Phòng khám Thú Y Quỳnh

Phòng khám Thú Y Quỳnh Lương Y như tháng trước
(3)

14/02/2019

Cách nuôi chó poodle 2 tháng tuổi

Bạn không biết cách nuôi chó poodle 2 tháng tuổi? - 2 tháng tuổi thường là khi poodle bắt đầu được xuất đàn (đem bán) vì vậy, đa số các bạn sẽ mua chó trong giai đoạn này. Nhưng đây cũng là giai đoạn rất "nhạy cảm" vì khi tách đàn, chó rất dễ stress đồng thời bạn chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ chó mắc bệnh truyền nhiễm hoặc chết là rất cao. Vậy trong giai đoạn này, cách nuôi poodle như thế nào là tốt nhất? Cần lưu ý những điều gì khi poodle được 2 tháng?

1. Những lưu ý trong cách nuôi poodle 2 tháng tuổi.

Từ khi sinh tới 2 tháng là poodle có thể bắt đầu chuyển dần từ bú hoàn toàn sang ăn cháo hoặc cơm. Và đây cũng là thời gian các bạn thường mua chó. Nhưng do còn khá nhỏ đồng thời chủ mới chưa có nhiều kinh nghiệm nên poodle rất dễ mắc bệnh và chết trong giai đoạn này. Nếu quyết định mua chó, bạn hãy chú ý toàn bộ những điều sau.

- Đầu tiên, khi đi mua poodle 2 tháng, hãy chọn những con đã tiêm phòng đầy đủ (bắt buộc phải có). Hãy quan sát và chọn những con khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, nhanh nhẹn.

- Đi mua chó lúc thời tiết ấm áp (mùa đông - lúc trưa nắng) hoặc mát mẻ (mùa hè - sáng hoặc chiều tối), để giảm thiểu tối đa stress trong quá trình vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển nên giữ không cho gió lùa thẳng mặt, hoặc vận chuyển đường dài....

- Ngay khi mang chó về, thông thường chó sẽ buồn tẻ, ủ rũ, có thể mệt mỏi. Đây là điều rất bình thường khi chuyển sang môi trường mới. Lúc này bạn hãy chuẩn bị ổ, nệm nằm cho chó, đồng thời chơi đùa với chó.

- Cách nuôi chó poodle 2 tháng tuổi rất quan trọng : Thời điểm này chó có thể ăn cơm. Nhưng do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện hoàn toàn, nên lời khuyên tốt nhất là bạn nấu cháo cho chó ăn. Cho chó ăn những thức ăn dễ tiêu.

- Cho chó vận động vừa đủ, không bắt chó vận động quá nhiều, một số bạn mới mua chó về mang đi chơi khắp nơi, chạy nhảy mọi chỗ khiến chó rất mệt. Chúng còn nhỏ, hãy cho ra ngoài chơi, nhưng vận động vừa đủ thôi.

- Có nên tiếp xúc với những con chó khác? - Hoàn toàn được, bạn có thể cho chó ra ngoài, tiếp xúc với những giống chó khác, không nên nhốt chó trong nhà cả ngày. Nhưng phải lưu ý : Không tiếp xúc với những con chó bị bệnh, chỉ tiếp xúc với chó khỏe. Tránh xa tất cả các con chó khác: ốm, ngạt mũi, sốt, mệt mỏi, ủ rũ, .... tránh xa khu vực bệnh viện cho chó.... tránh xa mấy con chó có ve rận.... Nhưng làm thế nào để kiểm soát được? - Hãy sử dụng xích hoặc "chọn bạn mà chơi"

- Khẩu phần ăn của poodle 2 tháng gồm những gì? - Nấu cháo và kèm thêm những gì chó thích: gan, thịt xay, phổi, xúc xích, giò..... Thay đổi các món trong ngày để chó ăn tốt hơn.

Ví dụ : Thứ 2 nấu cháo với thịt. Thứ 3 cháo và giò. Thứ 4 cháo xúc xích.....

1 ngày cho chó ăn từ 4 - 6 bữa. Không cho ăn khi thức ăn quá nóng, hoặc cho ăn thức ăn mới lấy từ trong tủ lạnh ra (thức ăn để trong tủ lạnh cần hâm nóng lại).

- Vào mùa nóng, tốt nhất chỉ nên tắm 1 lần 1 tuần (nếu cho nghịch bẩn quá, thì có thể tắm 2 lần / tuần). Vào mùa lạnh, tốt nhất là 1 tháng 1 lần hoặc 2 tuần 1 lần, khi tắm phải chú ý tắm bằng nước nóng. Sau khi tắm xong phải sấy khô lông.

- Cho chó vận động thường xuyên, không nên nhốt vào chuồng quá nhiều rất dễ dẫn tới hạ bàn.

- Khi nào thi cắt tỉa lông cho chó : 2 tháng tuổi, bạn không cần cắt lông cho chó. Hãy để 4-5 tháng thậm chí 6-8 tháng cũng cắt lông cũng không sao. Nếu lông quá dai, chỉ cần tỉa ngắn lông đi cho gọn.

Trên đây là những lưu ý rất quan trọng trong cách nuôi chó poodle 2 tháng tuổi. Giờ hãy tiếp những lưu ý cực kỳ nguy hiểm trong khi chăm sóc poodle khi còn nhỏ bạn nhất định phải biết.

