16/03/2023
Nuôi thủy sản tổng hợp, cứu tinh của nhà nghèo
Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Bình Định), tỉnh này hiện có khoảng 2.100ha diện tích mặt nước nuôi tôm, trong đó có hơn 1.500ha nằm phía dưới đê ngăn mặn (phía đông đê), diện tích phía trên đê ngăn mặn (phía tây đê) chỉ có gần 600ha.
Những diện tích nuôi thủy sản nằm dưới đê chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước thủy triều, trong thập niên 90 (Thế kỷ 20) khi nguồn nước chưa bị ô nhiễm, nuôi tôm kiểu gì cũng thắng. Thế nhưng từ khoảng năm 2000 trở lại đây, do nguồn nước ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, thế nên dù đầu tư theo hướng công nghiệp người nuôi tôm cũng thất bại triền miên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải (sinh năm 1961), nguyên Phó trưởng thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) phụ trách xóm Cồn Chim, hiện nay, cư dân cù lao xứ Cồn có 260 hộ dân với khoảng trên 1.400 nhân khẩu. Dân Cồn Chim chỉ làm có 2 nghề, 50% hộ làm nghề nuôi thủy sản, 50% còn lại hành nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Thị Nại.
Ao nuôi tôm công nghiệp nằm trong Khu sinh thái Cồn Chim-đầm Thị Nại thuộc xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) hiện cũng không thể nuôi được. Ảnh: V.Đ.T.
Ao nuôi tôm công nghiệp nằm trong Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại thuộc xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) hiện cũng không thể nuôi được. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Huỳnh Trung Tấn (sinh năm 1950), hậu duệ của một trong những gia đình đầu tiên định cư ở Cồn Chim cho biết: Sau ngày đất nước thống nhất, ngành thủy sản Bình Định hô hào người dân phá rừng ngập mặn phát triển nuôi trồng thủy sản, mỗi hộ dân ở đây được giao 1 - 2ha ao đìa để nuôi tôm. Nửa sau thập niên 70 (Thế kỷ 20), nguồn nước nuôi tôm ở đây còn chưa bị ô nhiễm, nghề nuôi tôm phất lên như “diều gặp gió”, đời sống người dân Cồn Chim khấm khá hẳn lên. Thậm chí có doanh nghiệp chuyên nuôi tôm công nghiệp cũng về Cồn Chim làm ăn rầm rộ.
Thế nhưng từ năm 2000 trở về sau, nguồn nước nuôi tôm ở Cồn Chim bị ô nhiễm nghiêm trọng, tôm nuôi bị dịch bệnh. Bao nhiêu vốn liếng tích lũy được từ những năm trước đây của người dân Cồn Chim chẳng mấy chốc “tan theo bọt nước”, thậm chí có nhiều người còn oằn lưng với gánh nặng nợ nần, 2 doanh nghiệp nuôi tôm cũng phá sản, phải giải thể.
“Khi ấy gia đình tôi cũng được Nhà nước giao 1ha ao đìa, năm 2002, tôi đầu tư nuôi thâm canh tôm sú, bỏ vốn cải tạo ao nuôi kỹ càng, mua thiết bị, máy móc về thả giống nuôi rất bài bản. Thế nhưng ông trời chỉ cho ăn được 1 năm, qua năm thứ 2 tôi đầu tư 80 triệu đồng cải tạo ao và mua giống hồ hởi thả nuôi vụ mới, tôm mới được 2 tháng rưỡi thì bị bệnh đỏ đầu chết hàng loạt. Cạn vốn, sau đó tôi đành bỏ hoang ao đìa không dám nuôi nữa. Không chỉ riêng gia đình tôi, mà tất cả 50% dân số xóm Cồn Chim làm nghề nuôi tôm cũng lâm cảnh tương tự, ai nấy đều thất kinh quay lưng với ao đìa”, ông Huỳnh Trung Tấn kể lại.
Ao nuôi xen tôm-cua-cá của người dân xóm Cồn Chim, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Ao nuôi xen tôm - cua - cá của người dân xóm Cồn Chim, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Từ khi nuôi tôm thất bại, đồng nước Cồn Chim vắng vẻ đến lặng lờ, nhìn sau nhìn trước không thấy 1 bóng người. Năm 2006, Bình Định triển khai Dự án “Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý vùng Cồn Chim-Đầm Thị Nại”, từ ấy đến nay rừng ngập mặn dần phủ xanh Cồn Chim, rễ của cây rừng ngập mặn từng bước cải thiện nguồn nước, từ đó nghề nuôi tôm “hồi sinh” với người dân Cồn Chim nhưng với phương thức mới, nuôi xen tôm-cua-cá chứ không nuôi chuyên tôm như trước đây.
