23/05/2022
MỘT SỐ LÝ DO KHIẾN GÀ GIẢM ĐẺ HAY DỪNG ĐẺ
Gà cần một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng để duy trì cơ thể và sản xuất trứng mỗi ngày. Mỗi quả trứng có chứa một lượng protein và năng lượng nhất định để hình thành, ngoài ra gà còn cần năng lượng để duy trì các hoạt động bình thường khác vậy nên cần cung cấp một lượng dinh dưỡng đầy đủ cho gà để tăng khả năng sản xuất. Cung cấp quá ít năng lượng và sự mất cân đối các acid amin cũng là một nguyên nhân dẫn tới giảm sản lượng trứng.
Vỏ của trứng gà chứa khoảng 2g canxi. Bộ xương của gà chứa khoảng 20g canxi, như vậy mỗi quả trứng chiếm khoảng 10% canxi trong cơ thể gà. Bộ xương của gà mái có dự trữ một lượng canxi nhất định để cung cấp cho nhu cầu sản xuất trứng, tuy nhiên lượng dự trữ này không lớn và nhanh chóng được sử dụng hết nếu trong thức ăn không bổ sung liên tục canxi. Nếu gà không được cung cấp đầy đủ canxi trong thức ăn hay gà không thể tổng hợp canxi trong thức ăn thì chúng sẽ dừng đẻ trứng. Do vậy cần cung cấp canxi cho gà bằng cách bổ xung thêm đá vôi, đất, vỏ sò, vỏ ốc… (chú ý kích thước các chất bổ sung sao cho phù hợp) nếu thức ăn chưa cung cấp đủ.
Lượng muối cung cấp vào thức ăn chăn nuôi không phù hợp cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc tụt giảm sản lượng trứng. Ở một số vùng trong nước uống cho gà có chứa nhiều Natri hòa tan cũng làm cho gà giảm đẻ trứng. Để kiểm tra chất lượng nước có ảnh hưởng tới gà hay không ta có thể gửi mẫu tới các phòng nghiên cứu để họ phân tích và kiểm tra, để kết quả xét nghiệm chính xác nhất bạn nên liên hệ trước với các phòng nghiên cứu để được hướng dẫn cụ thể về cách lấy mẫu.
Ấp trứng
Ấp trứng là tập tính tự nhiên của gà tuy nhiên trong trường hợp này ta cần loại bỏ những con có hiện tượng này. Bởi những con gà mái chuyển sang trạng thái ấp thì chúng không đẻ. Vấn đề này thường gặp phải vào mùa xuân và thường là gà được nuôi dưới ánh sáng tự nhiên, chúng bị kích thích bởi ánh sáng tự nhiên vì chuyển từ chiếu sáng ngắn sang chiếu sáng dài hơn. Với một số giống gà khi đã đẻ một số trứng nhất định chúng sẽ làm tổ và ấp, đây cũng là một yếu tố cần được các nông trại quan tâm. Cách xử lý cho vấn đề này là nhặt trứng hàng ngày để loại bỏ tập tính làm tổ ở gà, ngoài ra nó còn giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng của trứng, tránh làm nhiễm khuẩn trứng. Nếu có thể nên di chuyển gà định kỳ sang các chuồng khác để phá vỡ các tập tính làm tổ và ấp.
Thay lông
Sau một thời gian gà mái sản xuất trứng (khoảng 5 tháng từ khi bắt đầu đẻ) chúng có xu hướng thay lông mới. Khi điều này xảy ra, chúng ngừng đẻ dẫn tới sản lượng trứng trong đàn giảm. Quá trình này gà không chỉ thay lông mới mà đường sinh sản cũng được làm mới do vậy sau thời gian này chúng sản xuất trứng tốt hơn cả về chất lượng và số lượng. Khi theo dõi quá trình này chúng tôi thấy gà thường thay lông vào mùa thu khi thời gian chiếu sáng trong ngày giảm xuống. Tuy nhiên nếu gà được nuôi công nghiệp và thời gian chiếu sáng là như nhau ở các mùa thì chúng có thể thay lông vào bất kì thời điểm nào trong năm. Điều này xảy ra khiến gà không đẻ trứng khoảng 2 -3 tuần. Để xử lý vấn đề này cần loại những con thay lông ra khỏi đàn hay kiểm tra tổng đàn để xem xét thay thế đàn mới sao cho mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuổi
Một con gà mái có thể sống nhiều năm. Đối với chăn nuôi nông hộ thường không chú ý tới tuổi của gà tuy nhiên cũng giống như các loài chim khác, gà mái quá già không thể tiếp tục đẻ trứng.
Bệnh
Có rất nhiều bệnh ảnh hưởng tới sản lượng trứng của gà. Khi gà có các triệu chứng về bất kỳ một bệnh nào cần tham khảo ý kiến của bác sỹ thú y để có những phương án điều trị thích hợp với mỗi bệnh. Trong những trường hợp gặp những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây sang người như cúm H5N1 việc chẩn đoán nhanh và chính xác là yếu tố quan trọng để làm giảm thiệt hại kinh tế do dịch cúm gây ra và không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.