Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Ngô Văn Hòa, cựu chiến binh xóm 4, thôn Đồng Phú, xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã thành công từ mô hình nuôi chim cút, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào thi đua CCB gương mẫu, sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.
Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hòa chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, trong một lần tình cờ theo dõi phóng sự về mô hình nuôi chim cút trên Đài truyền hình, nhận thấy con nuôi này phù hợp với khả năng kinh tế cũng như nhân lực lao động của gia đình, ông quyết định áp dụng để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống tốt hơn.
Ông Ngô Văn Hòa tâm sự: Khi mới bắt tay vào nuôi chim cút, tôi đã gặp không ít khó khăn, từ việc tìm nguồn mua con giống đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm (trứng chim cút). Mặt khác, do chưa thuần thục kỹ thuật chăm sóc nên lượng chim cút khi ấy bị chết khá nhiều...
Không thể để mô hình thất bại, tôi đã tích cực tìm tòi, học hỏi qua sách, báo và dành thời gian đi tìm hiểu thực tế ở các trại nuôi chim cút trong và ngoài huyện để tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi. Nhờ vậy, việc nuôi chim cút trở nên dễ dàng hơn và đem lại hiệu quả cao.
Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ trứng chim cút ngày càng cao, ông Hòa đã mở rộng mô hình nuôi chim cút của mình theo hướng trang trại. Ông đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để làm 240 lồng nuôi, mỗi lồng nuôi khoảng 35 con.
Theo ông Hòa, việc đầu tư chuồng trại theo quy mô lớn đã giúp ông có điều kiện chăm sóc chim cút tốt hơn, do khâu vệ sinh chuồng trại dễ dàng, đỡ tốn công sức và thời gian hơn.
Vì vậy, chim cút sinh trưởng và phát triển nhanh. Hiện nay, trang trại của ông luôn duy trì khoảng 6.000 con chim cút, mỗi ngày ông cung cấp cho thị trường trên 4.000 quả trứng, với giá bán 400 đồng/quả, trừ chi phí, ông thu về từ 120 - 150 triệu đồng/năm.
Hơn 5 năm gắn bó với nghề, ông Hòa rút ra kinh nghiệm: nuôi chim cút không quá khó, điều quan trọng là phải chú ý phòng bệnh và vệ sinh chuồng trại, giúp chim đẻ khỏe, kéo dài thời gian cho trứng.
Ngoài ra, mỗi ô chuồng cũng phải tính đến mật độ nuôi hợp lí, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Đánh giá về mô hình nuôi chim cút của hội viên cựu chiến binh Ngô Văn Hòa, ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội CCB xã Khánh Thượng nhận xét: Cựu chiến binh Ngô Văn Hòa là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó và mạnh dạn trong sản xuất.
Thành công từ mô hình được xem là tín hiệu vui không chỉ riêng đối với gia đình CCB Ngô Văn Hòa mà còn mở ra hướng đi mới cho nhiều hội viên khác trong xã học tập, áp dụng.
Không dừng lại ở quy mô như hiện tại, CCB Ngô Văn Hòa đang ấp ủ dự định mở rộng trang trại nuôi chim cút với số lượng lớn hơn và hướng tới sản xuất hàng hóa, chăn nuôi bền vững.
Để đạt mục tiêu đó, ông đang tập trung đầu tư lò ấp trứng với công nghệ hiện đại, nhằm cung cấp ra thị trường trứng chim cút và trứng chim cút lộn có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để giúp mô hình thành công hơn nữa, ông mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là vấn đề vay vốn và đầu ra cho sản phẩm.
Với nhu cầu thị trường lớn như hiện nay, phát triển nuôi chim cút là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Song ở đó, những người chăn nuôi như ông Hòa vẫn rất cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành để việc nuôi chim cút trở thành nghề sản xuất hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo và làm giàu.
Mai Lan