Vỗ Béo Vật Nuôi GREEN Free “ AN TOÀN - HIỆU QUẢ “

  • Home
  • Vietnam
  • Hanoi
  • Vỗ Béo Vật Nuôi GREEN Free “ AN TOÀN - HIỆU QUẢ “

Vỗ Béo Vật Nuôi GREEN Free “ AN TOÀN - HIỆU QUẢ “ sản phẩm vỗ béo vật nuôi green free an toàn với cả vật nuôi và người tiêu dùng, hiệu quả nhanh sau vài ngày

Chăm sóc và nuôi dưỡng nái mang thai30/11/2021Việc chăm sóc heo nái mang thai rất quan trọng đối với sự thành công của n...
30/11/2021

Chăm sóc và nuôi dưỡng nái mang thai
30/11/2021
Việc chăm sóc heo nái mang thai rất quan trọng đối với sự thành công của người chăn.Sau khi phối 21 ngày không thấy nái động dục trở lại xem như đã mang thai.
Thời gian mang kéo dài từ 3 tháng + 3 tuần + 3 ngày ( trung bình từ 114 – 116 ngày). Nhưng nếu nái sinh sớm từ ngày 108 trở lại thường rất khó nuôi con, dù có sữa nhưng con yếu ớt, sức bú mẹ kém và khả năng đề kháng kém nên tỷ lệ nuôi sống thấp. Trong thời kỳ mang thai có thể chia ra làm 2 giai đoạn như sau:



1. Giai đoạn chửa kỳ 1: 1-84 ngày mang thai



Thời kỳ này phôi và thai còn nhỏ, sử dụng ít chất trong máu của mẹ, dưỡng chất còn lại nái dùng để dự trữ tạo sữa sau này. Thiếu chất dinh dưỡng trong giai đoạn này có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phôi thai như hiện tượng tiêu phôi, nái còn ít thai sống khi đẻ mà chứa nhiều thôi khô (thai gỗ). Thừa chất dinh dưỡng cũng dẫn đến tiêu phôi và làm nái trở nên mập mỡ. Nái khi cai sữa quá gầy ốm không dự trữ đủ dưỡng chất trong giai đoạn này sẽ thiếu sữa khi cho con bú trong lứa đẻ kế tiếp. Vì vậy phải định lượng thức ăn cho nái ở giai đoạn này phải hết sức chặt chẽ.
Thường trong giai đoạn mang thai kỳ một khẩu phần ăn : 1,8 -2 kg thức ăn.



2. Giai đoạn chửa kỳ 2 : 85 ngày – 110 ngày



Đây là thời kỳ thai đã lớn và sử dụng nhiều dưỡng chất trong máu mẹ để phát triển. Do đó việc bổ sung dưỡng chất đầy đủ trong giai đoạn này là rất quan trọng.



Khác với thời kỳ 1, thời kỳ này cần cho nái vận động để có hệ cơ tốt, chân khỏe, khung xương chậu nở rộng( đối với nái đẻ lứa đầu), nên cho nái ra sân cỏ hay sân cát vận động tùy thích, tiếp xúc với môi trường tự nhiên, để tăng sức đề kháng bệnh và nhờ đó gia tăng hàm lượng kháng thể chống bệnh cho heo con trong sữa đầu.



Ở thời kỳ này, tầm vóc nái năng nề chuồng trại phải khô tránh mưa, gió lùa, mật độ phù hợp, theo dõi kỹ bộ vú và bộ phận sinh dục, vệ sinh chuồng đẻ…



Thời kỳ này khẩu phần ăn của nái vẫn giữ nguyên như thời kỳ 1.



3. Giai đoạn chửa kỳ 3: 110 -116 ngày(sinh)



Lúc này nái sắp đẻ nên chuyển nái đến chuồng đẻ. Khu chuồng đẻ cần phải vệ sinh trước đó và chuẩn bị chuồng úm cho lợn con.



Khẩu phần ăn của lợn trong giai đoạn này cân giảm dần cho đến lúc nái đẻ: 2,5kg – 2kg – 1,5kg – 1kg – 0,5kg – 0. Việc giảm khẩu phần ăn cho nái khi gần đến ngày sinh, giúp cho bào thai không bị chèn ép và tạo stress làm cho nái tăng tiết hoocmon, làm nái dễ đẻ.

