10/08/2019
CÁCH HUẤN LUYÊN CHÓ ĐI VỆ SINH
(Không quảng cáo)
1. Tìm hiểu cách chó con nhận thức môi trường.
Chó con không có bản năng hiểu biết về những điều mà con người cho là đúng và sai. Tuy vậy chúng lại có thể học được nhiều hành vi. Chó con không biết được việc đi bậy lên thảm là hành vi “xấu”. Đối với chó con, bề mặt thảm cũng giống như bãi cỏ ngoài vườn, đều có thể đi vệ sinh được. Bạn cần phải dạy cho chó con cách lựa chọn đúng đắn hơn.
2. Tạo sự trùng hợp tình cờ ngay từ đầu.
Hành động đầu tiên của bạn khi bắt đầu huấn luyện chó sẽ là hữu ích nhất. Đưa chó con ra ngoài thường xuyên sẽ khiến chúng có lúc đi vệ sinh ở ngoài nhà một cách tình cờ. Chó con sẽ bắt đầu hiểu được hành vi mà bạn muốn hướng đến khi bạn khen ngợi chúng vì hành động tuyệt vời này. Tuy nhiên, bước này cần có thời gian và lặp lại nhiều lần.
Nếu bắt gặp chó con đi bậy trong nhà, bạn cần dừng ngay hoạt động này. Ra lệnh ngăn chặn như “Ra ngoài!” Không nên la hét hoặc mắng khi sử dụng mệnh lệnh. Chỉ ra lệnh để ngăn chó con không đi bậy.
Nhấc chó con lên và mang ra vị trí đặc biệt bên ngoài. Nếu chú cún đi vệ sinh đúng chỗ, bạn có thể khen ngợi và/hoặc thưởng đồ ăn cho chúng.[1] Hãy chắc rằng bạn sử dụng cùng một vị trí mỗi lần ra ngoài. Mang dây xích khi dắt chó ra ngoài là phương pháp thích hợp để giữ chúng ở khu vực cố định.
3.
Không phạt chó con vì hành động đi bậy.
Chó con sẽ không hiểu lý do tại sao bạn lại phạt chúng. La mắng và đánh đập chỉ làm cho chó con trở nên sợ hãi. Điều này thường khiến cho chó con cố đi bậy ở những chỗ bị che khuất trong nhà mà không có sự hiện diện của bạn.[2] Nếu không áp dụng phương pháp huấn luyện tích cực, bạn sẽ gây ra vấn đề hành vi nghiêm trọng thay vì dạy chó con cách đi vệ sinh đúng nơi quy định.
4. Nắm rõ những hạn chế tự nhiên của bàng quang.
Độ tuổi của chó con ảnh hưởng đến khả năng được huấn luyện đi vệ sinh và khoản thời gian mà bạn có thể kéo dài giữa các lần đó. Không nên đánh đồng những lúc trót dại ấy là dấu hiệu cho thấy chúng khó bảo. Xem chúng như trẻ con đang học cách kiểm soát bàng quang.[3] Một vài hướng dẫn chung như sau:[4]
Độ tuổi từ 8 đến 16 tuần được xem là giai đoạn hòa nhập chủ yếu đối với chó con.[5] Vào thời điểm này, chó con chỉ có thể nhịn tiểu khoảng 2 tiếng. Đây cũng là thời gian tốt nhất để bắt đầu huấn luyện đi vệ sinh.
Khi được 16 tuần tuổi, chó con thường có thể kéo dài thời gian giữa các lần đi vệ sinh lên đến bốn tiếng. Trước độ tuổi này, bàng quang có thể trụ được khoảng 2 tiếng trước khi chó con buộc phải đi vệ sinh.[6]
Từ 4 đến 6 tháng tuổi, chó con có thể được xem là huấn luyện thành công "một nửa" do khả năng dễ bị xao nhãng. Chúng thường muốn khám phá xung quanh, có nghĩa là việc đuổi theo con bọ cánh cứng có thể ngăn chúng không đi vệ sinh khi bạn dắt chó con đến nơi quy định. Vào thời điểm này, chó con bốn tháng tuổi có thể trì hoãn từ bốn đến năm tiếng trước khi cần phải “giải tỏa”, trong khi chó con sáu tháng tuổi có thể kéo dài từ sáu đến bảy tiếng.
