14/03/2024
[SÓC - EM BÉ ĐÁNH GIÀY]
*
Một thằng bé con mồ côi, nó gần như mất tất cả, từ gia đình, toàn bộ bạn bè đến cuộc sống thường ngày của nó, sắp tới có thể sẽ là quê hương nơi nó sinh ra và Tổ quốc thân yêu của nó, vào tay giặc Pháp. Liệu, nó có hận lũ thực dân không? Nếu là mình thì mình hận, rất hận. Mình là người sống trong thời bình, khói chẳng đến mặt, bom chẳng đến đầu, mình được bao bọc bởi Tổ quốc, gia đình và sự hòa bình ông cha đã tạo nên. Nhưng, từ lúc biết đến những gì thực dân Pháp đã làm với Đất nước của mình, ông cha của mình (tuy thời nay chẳng ai thù hằn làm gì nữa), mình đã không thể nào nguôi nỗi xót xa, đặc biệt là mỗi khi đọc đến những khó khăn mà nhân dân ta đã phải trải qua khi Đất nước rơi vào tay giặc...
Huống chi là thằng bé ấy, một bé con mới chỉ 7-8 tuổi. Ấy thế mà, nó vẫn đi đánh giày cho bọn Pháp để kiếm sống. Nó phải đối diện, luồn cúi, tiếp xúc với lũ người đã cướp đi cha mẹ, bạn bè của nó, lũ người đang lăm le quê hương của nó hằng ngày - để làm kế sinh nhai. Nó có sợ không?
Khi về lại chốn cũ đã hoang tàn, nó bình thản. Nó bình thản thương nhớ chú chim trong lồng, bình thản nhặt nhạnh những mảnh ngói vụn ngày xưa nó hay chơi, bình thản nhớ lại những kỷ niệm xưa kia khi nó còn hạnh phúc. Bên cạnh bát phở, nó tưởng tượng ra cái cảnh nó được anh lính trao cho chiếc mũ Vệ quốc quân, cũng trên cái nền nhạc vui tươi giống như khi được ăn phở, dường như từ khoảnh khắc ấy, nó đã lớn lên và trở thành một người lính, một chiến sĩ Vệ út Thủ đô như nó hằng mong, một “chiến sĩ nhỏ” giao liên như nó vẫn hay làm… Nó đã khắc ghi chiếc mũ tận sâu vào tâm khảm. Mạnh mẽ và dũng cảm, đứa bé con ấy mạnh mẽ hơn bất cứ ai. Có lẽ, nỗi hận thù của nó đã biến thành sự quyết tâm trở thành một người lính, để nó bảo vệ Đất nước, đồng bào và những người thân yêu của mình. Nó ngưỡng mộ các anh Vệ quốc quân, nó khao khát có cái mũ của các anh như là một sự bảo đảm rằng nhất định sau này nó sẽ trở thành một người như thế. Nó coi chiếc mũ ấy là tương lai của nó. Nó coi huy hiệu cờ đỏ sao vàng - như mình đã nói ở trên, là biểu tượng của toàn thể nhân dân Việt Nam - như là hiện thân của gia đình, bạn bè, đồng bào, và cả những anh lính nó luôn ngưỡng mộ, sẽ ở bên và bảo vệ cho nó khi đối mặt với bọn ngoại xâm. Có lẽ là vì thế nên nó mới nhất quyết giành lại cái mũ quý báu của mình cho dù có phải liều mạng. Nhưng thứ nó trân quý không chỉ là cái mũ mà còn là cả dòng máu nó đang mang trong mình nữa, khi bị gọi là “mọi”, dù nó đang sợ lắm, dù nó đang phải gồng tấm thân bé bỏng của mình lên để chạy khỏi đám thực dân đang lăm le nó như hổ đói, nó vẫn dõng dạc mà hô lên rằng: “Tôi không phải mọi. Tôi là người Hà Nội!”. Gan dạ là thế, nhưng cái sức lực nhỏ bé của nó làm sao thắng được họng súng của những kẻ vô tình…
*
Bé con ấy, liệu còn sống hay đã ch/ế/t? Phim hết, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng đối với mình, bé con vẫn còn sống. Ở đoạn cuối, nó được ông Phán tìm thấy, một nhà tư sản tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến cuộc sống người dân đói khổ gian truân, đã xót thương cho nó, ông cầm tay nó lên kiểm tra nhịp thở, hy vọng rằng nó vẫn còn sống. Ả Đào, những người phụ nữ chịu biết bao định kiến xấu xa trong xã hội xưa, thế mà đã hy sinh cái mà người ta coi là ngàn vàng để cứu lấy bé con và những người bên cạnh ả. Đặc biệt là khi ngồi trên thuyền, ông Phán ôm lấy nó, đắp cho nó cái áo (hoặc cái chăn), ông đắp lên đến cổ nó, như một đứa trẻ con đang yên lành ngủ trong lòng cha mẹ. Bé con đang ngủ, mình tin là thế, vì ông Phán - có lẽ là người thân thiết với nó nhất trong bộ phim, người biết rõ niềm ước ao trở thành một chàng lính Vệ quốc quân của nó, đã không trùm áo lên mặt và cho nó một nghi thức truy điệu như một người tử sĩ. Tuy điều này không hợp về lý, nhưng về tình, mình tin là ông Phán sẽ làm điều ấy cho nó nếu mà nó ra đi, như sự an ủi cuối cùng cho linh hồn trẻ thơ vô tội và cuộc đời bất hạnh của nó, cũng bởi vì trong thâm tâm, từ lâu nó đã là một người lính Vệ Út dũng cảm chẳng kém gì các anh của mình.