Người chăn nuôi thực hiện ‘5 không’ để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi29/11/2021Tỉnh Quảng Trị hiện đang bước vào giai...
29/11/2021

Người chăn nuôi thực hiện ‘5 không’ để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi
29/11/2021
Tỉnh Quảng Trị hiện đang bước vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa và diễn biến phức tạp. Mưa rét kéo dài đan xen những ngày nắng ấm đã tác động bất lợi đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, trong đó có con lợn. Tại địa bàn tỉnh, quy mô chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong nông hộ đang còn phổ biến. Sau một thời gian khá dài, trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn Châu Phi ít xuất hiện nên người chăn nuôi và một số địa phương chủ quan, chưa tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cần thiết. Việc tiêm phòng các loại bệnh cho lợn đạt tỉ lệ thấp, triển khai chậm so với thời điểm có nguy cơ cao làm phát sinh dịch bệnh. Do vậy, khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại như hiện nay đã gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi lợn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 543 hộ, 152 thôn, 62 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 4.159 con lợn, trong đó có 695 con lợn nái, 2.626 con lợn thịt và 838 con lợn sữa bị bệnh chết, buộc chôn hủy với tổng trọng lượng tiêu hủy 195.416 kg (lợn nái 112.143 kg, lợn thịt 79.452 kg, lợn sữa 3.821 kg). Trong 9 tháng đầu năm, dịch xảy ra nhỏ lẻ, rải rác tại 53 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, dịch bùng phát trở lại và có chiều hướng lây lan nhanh tại 33 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã, thành phố làm 1.392 con lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy với tổng trọng lượng 76.509 kg.



Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan, UBND tỉnh đã có công văn số 5715/UBND-NN ngày 23/11/2021 về việc tập trung chỉ đạo phòng, chống, kiểm soát bệnh DTLCP. Trong đó nêu rõ, đối với các địa phương phải xác định phòng, chống bệnh DTLCP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hiện nay. Phải tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Cùng với đó là kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh; quản lý chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn đến từng trang trại, từng hộ dân; nhanh chóng phát hiện, cô lập, khống chế và xử lý triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất. Tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các phương án phòng, chống đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 2815/QĐ-UBND ngày 29/9/2020 về Kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hóa chất, kinh phí để chủ động phòng, chống dịch với phương châm “Huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, hộ giữ hộ”.



Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tiến hành tái đàn lợn trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Do vậy, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần tổ chức quản ý chặt chẽ công tác tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn, đảm bảo không để tái phát bệnh DTLCP. Xử lý nghiêm những trường hợp tái đàn không khai báo, không đảm bảo điều kiện để xảy ra dịch bệnh và không thực hiện hỗ trợ kinh phí khi có lợn phải tiêu hủy do mắc bệnh đối với những trường hợp vi phạm theo quy định. Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn chết, lợn bệnh kịp thời, đảm bảo yêu cầu, không để lây lan dịch bệnh, không để gây ô nhiễm môi trường.



Các địa phương khẩn trương rà soát và tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tai xanh… cho đàn lợn. Hộ chăn nuôi không thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định, để dịch xảy ra bắt buộc tiêu hủy và không được hỗ trợ. Các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến tận cơ sở, đến từng hội viên, từng hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và cam kết báo cáo ngay khi phát hiện dịch bệnh trên đàn lợn, không giấu dịch. Tuyên truyền và yêu cầu người chăn nuôi thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm thức ăn cho lợn.


Chính quyền các xã, thị trấn trong tỉnh tập trung quản lý các hộ có kinh doanh động vật trên địa bàn, cam kết không mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch. Tổ chức việc vệ sinh tiêu độc định kỳ trên địa bàn bằng các loại hóa chất có hiệu quả cao, an toàn. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện việc đăng ký kê khai ban đầu theo quy định; chủ động thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi định kỳ. Tuyệt đối không cho vật nuôi khác vào chuồng. Sử dụng lưới bảo vệ chuồng trại để hạn chế tối đa côn trùng, chuột vào chuồng nuôi.



Trong điều kiện bệnh DTLCP diễn biến phức tạp như hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng, chống đối với bệnh. Chuẩn bị đủ hóa chất, vật tư để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; kiểm soát giết mổ tại các cơ sở, điểm giết mổ lợn, các chợ và các nơi có nguy cơ cao trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương mới xuất hiện dịch, tái phát dịch sau 21 ngày. Tăng cường công tác giám sát đến tận hộ nuôi lợn, tận trang trại chăn nuôi lợn; tổ chức quản lý các cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán lợn và sản phẩm lợn; cam kết không mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn chưa qua kiểm dịch.



Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thường xuyên các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Xây dựng kế hoạch và chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh DTLCP để phát hiện sớm, cảnh báo và kịp thời tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, phòng, chống kịp thời, hiệu quả.



Có một thực tế là hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, quy mô nông hộ chiếm tỉ lệ cao. Với hình thức chăn nuôi truyền thống, các hộ tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, đất đai, công lao động nhàn rỗi. Song cũng vì thế mà tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc chuyển dần sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là rất thiết thực. Hướng chăn nuôi mới này đem đến nhiều lợi ích rõ rệt như giảm tỉ lệ dịch bệnh do có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường. Từ đó hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng thu nhập cho người nuôi.

