06/09/2022
Bối cảnh xã hội:
Sự xuất hiện của những phát kiến địa lý lớn:
Từ cuối thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XVI, nhờ sự phát triển của ngành hàng hải, những nhà thám hiểm ở châu u đạt được những bước đột phá trong việc tìm hiểu thế giới (trong đó có thể kể đến việc Christophe Colomb tìm ra châu Mĩ hay hành trình vòng quanh thế giới của Fernard de Magenllan)
Những khám phá ấy không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt địa lý mà còn đem lại một loạt những sự thay đổi vượt bậc trên hầu hết các lĩnh vực từ khoa học, công nghệ cho đến kinh tế chính trị không chỉ cho những dân tộc ở châu âu mà hầu hết các dân tộc khác trên thế giới. Đồng thời, đấy cũng sẽ là bước khởi đầu cho quá trình thuộc địa hóa của các cường quốc Tây phương đối với các vùng đất khác - một quá trình mà ảnh hưởng của nó với các thế kỉ sau và với thế giới hiện tại vẫn đang còn rõ rệt .
Những bước tiến lớn về khoa học và tư tưởng:
Về khoa học:
Nhận thấy những vùng đất mới là một mỏ vàng vô giá, các nước phương tây khi ấy đã không ngần ngại nắm bắt cơ hội, thúc đẩy việc khai thác những tài nguyên tại những nơi này. Đồng thời những phát hiện về địa lý cũng đã mở rộng thế giới quan của con người thời kì đó và các quan sát thực tiễn đã bắt đầu thách thức những quan niệm cố hữu trước đây. Điều này tạo ra động lực trong việc phát triển các ngành khoa học thực tiễn như kĩ thuật, thiên văn học, hàng hải, vật lí,... và cả các ngành khoa học lý thuyết như toán học, logic học,..., mở ra Thời đại của Lý trí - thời điểm hoàng kim của chủ nghĩa duy lý. Trong số đó một số thành tựu lớn có thể kể đến như kính thiên văn của Hans Lippershey, nhiệt kế khí của Galileo Galilei, máy tính của Blaise Pascal, và quan trọng nhất là sự phát minh ra động cơ hơi nước đầu tiên của Thomas Newcomen - bước đầu tiên trong rất nhiều bước tiến dẫn đến cuộc cách mạng công nghiêp đầu tiên của lịch sử nhân loại.
Về văn hóa - tư tưởng:
Bên cạnh các thành tựu về khoa học và công nghệ, giai đoạn này còn chứng kiến những bước nhảy vọt về văn hóa, trong đó nổi bật nhất phải kể đến phong trào Phục hưng diễn ra từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII. Phong trào này lấy trọng tâm là tư tưởng nhân văn, thần học cải cách, khám phá khoa học, đi sâu hơn vào tinh thần đại chúng và đối kháng với văn hóa cao cấp vốn thuộc về một số ít tri thức tinh hoa. Với sự xuất hiện và đột phá của các nhà nghệ thuật như Leonardo da Vinci, Michelangelo, William Shakepeare,... một loạt các tác phẩm nghệ thuật lớn trong các lĩnh vực như điêu khắc, hội họa, văn học, âm nhạc đã được ra đời. Kết hợp với sự ra đời của chiếc máy in Gutenberg vào năm 1440 và báo chí năm 1605, về tổng quan, trình độ văn hóa của người dân châu âu thời kì đã có bước tiến rõ rệt so với thời kì trước. Điều này phần nào đã khai phá một sức mạnh tinh thần mới trong mỗi con người, khiến cho sự toàn trị về mặt tư tưởng của giáo hội Công giáo và tầng lớp quý tộc cũ (vốn đang đang nảy sinh nhiều vấn đề và chịu không ít bất bình) dần trở nên lung lay khi sự chống đối dành cho sự áp đặt của họ ngày càng lớn (đặc biệt từ tầng lớp tư bản đang lên).
