10/04/2023
Chênh vênh.
Có lần, cũng vào trời mưa như này, mình với ông bạn đã hăng say nói về mục đích sống. Điều đó khiến mình mỗi lần hồi tưởng lại thấy ngây thơ không tả được. Nhưng đó là Nhật của hồi cấp 2 với mơ ước làm được gì đó cho đời.
Giờ đây, 25 tuổi, mình chỉ mong trúng được vé Vietlot rồi ngày ngày rong chơi nằm dài trên cát biển hay dựng lều trên đỉnh núi.
Thú thực, những thứ xa vời kia giờ không còn quá làm mình bận trí nữa.
Phải! Đúng là có những lần mong muốn được làm đẹp cho đời bỗng nhen nhóm, khi mình nhìn thấy sự bất công mà vài người mình mắt thấy tai nghe đang phải gánh chịu. Những sự đó chẳng có chi quan trọng, vì khi ngày mai đến thì đầu óc mình sẽ lại đặc một sự rỗng tếch. Và thực sự thì ngay cả chính mình cũng đang chịu sự bất công cay nghiệt khiến mình đôi lúc chỉ muốn được ngủ, được yên lặng ngồi một mình. Không muốn khẳng định bất kỳ điều gì, chẳng muốn giải thích, và cũng chẳng muốn chứng minh bất kỳ điều gì cả.
Hôm nay cũng là ngày mưa nữa.
Mình bỗng cảm thấy hài lòng. Không còn tiếng còi xe ồn ào mà thay vào đấy là những âm thanh hợp vọng của tiếng mưa.
Mình trầm tư, ngồi nghĩ lại những thứ mình đã làm, những lời nhận xét, những gì mình đã cố gắng vì người khác,... rồi tự tranh luận, tự giải thích, để cho mình mình hiểu.
Rồi dần dần thì cũng tới những câu hỏi cuối như, thế nào là đúng đắn? Ý nghĩa là gì? Mục đích là gì? Và mình có thể làm được gì?
Được một lúc thì mình bắt đầu nản, chẳng đi tới đâu cả nếu người ta cam kết thật chặt và cố gắng đi tới tận cuối con đường; Vì hình như nó vô tận.
Logic thì quá dễ dàng để follow, nhưng sẽ là con đường không dứt hoặc tự hồi quy.
Ví dụ về con đường không dứt (thường liên quan tới quan hệ nhân quả), đấy là những lần mình tự hỏi tại sao mình đã hành động như vậy? Nếu cam kết thật chặt thì sẽ hiểu rằng hành động là do vô thức và ý thức tạo thành, rồi ý thức và vô thức cuối cùng thực chất chỉ là ảo ảnh (do chẳng hề có cái gọi là free will) nên những gì mình đã làm rốt cuộc chỉ là một dòng chảy mà để truy ngược lại được nguyên nhân của nó là một điều bất khả.
Ví dụ về việc tự hồi quy (thường liên quan tới việc dự đoán): đấy là việc trả lời cho câu hỏi thế là là "tốt", "xấu".Nếu cam kết đi thật chặt và truy tận gốc dễ xem đâu là base của "tốt" hoặc "xấu" thì người ta sẽ dần thấy cái base đó vừa củng cố cái tốt lại vừa củng cố cái xấu (như là việc giúp người khác là tốt hay xấu chẳng hạn? thịt chó là tốt hay xấu? Hay là lấy vợ sớm là tốt hay xấu? mãi vẫn chẳng hiểu nổi base nằm ở đâu). Rồi cuối cùng thì người ta (nếu thật open-minded) thì sẽ hiểu thực chất tốt hay xấu chỉ giống như một label mà người ta gán, tốt xấu gì thì cũng đều là một phần của game, mà thiếu nó thì không chơi game được.