Có nên sử dụng bột cá trong khẩu phần heo con ?28/11/2021Gần đây có một số ý tưởng mới về việc bột cá nên được xem xét l...
28/11/2021

Có nên sử dụng bột cá trong khẩu phần heo con ?
28/11/2021
Gần đây có một số ý tưởng mới về việc bột cá nên được xem xét lại như một nguyên liệu cho khẩu phần heo con.



Rất lâu trước khi các nguyên liệu đặc biệt và phụ gia được phát hiện, thì thức ăn heo con chỉ đơn giản từ bột bắp và khô dầu đậu nành, và được bổ sung các sản phẩm sữa (chủ yếu là váng sữa) và bột cá. Váng sữa rất quan trọng đối với lượng ăn vào, nhưng bột cá mới tạo ra sự khác biệt thực sự, bột cá không chỉ là một nguyên liệu ngon miệng mà còn là một nguồn protein tiêu hóa cao.



Hàm lượng bột cá trong thức ăn thường không vượt quá 10%, bởi vì heo con thường từ chối ăn khẩu phần có hơn 1% dầu cá. Mà trong hầu hết các loại bột cá thường có khoảng 10% dầu, do đó khẩu phần chứa 10% bột cá sẽ chứa khoảng 1% dầu cá. Khi heo con lớn lên, việc sử dụng bột cá sẽ giảm dần, nhưng trong một số thức ăn chất lượng cao thậm chí vẫn chứa 2.5% bột cá trong những giai đoạn sau của giai đoạn cai sữa. Một chương trình cai sữa 3 giai đoạn điển hình có thể chứa 10%, 7.5% và 2.5% bột cá ứng với từng giai đoạn; các tỷ lệ này giúp thuận tiện cho việc thao tác với các túi bột cá 25 kg trên thị trường. Nhưng, giá bột cá thường khá đắt, bột cá chất lượng cao khoảng 500-600 USD/ tấn, sau đó tăng lên 1000 USD và thậm chí 10 năm trước còn vượt quá 2000 USD/tấn. Giá hiện nay của bột cá chất lượng cao là khoảng 1500 USD/ tấn, vẫn còn quá cao.
Lý do bột cá bị loại bỏ khỏi khẩu phần heo con.



Sau đó bột cá bị loại bỏ khỏi hầu hết các công thức heo con. Đầu tiên, vì chúng quá đắt tiền – do các hoạt động đánh bắt cá giảm dần để bảo tồn nguồn cá tự nhiên và nhu cầu cao đối với thức ăn thủy sản. Thứ hai, huyết tương động vật đã được phát hiện và đòi hỏi một lượng lớn chi phí tổng hợp công thức để có hiệu quả. Với các tỷ lệ tương đương trong công thức, huyết tương động vật đã và vẫn còn gần gấp đôi giá so với bột cá. Nhưng vì kết quả khi sử dụng huyết tương động vật được coi là tốt hơn nên bột cá trở thành nguồn chi phí cắt giảm để trang trải cho chi phí này. Cả hai nguyên liệu này trong cùng một công thức là hầu như không thể vì lí do chi phí, trong khi nhiều chuyên gia dinh dưỡng thậm chí còn đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của bột cá khi thức ăn huyết tương động vật dường như vẫn cho kết quả tốt mà không cần bột cá. Tôi không chắc liệu có ai từng nghĩ đến việc sử dụng huyết tương động vật ít hơn trong khẩu phần giàu bột cá.



Ngày nay việc sử dụng huyết tương động vật không còn là một thực tiễn không có câu hỏi nữa. Giá trị của nó về năng suất vật nuôi là không bàn cãi, nhưng một số vấn đề khác song song với giá cả ngày càng tăng của huyết tương động vật đã tạo ra một sự phân ly giữa các chuyên gia dinh dưỡng. Một vài người luôn sử dụng huyết tương động vật hoặc thích sử dụng huyết tương động vật có nguồn gốc từ 1 loài cụ thể, như là huyết tương có nguồn gốc từ bò. Những người khác thì đã từ bỏ huyết tương động vật hoàn toàn, hoặc là vì đã có các nguồn thay thế như globulin miễn dịch và các thành phần tạo ra huyết tương động vật, hoặc quay trở lại với các công thức truyền thống hơn. Nếu thức ăn không quá đắt nhưng chỉ gây ảnh hưởng một ít đến lượng ăn vào và năng suất tăng trưởng thì cũng không được xem là quá tệ. Suy cho cùng, một lượng ăn vào cao kết hợp với tình trạng sức khỏe kém sẽ là công thức dẫn dến bệnh tiêu chảy, đặc biệt là ngày nay kháng sinh và kẽm oxit sẽ sớm bị cấm ở khắp nơi.



Ý tưởng mới hay cũ?