2. Lưu ý chết người khi nuôi poodle 2 tháng tuổi

Không cho poodle ăn xương dưới mọi hình thức : Giai đoạn này hệ tiêu hóa của chó chưa được hoàn thiện, nên bạn KHÔNG được cho chó ăn xương gà, xương heo, xương vịt.... kể cả xương mềm... nói tóm lại NÓI KHÔNG VỚI XƯƠNG. Tránh táo bón, hoặc đau bụng.

Không cho poodle ăn quá no. Đây là lỗi gặp nhiều nhất trong khi các bạn nuôi chó poodle khoảng 2 tháng. Bản năng của chó nhỏ là có gắng ăn thật nhiều, bạn cho bao nhiêu cũng ăn hết, nhưng điều này là không tốt chút nào. Hãy CHO CHÓ ĂN VỪA ĐỦ, đừng cho chó ăn nó căng bụng, như thế rất dễ dẫn tới yếu 2 chân sau (gặp rất phổ biến) hoặc tiêu chảy.

Phần nữa các bạn thường quên là tẩy giun cho chó. Lịch tiêm phòng có thể các bạn nhớ, nhưng lịch tẩy giun thì không. Vậy nên hãy ghi nhớ lịch tẩy giun cho chó nhé. Với chó con dưới 6 tháng, cứ 1 tháng tẩy giun 1 lần.

Trên đây là những lưu ý quan trong trong cách chăm sóc chó poodle 2 tháng tuổi. Các bạn cần hiểu rõ ràng và nắm chắc những lưu ý đó để tránh chó bị chết hoặc mắc bệnh truyền nhiễm, nếu còn những thắc mắc nào khác, các bạn có thể để lại bình luận phía dưới để các thành viên trong cộng đồng, những người có kinh nghiệm chia sẻ và giúp đỡ.

13/11/2018

Chó bị to bụng là bệnh gì?

Rất nhiều trường hợp các bạn nuôi chó gặp tình trạng chó của mình bụng phình to không rõ nguyên nhân. Vậy, gặp trường hợp này nên xử lý thế nào?

Biểu hiện bên ngoài là bụng chó to khác thường, và ngày càng to ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Có 2 trường hợp thường gặp trong tình huống này là to bụng có nước và to bụng không có nước. Để kiểm tra xem bụng chó có nước hay không, bạn dùng kim chọc dò xoang bụng nhé (yêu cầu có chuyên môn để chọc dò, tránh các trường hợp gây tổn thương nội tạng).

1. Chó to bụng nhưng không có nước.

Bụng có to nhanh trong vài ngày, chó biểu hiện đau bụng có thể thấy xây xát da hoặc tổn thương. Trường hợp này có thể do cắn nhau, hoặc tai nạn (xe đè, ngã...) khiến gãy xương sườn kín. tổn thương nội tang, hoặc gãy xương sườn.
Do bệnh chướng hơi xoắn dạ dày cấp tính, chó biểu hiện đau đớn, miệng lưỡi nhợt nhạt, mất máu niêm mạc và khó thở.

Bụng phình to 1 vùng, ấn tay vào thấy bùng nhùng, trường hợp này có thể do thoát vị thành bụng do tổn thương, rách cơ thành bụng. Trường hợp này rất dễ gây xoắn ruột và hoại tử ruột.

Bụng to do viêm thận và phì đại tuyến thượng thận, phù tim... có thế gây phù nề toàn thân, thường gặp ở cùng thấp: chân, vùng bụng thấp, vùng ngực. Biểu hiện chó đái ít, thở thể bụng, mệt mỏi, gầy yếu.

2. Chó báng bụng (có nước trong xoang bụng).

Tất nhiên là không tính trường hợp chó mang bầu. Biểu hiện: Chó bụng to khác thường, có dịch bên trong, chó gầy lộ đốt sống lưng, đái ít, nước tiểu có màu xẫm, có thể tiêu chảy nhiều, ăn uống bình thường hoặc giảm ăn, khó thở, khó nằm
Trường hợp này thường do 1 số nguyên nhân sau:

- Viêm gan do nhiễm khuẩn, hoặc sán lá gan, hoặc khối u, ung thư gan.

- Bệnh về tim mạch: Suy tim, thiếu dinh dưỡng lâu này, chức năng tim suy giảm.

- Nhiễm ký sinh trùng đường máu.

Cả 2 trường hợp trên đều cần đưa tới bác sỹ thú y do việc xác định nguyên nhân và xử lý đều khá phức tạp.

Ngoài ra, hiện tượng chửa giả cũng khiến bụng chó to lên song trường hợp này dễ nhận biết và phân biệt hơn so với 2 trường hợp trên và gặp ở chó sau phối giống. Chúng tôi sẽ chia sẻ về hiện tượng chửa giả trong một bài viết khác.

13/11/2018

Chó sơ sinh ngộ độc...sữa mẹ?

Đàn chó sơ sinh của bạn tự nhiên có một hoặc nhiều con bỏ bú, kêu không ngớt, người lạnh,.... Một trong số các nguyên nhân bạn không thể bỏ qua: Chó bị ngộ độc... sữa mẹ?

Vậy tại sao lại sảy ra trường hợp này, phương pháp phòng tránh & điều trị thế nào?

Chó ngộ độc sữa mẹ & những điều bạn cần nắm chắc.

Chó ngộ độc sữa là hội chứng gặp tương đối nhiều, có thể bị ở 1 con hoặc nhiều con trong đàn chó.
Triệu chứng ngộ độc sữa ở chó thế nào?

