06/02/2024
Xuân về kể chuyện tha phương
Cổ thi có câu: �“Hồ mã tê Bắc phong, �Việt điểu sào Nam chi”
Dịch nghĩa ra có ý: ngựa Hồ hí động gió Bắc. Chim Việt tựa hướng cành Nam.
—————————————————————
Chim Việt là loài chim sinh trưởng ở đất Việt, thuộc phía nam nước Tàu. Mỗi năm cứ đến đầu thu, từng đàn chim Việt bay sang phương Bắc để kiếm ăn. Vì khi thu sang, phương Bắc có nhiều chỗ có giống lúa mới vừa chín, lại thêm có nhiều hoa thơm quả ngọt. Trái lại khi ấy ở phương nam vì mới giao mùa, lúa vừa đọng sữa, cây trái lại hiếm, thời tiết lạnh dần. Do đó, chim Việt bay sang phương Bắc kiếm ăn, đến mùa đất Việt ấm áp trở lại, chúng sẽ bay về.
Tuy sang phương Bắc nhưng đàn chim Việt vẫn nhớ quê hương. Muốn làm ổ, chúng chọn cành cây chĩa về phương Nam, tức là phương của quê nhà mà chim sinh trưởng.
Ngựa Hồ là ngựa ở nước Hồ. Nước này ở về phương bắc nước Tàu mà ngày xưa người Tàu thường cho là tộc man di, hay cũng gọi là Phiên quốc.
Ngựa Hồ cao lớn, thiện chiến, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh. Người Trung khi xưa thường mua về làm ngựa chiến trận. Nước Hồ vốn là xứ lạnh. Khi đông về, gió bấc thổi, tuyết rơi lả tả, lạnh tê tái.
Ngựa Hồ tuy về Trung Nguyên, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ tê lạnh mỗi độ đông về. Vì thế khi có gió bấc là gió phương bắc thổi đến, tuyết rơi lả tả nơi đất Trung nguyên thì ngựa cất lên tiếng hí thê thảm tỏ lòng nhớ cố quốc.
Lại có sách chép: Nước Hồ đem ngựa cống vua Hán ở Trung nguyên. Ngựa được nhốt vào chuồng cho ăn uống thật ngon và được chăm sóc rất kỹ. Nhưng khi gió bấc thổi đến thì ngựa lại bỏ cả ăn uống, ngóng về phương bắc hí vang lên những tiếng bi ai..
"Chim Việt, ngựa Hồ" trở thành một cặp thành ngữ, hàm ý dù có đi đâu, về đâu vẫn luôn đem lòng nhớ về quê nhà xứ sở. Và dẫu cho ở chốn đất khách, nơi quê người, dù số phận lầm lạc hay phong hoa, trong trái tim mọi dòng máu, ít nhiều, vẫn luôn nồng ấm mãi một dòng chảy tiết nghì mong nhớ về cố quốc.
Điều gì có thể làm sợi dây kết nối những tình cảm tâm tư quý giá đó với những miền xa xôi ngoài hai tiếng “Quê Hương” tuy giản dị mà rất đỗi thiêng liêng. Càng đi xa lòng người con xa quê lại càng thêm da diết bồi hồi, dẫu cho ai có nói bao lời hay, ý đẹp cũng chẳng cách nào lay động thứ tiết ngọc lòng vàng của những “đứa trẻ” đương cơn khắc khoải đường về nhà sao mãi xa xôi..
Bóng chiều ngả bốn bề bát ngát.
Chúc cho mọi quý bạn và quý anh chị em gần xa khắp nẻo, thôi đừng lưu luyến nữa những chuyện đời lặt vặt, hương sắc. Hãy mau mau, sớm ngày trở về.
Đời còn dài lắm những xa xôi khuất nẻo
Chỉ có đường về nhà luôn thênh thang..