Cách đây không lâu, tôi đã nhận được một đề nghị từ một bên quan tâm để tư vấn cho họ về khả năng sử dụng bột cá trong khẩu phần heo con. Họ xem thức ăn heo con là một nhóm mục tiêu cho các sản phẩm của họ vì họ nhận thấy ngành thức ăn heo con không sử dụng nguyên liệu này. Họ rất ngạc nhiên khi tôi đưa ra cho họ xem trong các sách giáo khoa cũ đã chỉ ra rằng bột cá đã từng được xem là nguyên liệu bắt buộc đối với thức ăn heo con. Rõ ràng họ nghĩ rằng họ đã phát hiện ra một nguyên liệu mới mà họ có thể bán như một chất phụ gia nhưng họ đã bất ngờ khi nhận ra họ đã có trong tay một nguyên liệu cũ nhưng rất có giá trị.



Bột cá cần tìm một vị trí mới trong thức ăn heo con hiện đại để tái cân bằng giữa chất lượng và tiếp thị.



Ngày nay, trong các chuyên gia dinh dưỡng trên toàn thế giới sẽ có một số ví trí liên quan đến việc sử dụng bột cá. Các thế hệ trẻ thường không thực sự biết cách sử dụng nó, ngay cả việc phân biệt giữa các sản phẩm chất lượng tốt, trung bình hoặc kém. Và đối với bột cá, chất lượng đóng một vai trò rất quan trọng. Cho nên họ có xu hướng thích dùng các nguồn protein tiện lợi khác hơn, đa số có nguồn gốc thực vật. Điều này cũng phù hợp với xu hướng mới là làm cho các động vật ăn tạp ăn khẩu phần chay, vì vậy có lẽ đây cũng là cách đúng đắn cho tương lai. Các nhà dinh dưỡng lớn tuổi, những người có kinh nghiệm đáng kể với bột cá và khi thấy cách mà bột cá bị loại bỏ khỏi thức ăn heo con hiện đại (cơ bản là không có các nguyên liệu chất lượng cao mà đa số chỉ là các sản phẩm mang tính chất thương mại), họ đã sẵn sàng để sử dụng lại bột cá chất lượng cao, nhưng vấn đề nằm ở chi phí của nó quá đắt. Họ không thể loại bỏ bất kỳ sản phẩm tiếp thị nào bởi vì họ không biết làm thế nào hoặc do e ngại phản ứng dữ dội của thị trường.



Tiếp tục sử dụng bột cá theo cách nào?



Có một vài chi phí trong công thức có thể tiết kiệm được, nếu ai đó có đủ kiến thức và đủ can đảm để có thể sử dụng lại một số loại bột cá chất lượng cao vào công thức. Tuy nhiên nếu làm vậy với các sản phẩm kém chất lượng sẽ chỉ làm vấn đề trầm trọng hơn. Tất nhiên, việc sử dụng 10% bột cá vẫn là không thể, trừ khi bạn có thể điều chỉnh các thành phần đắt tiền khác, nhưng việc thêm khoảng 2.5% vào khẩu phần đã có thể tạo ra một sự khác biệt lớn trong một số công thức. Đương nhiên hiệu quả của khẩu phần phụ thuộc vào việc thiết kế khẩu phần dựa vào nguồn nguyên liệu nào, nên đây không phải là một khuyến nghị chung mà là một sự kêu gọi nghiên cứu.



Một lý do khác để sử dụng lại bột cá là nó có hàm lượng cao các axit béo omega-3, đặc biệt là những axit béo không thể tìm thấy trong thực vật như EPA và DHA. Bằng chứng gần đây chỉ ra rằng các axit béo omega-3 tác động có lợi cho sức khỏe và năng suất heo con, dù nghiên cứu vẫn còn trong giai đoạn phát triển. Mặc dù, hạt lanh là một nguồn giàu các axit béo omega-3 khác, cụ thể là ALA, nhưng tỷ lệ chuyển đổi từ ALA trong hạt lanh thành EPA và DHA không quá 20%, đây là hai axit béo cần cho sự tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm các điều kiện viêm. Một dự án nghiên cứu khác nữa cũng sẽ tiến hành nghiên cứu sử dụng các axit béo omega-3 như là một chất phụ gia kháng viêm vào khẩu phần có tỷ lệ khô dầu đậu nành cao. Khô dầu đậu nành được cho là gây ra các phản ứng dị ứng trong ruột, các phản ứng dị ứng này được xem như là biểu hiện viêm.



Do đó, bột cá không phải là một nguyên liệu mới hay cũ. Nó chỉ cần một công dụng mới, một vị trí mới trong thức ăn heo con hiện đại để cân bằng lại giữa chất lượng và tiếp thị và mang lại một số khái niệm mới.