Chó con bỏ bú, kêu thảm thiết, đau bụng, đau vùng bụng. Ngoài ra còn có hiện tượng tiêu chảy, song nhiều chủ nuôi chó không phát hiện ra điều này do chó mẹ thường liếm vệ sinh hậu môn cho chó con.

Chó con bị ngộ độc sữa còn có biểu hiện rặn nhiều lần do đó, hậu môn đỏ lên. Trường hợp nặng có thể sùi hậu môn.

Các biểu hiện có thể nhận biết khá rõ khi chó con bị ngộ độc sữa mẹ là toàn thân lạnh, tím tái. Trường hợp nặng hơn có thể co giật và tử vong trong vài giờ nếu không được xử lý kịp thời.
Phân chó con bình thường có màu vàng và hơi chua. Khi bị ngộ độc, phân tiêu chảy màu xanh và mùi khẳm.

Tại sao chó bị ngộ độc sữa?

Ở chó trưởng thành, dịch vị dạ dày có khả năng diệt khuẩn tốt (do pH < 2). Trong khi ở chó non, pH trung bình là 3, như vậy khả năng diệt khuẩn ở chó non sẽ kém hơn nhiều.

Nếu sữa mẹ bị nhiễm trùng, chó non sẽ khó có khả tự diệt khuẩn gây rối loạn tiêu hóa do vi khuẩn hoặc độc tố ví khuẩn, việc này dẫn tới ngộ độc sữa ở chó non. Có nhiều nguyên nhân gây ra nhiễm trùng sữa chó mẹ:

- Chó mẹ bị viêm vú (một hoặc nhiều bầu vú)

- Chó mẹ bị viêm tử cung, âm hộ, dịch viêm có rất nhiều vi khuẩn có hại

- Chó con dùng chân thúc vú gây trầy xước, nhiễm khuẩn.

- Khu vực đẻ của chó không sạch sẽ, ẩm ướt, lót ổ cho chó bằng khăn dẻ lau bẩn ướt...

Độc tố vi khuẩn làm viêm dạ dày ruột cấp tính, bại huyết, đau đớn, co giật, suy hô hấp & tử vong.

Làm thế nào để chẩn đoán chó con bị ngộ độc sữa?

Khi chó con có các biểu hiện: người lạnh, bỏ bú, kêu liên tục,... kiểm tra bệnh về đường sinh sản trên chó mẹ viêm vú, viêm tử cung, sờ nắm các vú của chó mẹ. Nếu có thể, lấy mẫu sữa mẹ làm kháng sinh đồ để tìm kháng sinh điều trị hiệu quả.

Phòng hội chứng ngộ độc sữa mẹ thế nào?

- Kiểm tra bệnh viêm vú, viêm tử cung cho chó mẹ.

- Kiểm tra và cắt móng cho chó con tránh việc chó con cào quá mạnh làm xước bầu vú chó mẹ

- Giữ vệ sinh: bầu vú, vùng bụng chó mẹ, khu vực ổ đẻ của chó,....

Điều trị thế nào khi chó mắc hội chứng ngộ độc sữa mẹ?
- Những chó con có biểu hiện tiêu chảy, giảm số lần bú và mỗi lần bú không cho chó con bú quá no

- Có thể sử dụng trà gừng cho chó uống điều trị đầy bụng & khó tiêu.

- Cai sữa sớm hoặc cho uống sữa ngoài nếu chó mẹ bị viêm vú, viêm tử cung chảy dịch, mủ...

- Sử dụng kháng sinh điều trị cho chó mẹ: Spiramycin ít ảnh hưởng tới tiết sữa.

Trên đây, Phòng khám đã chia sẻ tới các bạn cách nhận biết và hướng xử lý căn bản khi phát hiện tình trạng chó con bị ngộ độc sữa mẹ. Hy vọng sẽ hỗ trợ được các bạn trong quá trình chăm sóc chó con ở giai đoạn đầu tiên.

20/10/2018

Các bệnh thường gặp về mắt ở chó bạn cần phải biết

Cũng như con người chúng ta, với những chú cún đôi mắt là tài sản vô giá là "cửa sổ tâm hồn" là nơi kết nối, trao đổi, thể hiện tình cảm của chúng với mọi vật xung quanh... Sẽ rất khó khăn với chúng nếu như đôi mắt bị mờ đục rồi không còn thấy gì nữa... Do đó hãy chú ý quan sát, kiểm tra (dùng tay cái của mình nhẹ nhàng vạch nhẹ mắt của cún kiểm tra niêm nạc mắt của cún) ngay tại nhà để sớm phát hiện ra những biểu hiện bất thường để có biện pháp điều trị thích hợp và kịp thời để chú chó của chúng ta được sống vui tươi và khỏe.

Những biểu hiện sau đây cho thấy chó nhà bạn đang mắc phải các bệnh về mắt:
– Mắt chó có rỉ hoặc mủ ở khóe mắt.
– Chó chảy nước mắt.
– Niêm mạc mắt chó có màu trắng hoặc đỏ.
– Phần lông ở khóe mắt và sống mũi chó chuyển màu (thường là đỏ) tạo thành vệt dài như vệt nước mắt.
– Một hoặc cả hai mắt chó bị đóng lại.
– Mắt chó vẩn đục hoặc chuyển màu mắt.
– Mắt chó xuất hiện mí mắt thứ ba.
– Hai bên con ngươi của chó có kích thước không đều.