Sự kiện nổi bật nhất có thể kể đến cuộc cải cách Tin lành, bắt đầu vào năm 1517 với 95 luận đề của linh mục và học giả Martin Luther và kết thúc bởi cuộc chiến tranh 30 năm và hòa ước Westphalia năm 1648, nhằm bài bác sự suy đồi giáo hội Công giáo La Mã và phản đối những nghi thức rườm rà và đậm tính giáo điều . Kết quả là sự ly giáo thứ hai trong lịch sử giáo hội Công giáo và sự chấm dứt quyền lực tối cao của giáo hội Công giáo Roma đối với hầu hết vùng đất tây âu bấy giờ.
3. Kinh tế - xã hội:
Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại xuyên biển đã thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp và khai thác nhiên liệu, tạo tiền đề cho sự ra đời của một nền kinh tế mới - kinh tế tư bản chủ nghĩa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hình thành một tầng lớp mới - tầng lớp tư sản - những người gắn với việc đầu tư và tạo lợi nhuận từ các hoạt động công thương nghiệp. Với mục đích chính là mở rộng thị trường, tối đa hóa lợi nhuận, họ nảy sinh những mâu thuẫn với sự kiểm soát ngặt nghèo về công thương nghiệp và hàng loạt thứ thuế đặt ra nhằm phục vụ lợi ích một nhóm nhỏ trong xã hội của giai cấp cầm quyền đương thời. Nó báo hiệu sự suy tàn của chế độ phong kiến, mà trước hết thể hiện qua các cuộc cách tân và đấu tranh về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo cho đến khoa học, kĩ thuật (trong đó có sự đứng sau ủng hộ của tầng lớp tư bản), cùng với sự tiến lên của một chế độ mới: Chế độ tư bản chủ nghĩa. Các cuộc cách mạng lớn trong giai đoạn này gồm có cách mạng tư bản Hà Lan, cách mạng tư bản Anh - là 2 cuộc cách mạng có ý nghĩa rất lớn trong quá trình giành quyền lực của tầng lớp tư sản trong tương lai.
II. Tình hình quan hệ quốc tế:
Một số đặc điểm chung:
Việc phát hiện ra Thế Giới Mới đã khiến quan hệ giữa các vương quốc và các nước vượt ra khỏi khuôn khổ nhỏ hẹp giữa một số nước trong một khu vực mà liên quan đến nhiều quốc gia ở các châu lục. Các vấn đề mang tính thế giới dần bắt đầu xuất hiện và các mối quan hệ phức tạp hơn giữa các dân tộc bắt đầu được hình thành (như một hệ quả tất yếu của sự va chạm văn hóa). Với lợi thế về công nghệ và khoa học, các quốc gia châu âu, mở đầu với Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha và sau đó là Anh, Pháp, Hà Lan…, đã bắt đầu quá trình thiết lập hệ thống thuộc địa, khai thác và cướp bóc ở những vùng đất mới. Quá trình này làm gia tăng các thuộc địa và lãnh thổ hải ngoại của châu âu, chỉ dừng lại vào thế kỉ XIX khi hầu hết tất cả các vùng đất đều đã bị các cường quốc xâm chiếm.
Với ham muốn trở nên giàu có từ các vùng đất mới và các hoạt động thương mại đang phát triển, cùng sự mâu thuẫn giữa các tầng lớp, tôn giáo thời bấy giờ, các quốc gia châu u cũng có rất nhiều căng thẳng. Trong đó đỉnh điểm chính là cuộc chiến tranh 30 năm (1618 -1648) và sự kí kết hòa ước Westphalia - một sự kiện có tính bước ngoặc trong ngành quan hệ quốc tế, khi các nguyên tắc cơ bản và cả những nghi thức về ngoại giao được thiết lập, đặt nền móng cho các Hội nghị đa quốc gia sau này.