Nuôi gà kháng bệnh để nâng cao an toàn thực phẩm26/11/2021Một thử nghiệm mới được phát triển bởi các nhà khoa học thuộc ...
27/11/2021

Nuôi gà kháng bệnh để nâng cao an toàn thực phẩm
26/11/2021
Một thử nghiệm mới được phát triển bởi các nhà khoa học thuộc Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp Mỹ (ARS) ở College Station, Texas có thể làm cho việc chăn nuôi gà kháng bệnh trở nên dễ dàng hơn.



Thử nghiệm xác định những con gà trống có máu chứa hàm lượng cao tự nhiên của hai chất chính: cytokine và chemokines. Theo nhà vi trùng học Christi Swaggerty của ARS tại Đơn vị Nghiên cứu An toàn thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi, các chất này đã thúc đẩy phản ứng miễn dịch bẩm sinh của gà.



Áp dụng thử nghiệm mới này, các nhà chăn nuôi gia cầm thương phẩm có thể chọn ra những con gà có phản ứng miễn dịch mạnh và sử dụng chúng để chọn lọc một đàn gia cầm khỏe mạnh hơn. Với sức kháng như vậy, đặc biệt là trong tuần sống đầu tiên của gà, có thể làm giảm chi phí liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khoẻ của động vật.
Bảo vệ gà khỏi các mầm bệnh liên quan đến vệ sinh, tiêm chủng, an toàn sinh học và sử dụng kháng sinh và các thuốc khác. Nhưng một số con gà có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và hiệu quả đặc biệt và có thể chống lại mầm bệnh, Swaggerty cho biết.



Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thử nghiệm nhằm chọn ra những con gà trống để nuôi thành một giống gà thịt kháng bệnh. Sau đó, những con gà thịt có sức đề kháng này được cho tiếp xúc với một số mầm bệnh. Họ so sánh nhóm kháng với một nhóm gà thịt dễ mắc bệnh được nuôi từ những con gà trống với hàm lượng thấp cytokine và chemokine.



Các kết quả được công bố cho thấy rằng những con gà thịt dễ mắc bệnh có nhiều mầm bệnh và dấu hiệu nhiễm trùng hơn nhóm kháng. Với khả năng kháng bệnh cũng có nghĩa là gà sẽ ít nhiễm bệnh hơn ở nhà máy chế biến và sự an toàn của người tiêu dùng được cải thiện, Swaggerty lưu ý.



Swaggerty và các đồng nghiệp đã nghiên cứu tính di truyền của sức kháng của gà đối với các tác nhân gây bệnh bệnh thực phẩm như Salmonella và Campylobacter . Một số loài của hai vi khuẩn này cùng nhau gây ra 2 đến 3 triệu trường hợp mắc bệnh thực phẩm ở người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và 450-500 ca tử vong hàng năm.



Một bệnh gia cầm khác, coccidiosis, là do ký sinh trùng đơn bào gọi là Eimeria . Ở Mỹ, bệnh cầu trùng gây ra thiệt hại sản xuất hàng năm lên đến 800 triệu USD, làm cho bệnh đường ruột này là một mối đe dọa đáng kể cho gần 9 tỷ con gà thịt ở Mỹ.

Nông dân miền núi liên kết chuỗi trong chăn nuôi25/11/2021Việc hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi gi...
25/11/2021

Nông dân miền núi liên kết chuỗi trong chăn nuôi
25/11/2021
Việc hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang được các địa phương triển khai tích cực.



Với mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và tạo sức cạnh tranh trên thị trường, nhiều địa phương ở tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai tuyên truyền, thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất, được người chăn nuôi, trồng trọt hưởng ứng mạnh mẽ.



Gia đình bà Vũ Thị Thu (ở thôn Minh Phú, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên) là hộ chăn nuôi gà thương phẩm lớn ở trong thôn với quy mô trên 2.000 con mỗi lứa. Tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ với hàng chục hộ khác đã giúp cho bà Thu yên tâm hơn khi chăn nuôi.



“Liên kết theo chuỗi có người tiêu thụ sản phẩm nên chúng tôi thấy tin tưởng, không lo bị tiêu thụ chậm nữa, yên tâm hơn để chăn nuôi” – bà Vũ Thị Thu cho biết.
Cũng như gia đình bà Thu, nhiều người chăn nuôi ở xã Vân Hội hiện cũng rất yên tâm vì đã có Công ty TNHH một thành viên Tuyên Là bao tiêu toàn bộ số gà thương phẩm. Nhiều hộ vốn chỉ nuôi gà với quy mô vài trăm con, nay đã mở rộng lên vài nghìn con để phát triển kinh tế gia đình.



Chị Trần Thị Linh, ở thôn Khen Mon, xã Vân Hội cho biết, dù có thời điểm giá gà xuống thấp song người chăn nuôi vẫn ổn định sản xuất vì đầu vào, đầu ra ổn định.