Sau đây là một số bệnh về mắt thường gặp ở chó nguyên nhân và cách điều trị:

1. Chó bị chảy nước mắt thường xuyên: ( hình 1 )

Nguyên nhân: Đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nhiễm mắt hay bị khối u ở mắt. Có rất nhiều nguyên nhân có thể là do mắt bị bụi bẩn, bị vật lạ nằm trong mắt, mắt không được vệ sinh sạch sẽ hoặc mắt bị tổn thương ở phần niêm mạc, giác mạc và do tuyến nước mắt bị viêm, hay bị u.

Điều trị: Vệ sinh sạch sẽ vùng mặt và mắt cho chó: Dùng nước muối sinh lý NaCl 0.9% nhỏ mắt hàng ngày sau đó nhỏ thuốc kháng sinh nhỏ mắt (có thể tham khảo loại ciprofloxacin, gentamycin hoặc terramycin) để điều trị cho chó. Những vết thương, lở loét nhẹ ở trong mắt được trị lành bệnh dễ dàng nhanh chóng, sau 5 đến 7 ngày nhỏ thuốc đau mắt. Nếu chó thường xuyên bị chảy nước mắt nhiều, kèm theo biểu hiện như mắt sưng đỏ, dụi mắt liên tục... mà nhỏ kháng sinh không khỏi thì có thể chó của bạn mắc các chứng bệnh nặng hơn dưới đây và bạn cần phải mang chó đến gặp bác sĩ thú y để được chuẩn đoán, điều trị.

2. Bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ( hình 2 )

Nguyên nhân: Dấu hiệu bệnh viêm kết mạng là hiện tượng mắt bị đỏ, kết mạc bị sưng lên, mắt trở nên đục, chảy nhiều nước mắt, sưng mủ nhầy, chó thường nheo mắt lại và sợ ánh sáng, mí mắt dần bị dính chặt với nhau và bị co giật.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm kết mạc ở chó chủ yếu là do nhiễm trùng mắt, bị vật lạ, cành cây, các loại thuốc hóa chất, xà phòng hay các loại côn trùng bay vào mắt... hay hay những giống chó lông dài dễ có nguy cơ bị tổn thương mắt nếu như không được tỉa lông gọn gàng... làm tổn thương đến các mô, giác mạc của mắt, gây viêm nhiễm dẫn đến mắt bị sưng, mưng đỏ hoặc có thể do các nguyên nhân nặng hơn như mắt chó có máu dư thừa trong mí mắt (gọi là sung huyết), bị viêm mí mắt, viêm giác mạc, viêm kết mạc hay bị xuất huyết mắt...

Điều trị: Bệnh viêm kết mạc cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu chậm trễ sẽ gây loét giác mạc và mất thị lực. Để chữa trị được căn bệnh này cần nhờ đến sự khám chữa của bác sĩ thú y để kiểm tra và giải phẩu mắt cho chó. Vệ sinh mắt cho chó bằng cách dùng bông lau (vải mềm) có tẩm dung dịch axitboric 2% hoặc nước muối sinh lý 0,9% lau quanh mắt, vùng mặt cho chó. Cắt tỉa các vùng lông dài rậm quanh mắt, tai, râu ria trên mặt cho chó. Tránh cho chó tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.

Bệnh đỏ mắt ở chó là một chứng bệnh nặng mà bạn cần phải đưa ngay đến bác sĩ thú y để khám bằng cách xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm mắt để kiểm tra tình trạng bệnh tật ở mắt chó. Bệnh đau mắt đỏ sẽ dễ dàng nhận biết khi thấy mắt chó có sự đổi màu khác biệt, nếu bạn sớm phát hiện được dấu hiệu đau mắt đỏ ở chó, thì sẽ dễ dàng để chữa trị hơn.

3. Chó bị khô giác mạc (dry eye) ( hình 3 )

Bệnh khô giác mạc này còn gọi là Keratocon-jonctivitis. Khô mắt là một bệnh tương đối phổ biến của con chó và gây giảm tiết nước mắt. Chó bị khô mắt là do rối loạn của tuyến mắt nên không sản xuất đủ nước mắt để giữ cho đôi mắt được bôi trơn đầy đủ, từ đó làm cho giác mạc và kết mạc bị khô, dày, màu đỏ, kích ứng và viêm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, khô mắt có thể dẫn đến viêm loét và gây ra sẹo giác mạc, nhiễm trùng mắt, suy giảm thị lực và có thể dẫn đến mù lòa.
Bệnh này thường thấy ở những giống chó nhỏ con, chó lông xù Bắc Kinh, giống chó lùn, nhỏ, chó mũi tẹt, chó Cocker Spaniels, Bulldogs, West Highland White Terriers, Lhasa Apso, và Shih Tzus. Chó có đôi mắt lồi dễ bị khô mắt hoặc dễ bị viêm giác mạc hơn các giống chó khác do mí mắt không khép kín khi ngủ nên một phần mắt không được tiếp xúc với nước mắt nên sẽ bị khô. Diện tích của mắt và chung quanh giác mạc thường là khô vì thiếu nước mắt, do đó mắt dễ bị lở loét, ung nhọt, làm sưng lên ở phía trong của mắt, rồi giác mạc của mắt trở nên mờ mờ.

