02/09/2021
Nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy, nôn mửa ở thú cưng và cách thức xử lý tại nhà trong mùa dịch.
LƯU Ý: BÀI VIẾT NÀY KHÔNG THAY THẾ CHO VIỆC THĂM KHÁM TRỰC TIẾP BỞI BÁC SĨ THÚ Y. CHỈ DÙNG TRONG TRƯỜNG HỢP NHÀ XA DỊCH VỤ THÚ Y, CÁC BẠN ĐANG CÁCH LY, HOẶC TRƯỜNG HỢP BẤT ĐẮC DĨ KHÁC.
NGUYÊN NHÂN:
Bệnh truyền nhiễm ( do thú cưng không được tiêm phòng đầy đủ)
1, Chó có bệnh hay gặp như: Parvo, care...
2, Mèo: bệnh giảm bạch cầu
Đồ ăn
1, Do thay đổi đồ ăn một cách đột ngột: ví dụ đang ăn hạt chuyển qua ăn cá, đang ăn cơm chuyển qua ăn pate...
2, Do ăn đồ ăn lạ, chưa ăn bao giờ, không dùng đồ ăn giống chủ cũ lúc mới đón thú cưng về. Một số trường hợp cũng có thể do thú cưng ăn phải dị vật, chất tẩy rửa trong nhà gây tắc ruột, ngộ độc,
Tẩy giun sán không thường xuyên
1, Tùy từng loại thuốc tẩy giun sán mà có lịch tẩy khác nhau ví dụ drontal: 6 , 8 , 12 tuần tuổi sau đó 3 tháng tẩy lại 1 lần.
Một số nguyên nhân khác:
1, Do thú cưng liếm lông nhiều và nuốt phải tạo búi lông và kích thích gây nôn (ở mèo)
2, Do thú cưng bị viêm hô hấp: ho khạc nhiêu gây kích ứng, viêm cổ họng cũng làm mèo, chó cố gắng gồng để nôn.
Lưu ý chăm sóc khi chó mèo nôn, tiêu chảy:
TRƯỜNG HỢP 1: Nếu thú cưng chưa tiêm phòng đầy đủ (3 mũi ở chó, 2 mũi ở mèo) mà có dấu hiệu nôn 3-4 lần 1 ngày hoặc đi phân ra máu, hoặc mệt mỏi, bỏ ăn: thì KHÔNG NÊN điều trị tại nhà, bằng mọi cách liên hệ với bác sĩ thú y để được tư vấn, vì có thể thú cưng đang mắc bệnh truyền nhiễm.
TRƯỜNG HỢP 2: Nếu thú cưng đã được tiêm phòng, hoặc chưa tiêm đầy đủ tuy nhiên bé chỉ nôn 1-2 lần trong ngày, phân cũng không có máu, vẫn vui đùa bình thường, không có dấu hiệu mệt mỏi, vẫn thèm ăn thì có thể theo dõi thêm tại nhà và uống thuốc theo chỉ dẫn phía dưới.
Bạn có thể ra hiệu thuốc tây mua Men tiêu hóa, đường glucose 5% hoặc đường glucose dạng bột, smecta về cho bé uống.
Cách chăm sóc với trường hợp 2:
Cho thú cưng nhịn ăn 1 bữa: thay vào đó bơm cho bé uống nước đường glucose + 1/4 gói Men tiêu hóa +1/4 gói Smecta ( đối với thú cưng dưới 5kg, trên 5 kg thì cho mọi thứ x2)
Bữa tiếp theo có thể cho bé ăn thịt lợn nạc xé nhỏ, say nhỏ, gel dinh dưỡng, cháo thịt băm nếu có cảm giác thèm ăn: tiếp tục pha men và smecta bơm cho bé uống thêm sau khi ăn xong.
Tuyệt đối không cho bé ăn đồ ăn như cá, gà, đồ tanh sống, không cho bé ăn quá nhiều, không được thấy bé đỡ sau 1 bữa uống thuốc mà chuyển qua chế độ ăn bình thường luôn.
Nếu bé cải thiện đỡ nôn, tiêu chảy thì duy trì chế độ ăn như thế trong 1-2 hôm tiếp theo đến khi thú cưng nhanh nhẹn và khỏe trở lại, đi phân khuôn.
Nếu tình trạng không đỡ trong quá trình điều trị, bé nôn nhiều hơn, mệt hơn, tiêu chảy ra máu nặng hơn, nôn sau khi ăn thì bắt buộc phải liên hệ với bác sĩ thú y để được điều trị trực tiếp.
LƯU Ý: BÀI VIẾT NÀY KHÔNG THAY THẾ CHO VIỆC THĂM KHÁM TRỰC TIẾP BỞI BÁC SĨ THÚ Y. CHỈ DÙNG TRONG TRƯỜNG HỢP NHÀ XA DỊCH VỤ THÚ Y, CÁC BẠN ĐANG CÁCH LY, HOẶC TRƯỜNG HỢP BẤT ĐẮC DĨ KHÁC.
CRE: BSTY Dương Pets