Theo ông Lê Hồng Tuyên (Công ty TNHH một thành viên Tuyên Là), xã Vân Hội, huyện Trấn Yên, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về câu chuyện được mùa, mất giá, người dân làm ra sản phẩm thường xuyên bị ép giá, Công ty đã chủ động đứng ra tập hợp các hộ chăn nuôi gà trong xã hình thành mối liên kết trong chăn nuôi.



Theo đó Công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, vaccine, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và cuối cùng là bao tiêu sản phẩm. Hiện quy mô liên kết có trên 50.000 con gà của hơn 10 hộ dân.



“Liên kết đó liên quan đến đầu ra. Đầu ra mà không làm được thì người dân cũng không tin” – ông Lê Hồng Tuyên chia sẻ.



Toàn tỉnh Yên Bái có hơn 500 hợp tác xã và hơn 4.400 tổ hợp tác. Các tổ chức này đã tạo mối liên kết, hỗ trợ nhau để các thành viên cùng phát triển. Trong đó đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết là một nhiệm vụ trọng tâm.



Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hương Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình là một ví dụ. Dù mới có 7 hộ tham gia liên kết chuỗi chăn nuôi lợn thịt, với quy mô 500 con nhưng Hợp tác xã đã ký thỏa thuận với một doanh nghiệp ở tỉnh Phú Thọ, từ cung cấp con giống an toàn, đến bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Điều này đã giúp cho các hộ tham gia yên tâm hơn, đặc biệt trong giai đoạn giá lợn hơi bấp bênh.



Bà Lê Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã Hương Lý cho biết, liên kết được với đơn vị tiêu thụ sản phẩm cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chăn nuôi.



Việc hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang được các địa phương triển khai tích cực, với 23 mô hình. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các dự án chuỗi chăn nuôi gà thương phẩm, chăn nuôi lợn quy mô vừa và lớn; sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm chè, sản phẩm măng tre Bát độ… Từ đây việc sản xuất nông nghiệp của nông dân miền núi, vùng cao có những liên kết chặt chẽ hơn; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên; giá trị và tính cạnh tranh trên thương trường được đảm bảo./.

Chuyển trại lợn sang nuôi bò 3B24/11/2021Nuôi bò 3B lợi nhuận không cao bằng nuôi lợn. Nhưng giá bán bò thịt luôn ổn địn...
24/11/2021

Chuyển trại lợn sang nuôi bò 3B
24/11/2021
Nuôi bò 3B lợi nhuận không cao bằng nuôi lợn. Nhưng giá bán bò thịt luôn ổn định, và rất ít khi bị rủi ro dịch bệnh



Sau nhiều lần đắn đo, ông Nguyễn Văn Vẻ ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên) mới đồng ý cho tác giả bài viết này được tiếp cận trang trại chăn nuôi bò lai BBB (3B) trong nhà lạnh của gia đình. Bởi vì ông rất sợ cho người lạ ra vào, sẽ vô tình đưa dịch bệnh các loại gia súc bên ngoài vào lây lan trên đàn bò của ông, nhất là bệnh viêm da nổi cục.
Ông Vẻ chia sẻ: Ông đã có bề dày 20 năm chăn nuôi lợn. Vào thời ăn nên làm ra, trang trại lúc nào cũng có 500 – 600 lợn nái ngoại, trên 1.500 con lợn thịt. Nhưng không ngờ, chỉ 3 năm (2017 – 2019) “bão” giá heo và dịch tả lợn Châu Phi khiến toàn bộ vốn liếng mà ông tích cóp được “đội nón ra đi”, làm cho gia đình lâm vào cảnh nợ nần đầm đìa.



Là người từng đi lên từ con số không, ông không thể bằng lòng chịu phận. Sau nhiều đêm cân nhắc, ông tính: Nếu tiếp tục nuôi lợn sẽ phải chấp nhận lúc được, lúc thua. Không khéo tổng cuộc lại bằng không! Nếu chuyển hướng sang nuôi đại gia súc như trâu, bò quy mô lớn thì không có đồng ruộng đủ rộng cho chăn thả.



Vì thế ông nghĩ, nếu chuyển sang nuôi bò nhốt chuồng trong nhà lạnh, sẽ tận dụng được cơ sở hạ tầng trang trại lợn khép kín sẵn có, lại dễ dàng cho chăm sóc, quản lý. Ý tưởng chăn nuôi bò 3B hướng thịt trong nhà lạnh được hình thành từ đó (năm 2019).



Vốn đã quen cung cách làm ăn lớn, không biết thì hỏi, không giỏi thì học nên ngay từ năm đầu tiên, ông đã dốc hết mọi nguồn lực ra thế chấp ngân hàng, rồi xuống tay mua liền lúc 150 con bò lai 3B về nuôi.