Có khoảng 80% số chó bị khô mắt do vấn đề về miễn dịch. Các tuyến lệ bị viêm và không thể sản xuất nhiều nước mắt như bình thường để bôi trơn giác mạc dẫn đến mắt bị khô và ngứa. Khô mắt cũng có thể xảy ra thứ phát do gây mê tổng quát và atropin gây ra hội chứng khô mắt thoáng qua, do chấn thương, do phẫu thuật cắt bỏ mi mắt thứ ba, do độc tính của thuốc nhóm sulfa và nhiều bệnh như suy giáp, bệnh Carre, bệnh tiểu đường cũng có thể đóng một vai trò trong chứng khô mắt.

Điều trị: Trị liệu bệnh viêm giác mạc phải tìm cho ra nguyên nhân. Trước tiên hãy giữ mắt của chó được sạch sẽ bằng cách lau nhẹ nhàng các chất tiết trước khi nhỏ thuốc. Để điều trị trường hợp khô mắt là dùng dung dịch nước mắt nhân tạo để nhỏ mắt. Dung dịch nước mắt nhân tạo là một chất bôi trơn dùng để dưỡng ẩm cho đôi mắt. Nó ngăn ngừa kích ứng và làm giảm khô mắt do giảm tiết nước mắt. Thuốc mỡ cyclosporine được sử dụng nếu con chó của bạn bị khô mắt do miễn dịch qua trung gian. Pilocarpine được sử dụng nếu con chó của bạn bị khô mắt do thần kinh. Pilocarpine có thể khó chịu, đặc biệt là khi nhãn cầu bị khô. Để giảm kích ứng, bạn nên nhỏ nước mắt nhân tạo trước khoảng 5 phút rồi mới dùng pilocarpine. Kháng sinh tại chỗ, chẳng hạn như Terramycin và Gentamicin nhãn khoa được dùng nếu vật nuôi của bạn có nhiễm trùng giác mạc.

4. Bệnh tăng nhãn áp (xanh mắt, Glaucoma) ( hình 4 )

Nguyên nhân: Bệnh xanh mắt hay là bệnh đau con ngươi của mắt nên hóa ra sắc lục, con ngươi nở rộng và giác mạc có màu xanh, thị lực loạn xạ, không rõ ràng. Sự tăng, ép ở các tế bào bên trong của mắt quá độ (tăng nhãn áp) gây làm chảy nước mắt liên tục, đau đớn, mắt sưng phồng to lên, dẫn đến mất hẳn thị giác. Nguyên nhân gây bệnh có thể do mắt bị nhiễm trùng, thần kính mắt (Lens) bị hư hỏng, do bướu, tai nạn, cũng có thể do bẩm sinh (Congenital) mà ra. Chỉ khi nào nước mắt ở trong mắt hoạt động bình thường, nhãn áp ở mắt giảm xuống thì mắt chỉ đỡ đau mà thôi.

Điều trị: Dùng thuốc và giải phẫu để làm giảm bớt nhãn áp, nhưng điều trị và giải phẫu đôi khi cũng không mang kết quả như mong muốn.

5. Chó bị mộng mắt, u cục ở mắt ( hình 5 )

Nguyên nhân: Với nhiều cá thể chó, đang rất bình thường bỗng nhiên lại bị dị tật ở mắt hoặc có những mộng, khố u thịt lồi lên ở hốc mắt. Nguyên nhân chính là bởi chó bị viêm phần tuyến lệ hay viêm my mắt. Chó bị đau mắt khiến cho chó kém hoạt động, gây cản trở tầm nhìn của chó, và để lâu dài rất có thể chó sẽ bị hỏng mắt nếu bạn không chữa trị cho chúng.

Điều trị: Trong những trường hợp chó bị đau mắt kiểu dạng như thế này, cách tốt nhất là bạnhãy mang chú chó đến để bác sĩ thú y khám và có thể mổ mắt cho chúng. Những khối u này thường là lành tính, tỉ lệ thành công cao và xác xuất tái bệnh chỉ khoảng 10%.

6. Chó bị đục thủy tinh thể ( hình 6 )

Nguyên nhân: Chó bị đục thủy tinh thể là một căn bệnh nguy hiểm và phổ biến nhất đối với giống chó, đặc biệt căn bệnh này thường gặp phải ở những con chó lớn tuổi. Đục thủy tinh thể là hiện tượng mắt trở nên đục màu, mắt kéo màng, sưng mủ, chảy nhiều nước mắt và ghèn, nhãn cầu bị sung to lên khiến thị lực suy giảm có thể gây mù lòa. Bệnh đục thủy tinh thể thường gặp ở chó bị bệnh tiểu đường hoặc cũng có thể do di truyền, chủ yếu ở các giống chó như chó xù Miniature, chó săn Boston, chó Husky....

Điều trị: Mang chó ngay đến gặp bác sĩ thú y để kiểm tra và điều trị sớm nhất có thể nếu không sẽ dẫn đến thương tổn nặng nề và chó rất dễ sẽ bị mù.

7. Quặm lông mi ở mắt chó ( hình 7 )

Nguyên nhân: Đây là bệnh di truyền, do những sợi lông mi bị mọc ngược chọc vào phía trong mắt khiến mắt chó bị đau, viêm loét giác mạc, chảy nước mắt và sưng mủ ở vùng mí mắt, hốc mắt gây khó chịu cho chó, khiến thị lực gặp vấn đề. Bệnh này thường xảy ra ở một số giống chó nhỏ và chó to lớn có khuôn mặt gãy, mũi ngắn, vùng da mặt nhăn nheo và nhiều sợi lông rậm phủ khắp mặt như giống chó mặt khỉ, chó chow chow, chó pug, chó Japanese chin hay chó sục yorkshire...

