17/06/2024
🥸 Làm sao để biết cá của tôi đang mắc bệnh gì?
👉 Việc xác định chính xác cá đang bị nhiễm loại mầm bệnh nào là điều không khả thi với hầu hết những người chơi cá thông thường, bởi vì công việc này đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm về loại bệnh, kỹ năng lấy mẫu và quan sát đối chiếu dưới kính hiển vi.
👉 Những người chơi cá thông thường chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm và một số triệu chứng, biểu hiện của cá để đoán bệnh ở mức tương đối, tốt nhất có thể trong khả năng. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng khá nhiều loại bệnh lại có một hoặc nhiều triệu chứng giống nhau nên sẽ gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh. Chẳng hạn như:
* Cá bị túm đuôi, túm vây, bơi lờ đờ gần nguồn sủi oxy có thể là do bị stress, ngộ độc nước, sốc nhiệt, nhưng cũng có thể là do một loại mầm bệnh nào đó gây ra.
* Cá bơi loạn xạ, cạ mình dưới đáy hồ hoặc các vật trang trí trong hồ thường là dấu hiệu cho thấy cá bị nhiễm ký sinh. Nhưng điều rắc rối là có nhiều loại ký sinh khác nhau khiến cá có chung triệu chứng này, có thể kể đến như giun sán, rận nước, trùng mỏ neo, Ich, Velvet, Costia, v.v.
* Các đốm trắng li ti xuất hiện trên cá có thể là triệu chứng của các loại ký sinh như Ich, Epistylis, Tetrahymena.
* Cá bị nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng Costia, Chilodonella, Trichodina, sán da, sán mang đều có khả năng khiến cho cá tiết nhiều nhớt bất thường.
* Bệnh Columnaris (do vi khuẩn gram âm Flavobacterium columnare gây ra) và bệnh nấm thủy mi (do nấm Saprolegnia lây nhiễm) đều có biểu hiện khá giống nhau, dễ gây nhầm lẫn đó là các búi trắng như bông gòn xuất hiện trên đầu, miệng, thân cá.
* Các vết viêm sưng, xuất huyết thường là do bị nhiễm khuẩn (Aeromonas hydrophila, Pseudomonas aeruginosa, v.v.). Nhưng cũng có trường hợp là do nhiễm sán hoặc bị ngộ độc ammonia, ngộ độc nitrit.
* Các đốm đen xuất hiện bất thường trên người cá có thể không phải là do sán, mà là do gen của cá làm xuất hiện các đốm đen này...