Ông thuê mượn gần 4ha ruộng trồng cỏ voi, ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho bò. Ngoài ra, còn khai thác thêm phụ phẩm nông nghiệp như rau củ quả, thân cây ngô, cây chuối, cỏ tự nhiên, bã bia, bã đậu cho bò ăn, kết hợp với cho ăn cám công nghiệp chuyên dùng.
Về quy trình nuôi, ông chăn nuôi gối đàn, trang trại khép kín hợp vệ sinh, có hệ thống thông gió, làm mát chuồng trại, có máy ép phân và hầm biogas xử lý chất thải, cho ăn cân đối các chất thô, tinh. Vì vậy, đàn bò 3B của ông Vẻ không bị nhiễm dịch bệnh, tăng trưởng nhanh, đều đặn đạt 1,1 – 1,3kg/con/ngày.



Theo đó, tháng nào ông Vẻ cũng có bò xuất bán, mỗi năm đưa ra thị trường 100 – 120 con bò thương phẩm, sản lượng thịt hơi đạt trên 100 tấn, lợi nhuận thu về khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. “Nuôi bò 3B lợi nhuận không cao bằng nuôi lợn. Nhưng giá bán bò thịt luôn ổn định, và rất ít khi bị rủi ro dịch bệnh”, ông Vẻ so sánh.



Từ kinh nghiệm thực tế của mình, ông Vẻ rút ra: Để chăn nuôi đạt hiệu quả tốt, trước hết nhà đầu tư phải thật sự tâm huyết, yêu qúy vật nuôi như con trẻ, chăm sóc thế nào sẽ thu được thành quả ấy. Theo đó, để nuôi bò lai 3B hướng thịt thành công, cần lựa con giống khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, da mỏng, chân to, hông nở, ngực nở, mõm bạnh, đi lại nhanh nhẹn, không khuyết tật, không nhiễm bệnh và chỉ nên nuôi bò đực.

Chuồng trại phải cách xa khu dân cư, đảm bảo mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông và luôn được dọn vệ sinh sạch sẽ. Chuồng phải có máng ăn, nước uống sạch, thuận tiện cho bò dùng. Diện tích nuôi trung bình 4 – 5 m2/con. Vacxin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồn long móng và bại liệt bò định kỳ 6 tháng/lần. Thức ăn cho bò phối trộn khoảng 70% thô xanh, 30% tinh. Khẩu phần ăn hỗn hợp mỗi ngày bằng 2,5% trọng lượng cơ thể.



Chuyển sang vỗ béo (trước xuất chuồng 3 tháng), phải tiến hành tẩy giun sán, giảm thức ăn thô, tăng thức ăn tinh và cho bò ăn 4 – 5 bữa/ngày, kết hợp bổ sung thêm muối vào thức ăn hoặc nước uống cho bò.



Chú ý, liên hệ thường xuyên với các chuyên gia về vật nuôi để được tư vấn tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò lai 3B nói riêng. “Bò 3B tăng trọng thuận lợi ở điều kiện nhiệt độ 25 – 33 độ C. Nếu nuôi chăn thả hoặc bán chăn thả thì các tháng mùa hè bò gần như không lớn. Vì vậy làm nhà lạnh cho nuôi bò 3B theo quy trình khép kín là tốt nhất”, anh Vẻ bật mí.

Nuôi ‘con đặc sản’ ít dịch bệnh, giá ổn định23/11/2021Tận dụng diện tích núi đồi, cùng với nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của...
23/11/2021

Nuôi ‘con đặc sản’ ít dịch bệnh, giá ổn định
23/11/2021
Tận dụng diện tích núi đồi, cùng với nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của thị trường, hiện nay, một số hộ gia đình đã và đang đầu tư phát triển mô hình nuôi “con đặc sản” như cầy vòi mốc, lợn rừng, dê, nhím… theo hình thức bán chăn thả, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập, mở ra hướng đi mới cho phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Ai đã từng ghé thăm thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo chắc hẳn sẽ biết anh Đào Xuân Nam, ở tổ dân phố Sơn Long – người “phất” lên nhờ nuôi cầy vòi mốc.



Mục sở thị dãy chuồng nuôi con đặc sản của gia đình, được biết, anh Nam từng nhiều đêm mất ngủ, thậm chí trắng tay bởi nuôi cầy hương mà không nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, cộng với khí hậu địa phương không phù hợp với con vật nuôi.



Năm 2011, được người bạn giới thiệu đến “con đặc sản” cầy vòi mốc, anh Nam mạnh dạn vay vốn đầu tư và tìm đến các trang trại ở tỉnh Sơn La, Quảng Bình học hỏi kinh nghiệm, mua con giống về nuôi. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, khí hậu phù hợp, từ 20 con giống, đến nay, gia đình anh có 300 cầy vòi mốc bố mẹ, 100 con cầy vòi mốc thương phẩm, hậu bị.