Điều trị: Cách điều trị tận gốc và hiệu quả nhất với bệnh quặm lông mi ở chó là tiến hành phẫu thuật mắt cho chó bởi các bác sĩ thú y. Ngoài ra, chú ý đến việc vệ sinh, chăm sóc đôi mắt cho chó bằng cách vệ sinh sinh vùng mặt, nhỏ nước muối sinh lý, cắt tỉa vùng lông rậm quan mắt, những sợi lông mi quặm chọc vào mắt chó...

20/10/2018

Phát hiện chó mèo có cục tròn sau đó loét rộng là bị bệnh gì?

Phần lớn các bạn nuôi chó giờ đã đều tự điều trị bệnh và tiêm phòng cho chó của mình, đặc biệt với những bạn nuôi với quy mô lớn hoặc nuôi chó sinh sản. Việc tự điều trị này giúp các bạn tiết kiệm được rất nhiều chi phí, song cũng đòi hỏi các bạn cần biết về cách sử dụng thuốc (đối kháng, bổ trợ) và cần có kỹ thuật tiêm "chắc tay" - Đây là 2 vấn đề rất quan trọng. Bởi nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng tác dụng của thuốc và kết quả điều trị.

Trường hợp mà tôi thấy nhiều nhất là các bạn đưa sai thuốc hoặc tiêm sai kỹ thuật gây hoại tử ở khu vực tiêm. Giờ, hãy tìm hiểu rõ hơn các nguyên nhân, cách nhận biết và phương pháp xử lý các vấn đề có thể gặp phải khi bạn đưa sai thuốc vào cơ thể thú cưng nhé.

1. Các Phương pháp đưa thuốc vào cơ thể chó mèo.

Không bàn quá sâu vào chuyên ngành thú y, và mình cũng sẽ dùng các thuật ngữ dễ hiểu nhất để tất cả mọi người (kể cả không học thú y) vẫn có thể hiểu.

Xét riêng lĩnh vực thú cưng, có 3 phương pháp hay được sử dụng nhất để đưa thuốc vào cơ thể thú cưng : Tiêm dưới da (phổ biến nhất), tiêm bắp, và tiêm - truyền tĩnh mạch.

A. Tiêm dưới da.

- Là phương pháp phổ biến nhất, bởi nó dễ thực hiện nhất và rất rất nhiều thuốc có thể sử dụng bằng cách này.

- Kỹ thuật tiêm này rất đơn giản : Sát trùng khu vực tiêm, các bạn dùng 3 ngón tay, kéo da của chó, mèo lên sau đó cho đưa mũi kim vào trong phần da đó, bơm thuốc vào .

Tuy nhiên ở phương pháp này các bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Một số thuốc không được phép tiêm dưới da : Phổ biến nhất là một số loại thuốc bổ sung Canxi - truyền tĩnh mạch, và nếu các bạn tiêm dưới da sẽ gây hoại tử, thối thịt khu vực này. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân thường gặp gây hoại tử.

Vì vậy, trước khi tiêm, các bạn hãy đọc thật kỹ xem thuốc này có được phép tiêm dưới da không.

- Bạn tiêm chưa qua da, tiêm vào da. Kỹ thuật tiêm vào da thường được sử dụng trong trường hợp gây tê cục bộ (gây tê xung quanh khu vực tiêm). Việc này làm mất tác dụng của thuốc và cũng rất nhiều trường hợp hoại tử khu vực này khi bạn đưa lượng thuốc vào tương đối lớn.

- Còn một cách sai kỹ thuật nữa, tuy không gây hoại tử, nhưng làm mất tác dụng thuốc: các bạn đâm kim xuyên qua da, việc này gây ra 1 trong 2 tình trạng, hoặc là bơm thuốc ra ngoài cơ thể, hoặc là đâm kim vào tay.

B. Tiêm bắp - Tiêm vào khu vực cơ

- Nguyên nhân gây hoại tử cũng chủ yếu do các bạn sử dụng sai thuốc (thuốc không được phép tiêm bắp), tiêm sai kỹ thuật, hoặc tiêm lượng lớn thuốc (quá liều).
- Cách tiêm : Sát trùng khu vực tiêm, dùng tay kéo căng khu vực cơ đó ra, đưa kim vào vừa đủ và tiêm.

Lưu ý tiêm sai thường gặp : Đâm kim quá sâu vào cơ quan nội tạng, xương,.... Hoặc đâm kim quá nông thành ra tiêm dưới da. Đưa thuốc quá nhiều vào khiến không phân tán được hết gây hoại tử.

C. Tiêm - truyền tĩnh mạch.

- Đưa thẳng thuốc vào mạch máu. (Kỹ thuật xin phép giới thiệu với các bạn ở bài khác, vì nó khá tỉ mỉ).
- Trường hợp gây hoại tử thường gặp là do truyền thuốc trệch ven (mạch máu) hoặc truyền lượng lớn thuốc ra ngoài, không vào đúng mạch máu.

2. Biểu hiện nào nhận biết bạn đã đưa sai thuốc hoặc tiêm sai kỹ thuật?

Sẽ mất vài ngày, có khi cả tuần thì bạn mới nhìn thấy khu vực hoại tử - loét ra ở trên bề mặt da. Nên nhận biết sớm là điều rất quan trọng.

