13/05/2024
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 4/2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương; giá bán các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực vẫn tiếp đà tăng cao do thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn cơ bản ổn định, nên người sản xuất có lợi nhuận, đầu tư vào sản xuất; sản lượng các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu thu hoạch trong kỳ tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Đàn lợn có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ khá ổn định, giá bán có xu hướng tăng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 4 năm 2024 tăng khoảng 3,7% so với cùng thời điểm năm 2023; đàn gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, do công tác tiêm phòng dịch bệnh tốt nên không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tại thời điểm cuối tháng 4 tăng khoảng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2023.
Đàn trâu, bò có xu hướng giảm nhẹ do hiệu quả kinh tế thấp. Đàn lợn có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ khá ổn định, thêm vào đó là giá bán tăng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ. Đàn gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, do công tác tiêm phòng dịch bệnh tốt nên không có dịch bệnh lớn xảy ra.
- Chăn nuôi trâu, bò:
Ước tính tổng số trâu của cả nước tại thời điểm cuối tháng Tư giảm khoảng 2,7%, tổng số bò giảm khoảng 0,2% so với cùng thời điểm năm 2023. Đàn trâu có xu hướng giảm rõ rệt ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân giảm do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, hạn mặn ở một số vùng làm ảnh hưởng tới nguồn thức ăn xanh của trâu, bò nên người chăn nuôi phải tăng cường thức ăn công nghiệp dẫn đến chi phí đầu vào tăng, trong khi đó hiệu quả kinh tế thấp, thời gian nuôi kéo dài nên chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đa số diện tích đất trồng lúa đều sử dụng cơ giới hóa thay cho sức cày kéo của trâu, đồng cỏ chăn nuôi tự nhiên ngày càng bị thu hẹp để tận dụng cho gieo trồng và phục vụ sản xuất vì vậy người chăn nuôi có xu hướng chuyển qua nuôi vật nuôi khác có hiệu quả và mang lại lợi nhuận tốt hơn.
- Chăn nuôi lợn:
Tổng đàn lợn của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng Tư tăng khoảng 3,7% so với cùng thời điểm năm 2023. Đàn lợn vẫn duy trì số lượng tổng đàn và có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ khá ổn định, giá bán có xu hướng tăng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên người chăn nuôi vẫn đang thận trọng trong việc tái đàn vì chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.
- Chăn nuôi gia cầm:
Đàn gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, công tác tiêm phòng dịch bệnh tốt nên không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tại thời điểm cuối tháng Tư tăng khoảng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2023.
- Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 4 ước đạt 40,8 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 4 tháng đầu năm đạt 152 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 47,3 triệu USD, tăng 12,8%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 48,1 triệu USD, tăng 6,3%.
- Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 4 ước đạt 308 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 4 tháng đầu năm đạt 1,1 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 355 triệu USD, giảm 12,7%; giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 501 triệu USD, tăng 25,1%.
- Thú y: Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 22/4/2024, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên cả nước cụ thể như sau:
Dịch cúm gia cầm: Trong tháng 4, có báo cáo 01 ổ dịch CGC A/H5N1 phát sinh tại tỉnh Vĩnh Long, số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 3.500 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 07 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 07 tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long. Số gia cầm mắc bệnh là 11.569 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 12.424 con. Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Vĩnh Long chưa qua 21 ngày.
Dịch lợn tai xanh: Trong tháng 4, không có báo cáo phát sinh ổ dịch bệnh Tai xanh tại các địa phương. Từ đầu năm đến nay, cả nước chưa xảy ra dịch bệnh Tai xanh.
Dịch Lở mồm long móng: Trong tháng 4, không có báo cáo phát sinh ổ dịch LMLM tại các địa phương. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 36 ổ dịch LMLM tại 9 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai; số gia súc mắc bệnh là 1.112 con, số gia súc tiêu hủy là 101 con. Hiện nay, cả nước có 08 ổ dịch LMLM tại các tỉnh Sơn La và Quảng Nam chưa qua 21 ngày.
Dịch tả lợn châu Phi: Trong tháng 4, có báo cáo phát sinh 14 ổ dịch tại 13 huyện của 09 tỉnh, thành phố; số lợn mắc bệnh là 422 con, số lợn chết, tiêu hủy là 429 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 183 ổ dịch tại 33 tỉnh, thành phố; số lợn mắc bệnh là 5.547 con, số lợn chết và tiêu hủy là 5.958 con. Hiện nay, cả nước có 33 ổ dịch tại 17 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC): Trong tháng 4, cả nước phát sinh 07 ổ dịch tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Khánh Hòa, số gia súc mắc bệnh là 09 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 02 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 57 ổ dịch tại 6 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Tiền Giang. Số trâu, bò mắc bệnh là 310 con; số trâu, bò chết và tiêu hủy là 78 con. Hiện nay, cả nước có 16 ổ dịch tại 04 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Khánh Hòa chưa qua 21 ngày.