Với nhiều ưu điểm vượt trội như thịt thơm ngon, ít mỡ, hiện nay, cầy vòi mốc được nhiều người tiêu dùng, nhà hàng chọn làm món ăn đặc sản. Hơn nữa, tuyến xạ của cầy vòi mốc còn được dùng làm thuốc và làm nguyên liệu trong sản xuất mỹ phẩm, là mặt hàng xuất khẩu có giá trị.



Trung bình 1 năm, cầy vòi mốc sinh sản được 2 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con; nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật, cho ăn đủ chất dinh dưỡng, khi trọng lượng đạt 8-9 kg/con, giá bán thương phẩm sẽ đạt 2,5-2,8 triệu đồng/kg, giá bán giống 15-17 triệu đồng/đôi (1,6-2 kg/con).



Cùng nhân giống trực tiếp để cung cấp cho người chăn nuôi tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, hiện nay anh Nam đang kết hợp với một số đơn vị thử nghiệm thụ tinh nhân tạo cầy vòi mốc nhằm đáp ứng tốt nhu cầu con giống, thương phẩm trên thị trường.



Theo anh Nam, ngoài những ưu điểm vượt trội như ham ăn, nhanh lớn, sức đề kháng tốt thì cầy vòi mốc hay mắc các bệnh đường ruột. Vì vậy, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.



Trong giai đoạn hậu bị sinh sản không nên cho cầy vòi mốc ăn quá nhiều, đặc biệt là các chất giàu tinh bột. Ở giai đoạn ghép cần bổ sung dinh dưỡng cho con đực, thêm canxi và chất tanh cho con cái.



Với nguồn thức ăn chính là cháo thịt và các loại quả có vị ngọt dễ kiếm, giá thành rẻ như chuối, mít, dứa, trung bình 1 năm, gia đình anh Nam thu lãi gần 1 tỷ đồng từ nuôi cầy vòi mốc.



Năm 2008, gia đình ông Nguyễn Đình Long, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch được hỗ trợ 1 đôi lợn rừng giống, thử nghiệm kết hợp chăn nuôi với trồng thanh long ruột đỏ theo Chương trình phát triển sản xuất cho nông dân.



Tận dụng diện tích đất đồi rộng, phế phẩm từ nông nghiệp, ông Long nuôi lợn hoàn toàn theo hình thức chăn thả tự nhiên.


Sau một thời gian, ông Long nhận thấy, lợn rừng rất ưa chuộng thức ăn từ cành, hoa thanh long – một trong những phụ phẩm nông nghiệp mà ông đang phải tốn nhiều công, chi phí tiêu hủy khi làm sạch vườn thanh long của gia đình.



Nhờ đó, lợn rừng có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon và tiết kiệm chi phí.



Đến nay, cùng với cung cấp lợn rừng giống cho người dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, gia đình ông Long có 100 lợn bố mẹ, lợn thịt và lợn con.



Theo hình thức chăn thả tự nhiên, từ 10 – 12 tháng lợn rừng có thể xuất bán, trọng lượng 40-50 kg/con, giá bán 130-140 nghìn đồng/kg, gia đình ông Long thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.



Ông Long cho biết: Lợn rừng là động vật ăn tạp, dễ nuôi, có khả năng thích nghi tốt nên rất thích hợp với những vùng có nhiều đồi núi, cây cối.



Tuy nhiên, để duy trì và phát triển ổn định, người nuôi cần hạn chế cho người lạ vào khu vực chuồng nuôi và tiêm phòng các loại vắc xin định kỳ. Ngoài thức ăn tự nhiên như cây, hoa, cành, lá cần bổ sung tinh bột như cám gạo, ngô, khoai, sắn để thêm chất dinh dưỡng cho đàn lợn. Nhờ đó, thịt lợn luôn săn chắc, tỷ lệ nạc cao, giá bán ổn định.



Nuôi “con đặc sản” đã và đang trở thành hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, hầu hết việc đầu tư chăn nuôi chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát theo hình thức hộ gia đình.



Để chăn nuôi nói chung, chăn nuôi “con đặc sản” nói riêng trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững cho người dân, thời gian tới, cần thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng trong việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm.



Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT, học hỏi kinh nghiệm, phòng, chống dịch bệnh theo định kỳ và lựa chọn con giống tốt, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường để tránh tình trạng “Được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Address

Cầu Gia Lâm
Hanoi

Telephone

+84393135405

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Vỗ Béo Vật Nuôi GREEN Free “ AN TOÀN - HIỆU QUẢ “ posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Vỗ Béo Vật Nuôi GREEN Free “ AN TOÀN - HIỆU QUẢ “:

Share

Category