17/10/2023
[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Dự án của ACIAR đã hỗ trợ được 2 hợp tác xã phát triển chuỗi bò thịt và chuỗi bò giống, thiết lập 6 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò, gần 400 hộ nông dân được hưởng lợi từ các hoạt động nghiên cứu và nâng cao năng lực, giúp tăng cường sản xuất thâm canh và liên kết với thị trường, đời sống của bà con nông dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên được cải thiện rõ rệt.
Mở hướng thoát nghèo cho người nông dân
Trải qua 5 năm triển khai, Dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác trên đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ, đã mở hướng cho nông dân tỉnh Điện Biên từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, tận dụng được những lợi thế sẵn có tại địa phương, làm giàu từ chăn nuôi thâm canh đại gia súc.
Năm 2018, được sự vận động, giới thiệu của các cán bộ Khuyến nông về Dự án, chị Lường Thị Tươi (50 tuổi), dân tộc Thái ở bản Bó Giáng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo đã quyết định tham gia vào hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi bò giống xã Quài Nưa. Cho đến nay, đàn bò của gia đình chị luôn được duy trì từ 10-12 con, nuôi theo hướng vỗ béo. Với mô hình này, trung bình mỗi năm, gia đình chị Tươi thu về khoảng 200 triệu đồng.Trải qua 4 năm, chị Tươi nhận thấy quyết định thay đổi phương thức chăn nuôi bò thả rông sang nuôi nhốt, trồng cỏ sinh khối làm thức ăn là hoàn toàn đúng đắn. “Từ khi tham gia HTX, tôi cảm thấy rất hài lòng. Trước kia, khi còn chăn nuôi thả rông vất vả lắm, trời mưa cũng như trời nắng luôn phải theo chân con bò ra nương, rẫy để chăn. Khi được các cán bộ Dự án về hướng dẫn nuôi bò theo phương thức vỗ béo, cuộc sống đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Việc mua, bán trâu bò cũng thuận lợi hơn, có người đến mua tận nơi, kinh tế gia đình nhờ đó được cải thiện”, chị Tươi vui vẻ chia sẻ.
Tương tự hộ gia đình chị Tươi, mô hình chăn nuôi của chị Lường Thị Giót (38 tuổi), bản Giáng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo cũng được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Bắt đầu tham gia chỉ với 4 con bò lấy giống trực tiếp tại HTX Chăn nuôi bò giống, đến nay, số lượng đàn bò của gia đình chị Giót đã nhân giống lên thành 15 con, thu nhập từ 7-8 triệu đồng/ con bò/ năm, kinh tế gia đình khấm khá hơn rất nhiều. Chị Giót chia sẻ, từ khi có các cán bộ, giảng viên về hướng dẫn cách nuôi, cách trồng cỏ, ngô sinh khối ủ làm thức ăn cho gia súc, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang phương thức nuôi nhốt, đặc biệt có bản 100% hộ dân đã chuyển sang phương thức vỗ béo này.