Biểu hiện đầu tiên bạn có thể thấy : Nổi tròn một cục (to hay nhỏ tùy thuộc lượng thuốc bạn đưa vào). Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể nhìn thấy rõ ràng, đôi khi, bạn phải sờ tay vào mới thấy. Thông thường cục này sé khá cứng, tuy nhiên một số trường hợp cũng mềm. Nói chung là nổi cục ở đó.

Trường hợp tiêm truyền tĩnh mạch thì bạn sẽ thấy luôn: Khu vực đâm kim bị phồng lên, hoặc nước truyền không tiếp tục chảy nữa.

Sau đó chó, mèo sẽ thấy khó chịu ở khu vực này, liên tục liếm, gãi (một số con còn kêu sủa ing ỏi)

Khoảng 1 tuần, Bạn sẽ thấy rõ ràng luôn, ở vị trí tiêm "thủng" một vết hình tròn sâu, hở cả một phần thịt màu đỏ, đôi khi chỗ ở không sạch có cả ruồi bâu quanh.

3. Khi phát hiện ngay từ sớm bắt đầu sưng phồng, cục tròn nên làm gì?

Khi bạn phát hiện sự sưng phồng vón cục bạn xử lý như sau: Lấy tay day, xoa nhẹ vào chỗ vón đó ngày 2 lần, một lần sáng, một lần chiều, mỗi lần khoảng 5 - 10 phút. Sau tầm 3-4 ngày sẽ tan hết chỗ thuốc đó ra.

Nếu trong trường hợp bạn đang truyền nước, khóa van truyền, dừng truyền nước, rút kim ra và xoa nhẹ khu vực bị phồng.

Nếu có thời gian, hãy chườm nóng cho chó mèo bằng cám gạo rang nóng, sau đó cho vào dẻ, khăn sạch và chườm.

Lưu ý : Sau khi tiêm bị phồng 1 tuần, phải tiêm lại đặc biệt với vacxin.

4. Khi đã bị vỡ loét (hoại tử) thì xử lý thế nào?

Tốt nhất bạn nên mang tới bác sỹ thú y, phòng khám, kiểm tra. Nếu vết loét (hoại tử) nhỏ, chỉ cần sát trùng sạch sẽ, cạo gọn lông, và để tự liền, Nếu vết loét lớn phải tiền hành sát trùng và khâu lại, sát trùng lại lần nữa

Xử lý trường hợp này cần đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm trùng, chính xác nên bạn nên mang tới những bác sỹ có kinh nghiệm ngoại khoa.

Theo dõi, chăm sóc sau khi được khâu, hoặc chờ vết lành cũng cần rất cẩn thận, tránh nhiễm trùng và tránh chó, mèo liếm khu vực đó sẽ rất lâu lành.

5. Những lưu ý khi tự tiêm để tránh gây hoại tử.

Mặc dù đã nói ở trên, nhưng mình vẫn cần các bạn ghi nhớ những điều này để tránh trường hợp chó bị hoại tử.

- Tìm hiểu kỹ : Loại thuốc nào được tiêm bắp, loại thuốc nào được truyền tĩnh mạch, loại thuốc nào được tiêm dưới da. Nếu kết hợp thuốc phải kiểm tra xem khi trộn 2 loại thuốc lại với nhau có bị kết tủa không.

- Kiểm tra lại : Sau khi tiêm xong, hãy kiểm tra lại khu vực vừa tiêm, nếu phát hiện vón cục, phải xử lý luôn.

- Tiêm lại : Sau khi tiêm bị vón cục, bạn cần tiến hành tiêm lại mũi khác, đặc biệt là với vacxin.

14/08/2018

7 điều khiến bạn sẽ muốn nuôi mèo ngay lập tức!

1. Sạch sẽ

Điều mà mọi người nuôi thú cưng đều mong muốn. Mèo là loài khá sạch sẽ, kể cả trong việc đi WC, nếu dậy được chúng đi WC đúng chỗ thì bạn không còn phải lo lắng điều gì về con mèo của mình cả, nhưng nếu không được thì bạn sẽ chịu hậu quả thật kinh khủng.......

Ngoài ra, trong điều kiện sức khỏe tốt, mèo rất ít và gần như là không có mùi, và rụng lông tương đối ít (điều này thường trái ngược với chó).

2. Không gian cho mèo.

Mèo không cần quá nhiều không gian. Chúng có thể hoạt động trong nhà, hoặc trong một phạm vi khá hẹp. Như thế với chúng cũng đủ rồi.

3. Độc lập.

Mèo là loài động vật có tính độc lập rất cao, vẫn nên chúng có khả năng ở một mình cả tuần trời mà không cần chăm sóc quá kỹ (tất nhiên là với điều kiện đủ thức ăn và nước uống, không thể bắt chúng nhịn ăn và uống cả tuần được).

4. Mèo là loài động vật yên tĩnh.

Mèo thường không cần vận động nhiều như chó (kể cả mèo con), chúng thường có xu hướng trầm tính hơn. Nếu hàng ngày bạn cần giành thời gian để dắt chó đi dạo thì với mèo, bạn chỉ cần ngồi vuốt ve và thưởng thức tiếng “meo meo” nhẹ nhàng của chúng là đủ.

Chúng cũng ít phá phách nhà hàng xóm, ít quậy phá đồ trong nhà hơn. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì chúng giành tới 70% thời gian cuộc đời để ngủ mà.

