ngày quét dọn, thu gom chất thải rắn và chất thải lỏng. Định kỳ phát quang bụi rậm xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh.
- Khử trùng chuồng trại: Thực hiện vệ sinh, khử trùng chuồng trại, các dụng cụ, thiết bị chăn nuôi trước khi đưa lợn vào nuôi theo đúng quy định. Vệ sinh, khử trùng chuồng trại, các dụng cụ, thiết bị chăn nuôi ngay sau khi chuyển đàn/xuất bán và để trống chuồng ít nhất 7 ngày. Định kỳ phun thuốc khử trùng toàn bộ diện tích xung quanh khu vực chuồng nuôi.
- Kiểm soát khu vực chăn nuôi: Các phương tiện dụng cụ, giày dép, ủng đều phải thực hiện khử trùng trước khi ra/vào khu chăn nuôi. Định kỳ khử trùng các thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong khu chăn nuôi. Hạn chế khách thăm quan và những người không phận sự ra vào khu chăn nuôi. Nếu cần thiết thăm thì khách phải thay quần áo, giày dép, đồ bảo hộ phù hợp và thực hiện các biện pháp khử trùng trước khi ra vào khu vực chăn nuôi.
- Bảo hộ lao động: Phải có quần áo, bảo hộ lao động sử dụng riêng trong khu vực chăn nuôi. Người chăn nuôi phải thay quần áo, bảo hộ lao động khi ra vào khu vực chăn nuôi, đồng thời định kỳ khử trùng quần áo, bảo hộ lao động.
- Tiêm phòng: Phải tiêm phòng vắc xin đầy đủ đối với các bệnh bắt buộc theo quy định của ngành thú y và phải ghi chép lại.
- Sử dụng thuốc thú y: Tất cả các loại thuốc thú y, thuốc kháng sinh khi mua và sử dụng phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc chỉ dẫn của các bác sỹ thú y. Nên có nơi bảo quản thuốc riêng biệt.
- Chất cấm: Không sử dụng các hóa chất, chất tạo nạc, chất kháng sinh… nằm trong danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
- Quản lý dịch bệnh: Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc chính quyền địa phương và tiến hành xử lý lợn bệnh theo sự chỉ đạo của chuyên môn thú y, đồng thời phải có ghi chép theo quy định.
6. Xuất bán lợn.
- Chỉ xuất bán lợn khỏe mạnh, không bị bệnh; xuất bán lợn sau khi hết thời gian ngưng thuốc khuyến cáo trên nhãn thuốc của nhà sản xuất.
- Phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin về nguồn gốc giống, tiêm phòng, tình hình điều trị bệnh… của tất cả các loại lợn khi xuất bán cho người mua.
- Các phương tiện vận chuyển lợn cần đảm bảo mật độ thích hợp để hạn chế tối đa rủi ro, stress cho lợn và có biện pháp tránh rơi vãi chất thải trên đường trong quá trình vận chuyển.
- Các hộ áp dụng VietGAHP cho chăn nuôi lợn an toàn cần thực hiện đeo thẻ tai nhận dạng hoặc xăm số cho lợn nái, lợn thịt để phục vụ truy xuất nguồn gốc từ cơ sở giết mổ khi xẩy ra dịch bệnh hoặc rủi ro về an toàn thực phẩm.
- Các hộ thực hiện quy trình VietGAHP nên tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm theo hướng dẫn an toàn thực phẩm
7. Quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.
- Hàng ngày cần thu gom chất thải rắn (phân, chất độn chuồng nếu có) đưa đến nơi tập trung để xử lý. Nếu phân và chất độn chuồn được xử lý bằng phương pháp ủ thì nên sử dụng thêm các chế phẩm sinh học để tăng hiệu quả xử lý và định kỳ phun thuốc khử trùng xung quanh hố ủ.
- Các chất thải rắn khác như: kim tiêm, túi nhựa, đồ nhựa,… phải được thu gom và xử lý riêng.
- Chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ chuồng nuôi tới hệ thống xử lý nước thải (biogas, bể lắng…) bằng đường thoát riêng. Nước thải sau khi xử lý phải đảm bảo an toàn trước khi xả ra môi trường.
- Xác lợn chết do bệnh hoặc không rõ nguyên nhân cần được thu gom và xử lý theo đúng quy định của thú y. Tuyệt đối không bán lợn chết ra thị trường, và không được vứt xác lợn chết ra môi trường xung quanh.
8. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ.
- Phải có sổ ghi chép và ghi chép đầy đủ tất cả các hoạt động trong quá trình chăn nuôi (từ khâu nhập con giống, mua và sử dụng thức ăn, tình trạng sức khỏe, tiêm phòng, điều trị bệnh… và việc xuất bán sản phẩm cho từng lứa riêng biệt) theo quy định.
- Hệ thống sổ sách ghi chép của chủ hộ phải rõ ràng và cần được lưu giữ ít nhất 01 năm kể từ ngày đàn lợn được xuất bán hay chuyển đi nơi khác.