Khi chó con được 6-12 tháng tuổi, sự phát triển về giới tính có thể khiến cho con đực có hành vi nhấc chân và đi bậy lên đồ đạc trong nhà, trong khi con cái có thể đến thời kỳ động dục. Bàng quang có thể chịu đựng bảy đến tám tiếng trước khi cần phải đi vệ sinh.
Từ 12 đến 24 tháng tuổi, chó con có thể chưa phát triển hoàn toàn tùy thuộc vào giống loài. Hy vọng là bạn đã huấn luyện chó con đi vệ sinh trước độ tuổi này, nhưng nếu chưa, bạn vẫn có thể dạy chúng ngay cả khi chúng đã trưởng thành. Mặc dù không phải là không thể, nhưng việc huấn luyện đi vệ sinh đối với chó trưởng thành có thói quen xấu thường đòi hỏi nhiều nỗ lực và kiên nhẫn hơn khi bạn thực hiện “ngay” từ khi chúng còn nhỏ.
5. Lưu ý giống chó.
Những chú chó to lớn thường dễ huấn luyện đi vệ sinh hơn chó nhỏ. Giống nhỏ cần phải đi thường xuyên hơn (vì hệ tiêu hóa nhỏ hơn).[4] Chó nhỏ cũng có thể đi bậy ở những nơi bị che khuất mà bạn không phát hiện được hoặc có thể tìm ra cho đến khi thói quen xấu đã được hình thành. Hạn chế việc chó tiếp cận khắp căn nhà để ngăn chặn điều này.
6. Chuẩn bị lồng hoặc “cũi”.
Cũng giống như con người, chó con không muốn phóng uế gần khu vực ăn uống và nghỉ ngơi. Huấn luyện chó sử dụng lồng là cách hiệu quả để giúp chó con học cách kiểm soát việc đi vệ sinh.[7] Chiếc lồng cũng giúp mang lại sự an toàn. Khi ở gần đó, bạn có thể mở cửa lồng để chó ra vào khi cần. Cho đồ chơi, thức ăn vặt, và ổ nệm vào trong lồng. Chiếc lồng là nơi mang lại niềm vui, không phải để trừng phạt.
Một số con chó có thể muốn đi thẳng vào trong lồng, trong khi những con khác cần thích nghi với lồng một cách từ từ.
Tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của chú cún, chúng sẽ phải ở trong lồng. Việc đến phòng khám, đi du lịch, và vệ sinh cá nhân đều buộc phải nhốt chó vào lồng. Tốt hơn bạn nên cho chó con làm quen với chiếc lồng khi còn nhỏ.
Chó con dưới 6 tháng tuổi không nên ở trong lồng quá 3 đến 4 tiếng bất kể khả năng kiểm soát đi vệ sinh như thế nào. Chó ở độ tuổi này cần tương tác nhiều hơn.[8] Nếu phải đi làm cả ngày, bạn nên nhờ người đưa chú cún ra ngoài đi vệ sinh.
Lúc về nhà sau khi nhốt chó trong lồng, bạn có thể đưa chú cún ra ngoài ngay lập tức và ngăn chúng phóng uế trong nhà.
7. Mua lồng có kích thước phù hợp.
Chuẩn bị lồng với kích cỡ phù hợp, sao cho chú cún có thể đứng thẳng, xoay người, và nằm xuống. Tuy nhiên kích thước lồng cũng không nên quá lớn tạo điều kiện cho chúng đi vệ sinh ở góc này và ngủ ở góc kia. Mục đích là tận dụng bản năng tự nhiên không ngủ ở gần chỗ phóng uế để hỗ trợ quá trình huấn luyện đi vệ sinh. Nếu chó con thuộc giống chó lớn, bạn có thể mua lồng thiết kế tăng kích thước theo sự phát triển của chú cún, vì thế bạn không phải tốn thêm tiền mua lồng to hơn khi chó lớn lên. Nếu không có lồng, bạn có thể lắp hàng rào trong góc phòng tắm.
8. Xác định khu vực đi vệ sinh cho chó con trước khi mang chúng về.
Vị trí có thể là ở sân sau, bên cạnh nơi che mưa gió, hoặc khu vực khác trong vườn. Cho dù là ở bất cứ đâu, bạn cần quyết định trước khi nuôi chó con. Bạn không muốn đưa ra mệnh lệnh thiếu nhất quán bằng cách di chuyển địa điểm đi vệ sinh liên tục trong lúc bạn vẫn đang xác định vị trí cụ thể.