5. Giảm động vật gặm nhấm.

Điều này thì chắc quá rồi, chúng là thiên địch của chuột mà. Ngoài ra, thói quen của mèo là rình và bắt tất cả những gì nhỏ và chuyển động nên dán, chuột... sẽ trở thành mục tiêu để chúng tấn công. (Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ chuột tấn công mèo, hay mèo và chuột sống cùng nhau).

6. Người nuôi chó và mèo khác nhau thế nào?

Theo thống kê cho thấy một điều khá thú vị về chủ những chú mèo đó là những người nuôi mèo thường là những người thông minh, sáng tạo.

Còn những người nuôi chó là những thích nguyên tắc, và có tất nhiên là họ có tư duy logic.

7. Mèo hợp với những người thế nào?

Với đầy đủ những tính cách trên, mèo khá phù hợp với những người

- Làm việc bận rộn, ít thời gian.

- Ít di chuyển do tuổi già hoặc tình trạng sức khỏe không tốt.

- Thiếu thời gian,sức lực hoặc cảm hứng.

🐶🐶🐶🐶🐾🐾🐾🐾🐕Các bạn có bao nhiêu lý do trong 7 lý do trên?

Bạn nghĩ thế nào về những điều này?

Vậy còn chờ gì nữa mà không chọn ngay cho mình một chú mèo làm bạn....

25/07/2018

Khẩu phần ăn cho mèo như thế nào là tốt nhất?

Nhu cầu dinh dưỡng của mèo biến đổi trong suốt quá trình mèo phát triển. Đồng thời bạn cũng biết, mèo uống ít nước hơn các loài vật khác khá nhiều. Vậy, chọn khẩu phần ăn cho mèo như thế nào mới là phù hợp nhất? - Vừa giúp mèo phát triển tốt và toàn diện, vừa giảm thiểu tối đa bệnh cho mèo trong quá trình chăm sóc.

1. Khẩu phần ăn cho mèo từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi.

Trong giai đoạn đầu này, mèo cần chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý để có một nền tảng sức khỏe tốt trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đường ruột của mèo chưa hoàn thiện, nên chúng ta cần chăm sóc thật kỹ, tránh tình trạng mèo bị tiêu chảy.

Bạn hoàn toàn có thể cho mèo tập ăn từ 4-5 tuần tuổi. Trong giai đoạn này, khẩu phần ăn tốt nhất cho mèo là thức ăn hạt cho mèo con. Thức ăn hạt cung cấp đủ chất đạm (Protein) và dinh dưỡng khác để mèo phát triển.

Mỗi ngày nên cho mèo ăn 5-6 lần.

(Lưu ý: giai đoạn trước 4 tuần tốt nhất là mèo con phải được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ).



Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tới độ ẩm của thức ăn hạt.

Nếu thức ăn hạt cho mèo có độ ẩm thấp (10%) thì bạn nên trộn thêm chúng với sữa cho mèo hoặc nước ấm. Chờ 1 lúc (3-6 phút) để thức ăn mềm ra và cho mèo ăn.

Ngoài ra, bạn có thể chọn thực phẩn đóng hộp có hàm lượng nước cao. Thức ăn đóng hộp cho mèo thường chứa 75% thành phần nước, đây là chất bổ sung rất tuyệt vời.

2. Khẩu phần ăn cho mèo trưởng thành từ 1 - 6 tuổi.


Mèo trưởng thành cần chế độ ăn bổ dưỡng và cân bằng để duy trì sức khỏe và cân nặng. Bạn có thể chọn cho mèo thức ăn giàu chất chống oxi hóa có nguồn gốc tự nhiên.

Trong giai đoạn này, mèo đã hoàn thiện về đường tiêu hóa, ngoài việc cho mèo ăn thức ăn hạt (thức ăn hạt giành cho mèo trưởng thành) thì bạn có thể tự làm thức ăn cho mèo.

Cách làm đơn giản nhất là bạn mua thịt, cá hoặc gà tươi sau đó trộn với gạo và nấu lên.

Lưu ý khi dùng cách này là cá hoặc gà bạn phải xay nhỏ xương, hoặc bỏ xương.

Ngoài ra, bạn có thể chọn thức ăn xay, cá hộp trộn cùng cơm cho mèo ăn.

3. Khẩu phần ăn cho mèo gồm bao nhiêu thứ?


Thật ra không có đáp án cho câu hỏi này. Tùy thuộc vào tình trạng mèo nhà bạn, cân nặng, sức khỏe, mức hoạt động để quyết định.

Bạn có thể tham khảo mức năng lượng tiêu chuẩn: 3,6kg cần 250 Calo/ ngày để duy trì sức khỏe và dinh dưỡng. 250 Calo tương được 170gr thức ăn ướt.

Một số thông số bạn có thể tham khảo khi chọn khẩu phần ăn cho mèo

Thức ăn khô (hạt) chế biến sẵn: độ ẩm 10%

Thức ăn ẩm (hạt) chế biến sẵn: độ ẩm 40-50%

Thức ăn đóng hộp : Độ ẩm 75-85%

Điều cần lưu ý nhất vẫn là lượng nước cung cấp cho mèo do mèo uống nước khá ít. Nên tùy cách bạn chọn khẩu phần ăn cho mèo mà có cách bổ sung nước cho phù hợp.

Address

Xa Phuong Lam
084

Telephone

0919999999

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Phòng khám Thú Y Quỳnh posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share

Category