Nó ngầm hàm ý rằng cuộc đời này chẳng có đúng sai, phải trái. Cả 2 mặt đều quan trọng, cả hai mặt đều đáng củng cố. Và vì thế nên phải chăng mình nên chọn mình là một người tốt? hay một kẻ đê tiện? hay mặc kệ mấy khái niệm này? hay tự làm một diễn viên?
Và buồn cười là.
Ý nghĩa chỉ có thể phát hiện được dựa vào sự so sánh. Ví dụ nếu mỗi ngày đều ăn rất nhiều món xịn, thì việc cảm nhận được giá trị (ý nghĩa) của những bữa ăn đó chẳng thể nào bằng được việc bị nhịn đói 5 ngày rồi được vứt cho ăn cái bánh bao bị người ta dẫm nát. Và vì thế, sẽ khó để có thể cảm được sự yên bình của cái tĩnh lặng, nếu người đó chưa từng trải qua khúc bộn bề, đau đớn, dằn vặt,...
Vậy thì câu hỏi là. Liệu có thấy ý nghĩa không khi mình đã phát hiện ra việc "phát hiện ý nghĩa"?
Và tiếp đó thì cuộc đời của riêng mình sẽ phải làm gì?
Liệu mình có thực sự cần phải bước trên con đường đấy?
Đúng thật là hoang mang, mình cần thời gian.
Rồi khi nhìn lại bản thân, với những bất công, trăn trở, lo lắng. Mình lại tự an ủi mình bằng cách tự độc thoại lại con đường mà mình đã tư duy, để hiểu nào là ý nghĩa phát sinh từ sự so sanh, nào là mình đang chịu nhiều bất công, nào là vì vậy mình sẽ hiểu được cuộc đời này hơn người khác, nào là vì thế mình sẽ thấy được cuộc đời này ý nghĩa hơn,... Mình thấy con đường đó thật tích cực và phù hợp, vì tích cực đối với mình là tốt. Nhưng đôi lúc mình chạnh lòng, ghen tị và phẫn uất trước cuộc đời vô nghĩa này.
Và khi một người, do thiếu may mắn, phải chịu những nghịch cảnh, thì điều gì sẽ bù đắp cho nỗi tuyệt vọng và phẫn uất mà anh ta đã "ngẫu nhiên" phải chịu?
Chẳng còn gì bù đắp, vì cuộc đời sẽ chấm hết.
Chẳng còn lại gì.
Phải! Chẳng còn lại gì cả.
Vậy đúng là logic chẳng đưa tới đâu cả, mà quá logic lại làm lộ rõ những góc tối của cuộc đời.
Chỉ còn những tán cây này, được vun trồng trên đất rồi mặn mà chạy dọc khắp hành lang tôi đang ngắm nhìn.
Trời mưa, gió rồi âm thanh hợp vọng.
Thi thoảng có vài thằng khốn nạn chạy máy tháo bô đi ngang qua.
Tôi bực tức, nhưng rồi cũng cảm thấy hài lòng vì mưa vẫn rơi và gió vẫn thổi.
Đúng thật là phải cắt bỏ hết những cái hy vọng trong cuộc sống, để sống; thì mới có tâm thế sẵn sàng trước nghịch cảnh.
Phải hiểu thật sâu sắc cái hữu hạn của mọi thứ, cái hữu hạn của đời người, và cái chết thì mới thấu được cái rỗng tuếch của cuộc đời, của dòng chảy. Rồi từ đó mới hiểu được nỗi niềm của không chỉ mình và của rất nhiều kẻ khác cũng đang chênh vênh chưa tìm được bến đỗ an tâm của mình. Và rồi từ đó, người ta hiểu ngược lại được tâm thế bản thân, hiểu được thiên nhiên, hiểu được mối liên hệ, hiểu được cách ứng xử, và đạo của riêng cuộc đời mình.
Chẳng còn lại gì, nhưng còn lại tất cả.
Câu đấy chắc chẳng mấy ai hiểu được, hoặc phải chăng mình tỉnh như mơ?