Hơn nữa, nó là đứa trẻ con duy nhất còn lại trong phim. Trẻ em, người ta vẫn bảo chúng là tương lai của Đất nước, là người kế tục giang sơn, kế tục sự nghiệp lớn lao của cả một dân tộc. Thằng bé con ấy là tia sáng le lói dưới bầu trời Hà Nội tăm tối những ngày tháng hai. Mất đi đứa bé ấy, như là Đất nước mất đi tương lai, mất đi hy vọng về một ngày mai hòa bình. Vậy nên, mình tin vào sự sống của thằng bé, cũng như tin vào một Đất nước Việt Nam sẽ tươi đẹp hơn từng ngày. Đó là một cái kết mở dành cho em.
*
Sự xuất hiện của bé con mồ côi ấy đã tô đậm thêm tình đồng bảo của người dân Việt. Nó làm lộ ra lòng thương, sự xót xa của ông họa sĩ, ông bà hàng phở, ông Phán, ả đào, anh lính… và tất cả mọi người xung quanh nó. Ông Phán bảo vệ nó trước bè lũ thực dân, ươm mầm cho ước mơ của nó. Ông bà hàng phở làm cho nó món ăn ngon, chờ lâu quá, nó nằm trên giường nhà ông bà mà ngủ. Gần gũi và thân thương, ở khung cảnh ấy, nó như đứa con bé bỏng của gia đình họ, đang chờ một bữa ăn quây quần đoàn tụ nóng hổi bên gia đình. Một gia đình ba người đầm ấm, có lẽ, đó là niềm ước ao thầm kín của nó, cũng là niềm ước ao của cặp cha mẹ không con.
“Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
*
“Phở”, một bát phở nóng sốt, một bát phở “thơmmm~”, “ngonnn~”, đượm vị Hà Nội đã không biết bao nhiêu lần xuất hiện trong tâm trí của nó với cái giọng trẻ thơ tươi vui ngân nga câu hát. Khi đứng trước những món ăn xa hoa của tư bản, trong tâm trí nó vẫn hiện lên hình ảnh bát phở ấy. Một đứa bé mồ côi trong thời chiến tranh loạn lạc thì có bao nhiêu bữa được ăn no? Từ đầu tới cuối, phở Hà Nội vẫn là món ăn duy nhất mà nó nghĩ tới. Có lẽ, bát phở là hình ảnh tượng trưng cho khát vọng về một cuộc sống ấm êm, no đủ của nó. Cũng có lẽ, bát phở là biểu tượng của một chốn Hà Nội thanh bình, nhộn nhịp, phồn hoa mà nó và người dân nơi đây hằng ước ao nhung nhớ? Nhưng cuối cùng, nó vẫn lao đi trong nhịp sống hối hả để kiếm lấy cái ăn trong khi chưa kịp thưởng thức bát phở nó ngày đêm mong ước… Chi tiết ấy đã khiến khán giả xót xa biết bao, tiếc nuối biết bao cho một đứa trẻ con chưa kịp lớn, cho miếng ngon chưa kịp ăn, cho một ước mơ chưa kịp hoàn thành…