01/07/2023
Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, định hướng đến năm 2040: Thời cơ và vận hội.
Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu sản xuất, chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Về tầm nhìn đến năm 2040, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 đã được Bộ NN&PTNT xây dựng, đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý từ cuối năm 2019. Trong dự thảo này, Bộ NN&PTNT đã đánh giá về sự phát triển của ngành Chăn nuôi của giai đoạn trước đó.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2008 - 2018,ngành Chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5 - 6%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 4,5 - 5%, giai đoạn 2016 - 2018 đạt trung bình 6%/năm. Đến năm 2018, sản lượng thịt các loại trên 5,3 triệu tấn (trong đó thịt lợn đạt trên 3,8 triệu tấn, thịt gia cầm 1,2 triệu tấn) tương đương 220 - 230 nghìn tỷ đồng, riêng giá trị ngành hàng thịt lợn đã ngang bằng với ngành lúa gạo…
Kết quả này đã góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và bước đầu cho xuất khẩu một số sản phẩm. Cùng với toàn ngành Nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6 - 6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn.
Để hoàn thiện dự thảo Chiến lược trình Chính phủ, ngày 15/9/2020, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia nông nghiệp. Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc Bộ NN&PTNT xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 là yêu cầu cấp thiết để ngành Chăn nuôi có định hướng, cơ sở phát triển.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong giai đoạn qua, bên cạnh những chuyển biến, đóng góp quan trọng cho đất nước, ngành Chăn nuôi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, nhất là thực trạng chăn nuôi vẫn còn tự phát, chạy theo phong trào. Điều này khiến cung - cầu về sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định, lúc thừa, lúc thiếu.
Điển hình cho tình trạng này đó là, mặt hàng thịt lợn những năm gần đây liên tục biến động, có lúc dư thừa, Chính phủ phải kêu gọi “giải cứu” thịt lợn năm 2017. Nhưng có lúc lại thiệt hại vì dịch bệnh, khan hiếm thịt lợn khiến giá thịt lợn quá cao suốt từ cuối năm 2019 đến nay, khiến Chính phủ phải kêu gọi giảm giá thịt lợn, mà nguyên nhân chính vẫn là mất cân đối về cung cầu, cung cầu bị lệch pha.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá, ngành Chăn nuôi vẫn còn nhiều thời cơ và vận hội lớn. Trong đó, chủ trương phát triển ngành Nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, toàn diện luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm. Luật Chăn nuôi đã được thông qua và có hiệu lực… Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường trong nước và quốc tế đang ngày càng tăng cao, nhất là các quốc gia có nhu cầu lớn và ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Đây là những nền móng quan trọng để ngành Chăn nuôi phát triển trong giai đoạn tới.
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô khoảng 29 - 30 triệu con, trong đó đàn lợn nái khoảng 2,5 - 2,8 triệu con; đàn lợn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%. Đối với gia cầm, phát triển theo phương thức công nghiệp. Tổng đàn gà có mặt thường xuyên khoảng 400 - 450 triệu con, trong đó ít nhất 60% nuôi theo phương thức công nghiệp…