Các khối liên minh giữa các quốc gia có tính lỏng lẻo, dễ thay đổi và dễ trở nên đổi lập nhau. Trong đó, mỗi đại diện đều tập chung lấy lợi ích quốc gia hoặc tham vọng của những cá nhân tên tuổi làm kim chỉ nam cho những chính sách của mình. Vì thế không có gì lạ khi một quốc gia bị bỏ rơi bởi chính đồng minh “đương nhiên”, hay một số quốc gia có thể là đồng minh trong những cuộc chiến trước đây nhưng quyết định quay sang đối đầu nhau trong một cuộc chiến khác,.... Thực trạng này, thực tế, vẫn tồn tại cho đến sau Thế chiến II và sự thành lập Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh các vùng đất đã bị chiếm đóng và thực dân hóa bởi các cường quốc châu u, một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản,... vẫn tiếp tục giữ được chủ quyền của mình, duy trì các chính sách hạn chế sự tiếp cận và giao lưu đối với các nước phương Tây. Tuy nhiên sự suy tàn và lạc hậu của chế độ phong kiến cũng đã khiến các quốc gia này trở nên chậm chạp so với các quốc gia bên bờ Đại Tây Dương, vốn đang trong thời kì phát triển mạnh mẽ, và sự xâm lăng trong giai đoạn sau đó dường như là một hệ quả khó tránh khỏi.
Một số sự kiện nổi bật:
Cách mạng Hà Lan (hay chiến tranh 80 năm): Tháng 8 năm 1566, cuộc cách mạng tư sản đầu tiên bùng nổ tại Hà Lan mở đầu cho quá trình giành quyền lực từ tay nhà nước quân chủ tập quyền của tầng lớp tư bản. Về lịch sử, Hà Lan, trong suốt giai đoạn lịch sử trung đại, vốn là một vùng đất chịu sự kiểm soát và thống trị của Vương quốc Tây Ban Nha hùng mạnh. Tuy nhiên, đây lại là nơi có nền kinh tế tư bản mạnh mẽ với các thành phố thương mại lớn như Amsterdam, Anverpen. Điều này buộc Hà Lan, vốn đang trên con đường phát triển, phải mau chóng gạt bỏ sự thống trị của thế lực phong kiến ngoại bang cũng như nhà thờ Công giáo Roma, đồng thời xác lập một vị thế rõ ràng cho tầng lớp tư sản đang lên trong xã hội của họ. Dưới danh nghĩa của một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cuộc cách mạng Hà Lan đã giành thắng lợi vào năm 1581 với sự ra đời của nhà nước tư bản chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - với tên gọi Các Tỉnh liên hiệp miền Bắc - được lãnh đạo bởi Quốc trưởng William Orange Nassau (mặc dù đến năm 1609 Tây Ban Nha mới công nhận nền độc lập ở Hà Lan, và năm 1648 là sự công nhận chính thức ở châu âu).Không nằm ngoài mong đợi ban đầu, cuộc cách mạng đã giúp Hà Lan nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại, tín dụng và vận chuyển hàng đầu thế giới. Ngoài ra, nó cũng tạo động lực và đòn bẩy cho cách cuộc cách mạng tư sản tiếp theo diễn ra Anh, Pháp và Hoa Kì,... và cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên của nhân loại (1750-1850).
29/7/1588: “Hạm đội Bất khả chiến bại” của Tây Ban Nha thất thủ trước hải quân Anh, đánh dấu việc trở thành một cường quốc trên biển của Vương quốc Anh và quá trình bành trướng của quốc gia này trên toàn thế giới.
Chiến tranh 30 năm (1618 - 1648) và hòa ước Westphalia: Chiến tranh 30 năm là cuộc chiến diễn ra tại khu vực Trung u, mang danh nghĩa một cuộc chiến tranh tôn giáo giữa lực lượng theo phái Tin Lành (gồm một số công quốc Đức theo đạo Tin Lành, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển) và phái Thiên Chúa (với đại diện chính là Đế chế La Mã Thần thánh và Tây Ban Nha). Cuối cùng, sau rất nhiều sự đổ máu và thiệt hại to lớn cho cả hai phía, cuộc chiến kết thúc với thắng lợi của các nước Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển. Hòa ước Westphalia được kí kết tháng 10/1648, không chỉ đánh dấu sự chấm hết cho sự toàn trị về tôn giáo của Giáo hội Công giáo Roma mà còn mở ra một thời kì trong đó sự đa nguyên chính trị trở thành một đặc điểm của các quốc gia và vùng lãnh thổ (tiêu biểu nhất là Hà Lan). Các quốc gia giờ đây trở thành thực thể chính trong quan hệ quốc tế, đồng thời tạo ra “một trật tự thế giới” ở châu âu gần giống với thực trạng của thế giới đương đại: nơi các nước có vị thế được xác lập; các thể chế chính trị khác nhau tồn tại song song và riêng rẽ, tuân theo những thông lệ và triết lý mâu thuẫn, nhưng phần lớn đều tìm ra những nguyên tắc trung lập để giảm thiểu xung đột.
Cách mạng Anh (1642-1649): tuy diễn ra sau cách mạng Hà Lan, nhưng vẫn là cuộc cách mạng tư bản mang ý nghĩa lớn nhất khi được coi là bước đột phá mở đầu thời kì tư bản chủ nghĩa ở châu âu và trên toàn thế giới. Diễn ra dưới hình thức của một cuộc nội chiến giữa một bên là thế lực tư sản và quý tộc mới do tướng Oliver Cromwell lãnh đạo và một bên là lực lượng phong kiến của vua Charles I, cuộc chiến kết thúc bằng sự hình thành của một nhà nước Cộng hòa. Tuy nhiên phải trải qua một số biến cố chính trị, đến năm 1689, nền Quân chủ lập hiến (quyền lực tập chung về tay Nghị viện, vua chỉ mang tính biểu tượng quốc gia) ở nước Anh mới được thiết lập. Từ đó nước Anh trải qua một thời kì ổn định về kinh tế chính trị, giúp họ trở nên mạnh mẽ và giàu có, tạo lập một chỗ đứng rất lớn trong quan hệ quốc tế sau này.
III. Ảnh hưởng:
Về kinh tế:
Từ những sự thành công ở giai đoạn này, tầng lớp tư bản tiếp tục phát triển và trở thành tầng lớp cai trị xã hội. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra, các ngành Tài chính - Thương mại, vận chuyển tiếp tục phát triển, là nền tảng cho sự ra đời của nền kinh tế hiện đại.
Hình thành nên những giai cấp mới và những mâu thuẫn chính trị mới dần xuất hiện (điều sẽ có ý nghĩa rất lớn trong những diễn biến lịch sử của các thế kỉ tiếp theo)
Về chính trị:
Sự tìm ra các vùng đất mới và quá trình khai thác thuộc địa ở châu u làm hình thành nên các quốc gia mới trên thế giới, khai sáng cho một số các dân tộc nhưng đồng thời cũng mở đầu cho một loạt các cuộc chiến dành độc lập của các dân tộc trên mọi lục địa.
Sự mâu thuẫn và chia rẽ về mặt lợi ích liên quan đến vấn đề thuộc địa và thương mại tiếp tục là nguồn cơn của nhiều cuộc chiến lớn trong giai đoạn sau này (tiêu biểu có thế chiến I).
Trong quan hệ quốc tế, lợi ích quốc gia dần được đặt lên hàng đầu và là kim chỉ nam trong đường lối đối ngoại của các quốc gia.
Về xã hội:
Đây là thời kì của những cuộc chiến tranh liên miên, với thiệt hại to lớn về người và của, làm phát sinh ra nạn đói và dịch bệnh (chỉ riêng trong chiến tranh 30 năm, ¼ dân số Trung u đã thiệt mạng).
Với phong trào Phục hưng, Cải cách Tôn giáo, cùng sự gặp gỡ giữa các nền văn minh khác nhau do quá trình khai phá và di cư khổng lồ, con người cũng dần thoát khỏi thời kì Trung đại đầy tối tăm và ảm đạm, đạt đến những phát triển mới trong tư duy và dần tiến từng bước đến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong tương lai.