Cứu tinh cho “nhà nghèo” nuôi tôm
Không chỉ ở Cồn Chim, mà ở thôn Huỳnh Giản (xã Phước Hòa) cùng ở huyện Tuy Phước (Bình Định) người nuôi tôm cũng lâm cảnh tương tự.
Theo ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng thôn Huỳnh Giản Nam (xã Phước Hòa), nuôi tôm thâm canh phải nâng đáy ao, lót bạt, đắp bờ kiên cố, mua sắm máy móc, mỗi ha ao hồ phải đầu tư đến 500 - 700 triệu đồng, khả năng kinh tế của người dân ở đây không kham nổi. Còn nuôi tôm thâm canh “nửa vời”, mỗi ha ao hồ đầu tư vài trăm triệu đồng thì không ăn thua, không thể chống đỡ được trước sự ô nhiễm nghiêm trọng của nguồn nước.
“Ở Huỳnh Giản Nam có người nuôi chuyên tôm bán thâm canh, mỗi ha ao đìa đầu tư mỗi năm vài trăm triệu đồng nhưng vẫn thất bại liên tục. Bởi vùng này thấp, nước thủy triều lên là ùa vào vùng nuôi, không thể chống đỡ được. Còn nuôi theo hướng công nghiệp phải đắp bờ kiên cố, nâng đáy ao, lót bạt, mua sắm máy móc, làm ao lắng, ao nuôi đầu tư phải mất 500 - 700 trăm triệu đồng thì không ai kham nổi.
Do đó, hiện nay người nuôi tôm ở đây đã dần chuyển sang nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến, nuôi xen tôm - cua - cá theo kiểu đánh tỉa thả bù. Cách nuôi này phù hợp với điều kiện tự nhiên, tuy không có thu nhập cao như nuôi tôm thâm canh, nhưng không lo “trắng tay” như nuôi chuyên tôm. Nếu con tôm bị dịch bệnh gây hại thì còn có con cá con cua bù lại, người nuôi có thu nhập đều đều, đời sống người dân được ổn định hơn”, ông Nguyễn Văn Chín chia sẻ.
Nuôi thủy sản tổng hợp xen tôm-cua-cá tuy không thu nhập cao như nuôi chuyên tôm bằng phương pháp thâm canh, nhưng người nuôi không lo lỗ, có thu nhập ổn định. Ảnh: V.Đ.T.
Nuôi thủy sản tổng hợp xen tôm - cua - cá tuy không thu nhập cao như nuôi chuyên tôm bằng phương pháp thâm canh, nhưng người nuôi không lo lỗ, có thu nhập ổn định. Ảnh: V.Đ.T.
Theo anh Trương Xuân Đưa, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, nếu nuôi tôm theo hướng công nghiệp, mỗi năm người nuôi có thể kiếm được cả tỷ đồng, nhưng đó là nói đến những vùng nuôi khác, ở những vùng nuôi tôm dưới đê là điều bất khả thi do vùng này chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều nên nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Còn nuôi tôm theo phương thức tổng hợp xen với cua - cá thì rủi ro dịch bệnh ít, mỗi năm 1ha ao đìa chỉ có được khoản lãi 150 - 180 triệu đồng, nhưng bền vững. Nuôi theo kiểu đánh tỉa thả bù, ngày nào người nuôi cũng thu vào 1 - 1,5 triệu đồng, lại có thể nuôi quanh năm.
“Nuôi tôm theo hướng công nghiệp mỗi năm người nuôi có thể kiếm được cả tỷ đồng qua 2 vụ nuôi, nhưng nếu bị dịch bệnh tấn công là tôm chết trắng hồ, người nuôi trắng tay. Còn nuôi xen tôm - cua - cá ít đầu tư, mỗi vụ nuôi chỉ cần 50 - 60 triệu đồng mua giống tôm, cua, cá và chi phí thức ăn cho cả vụ, thủy sản nuôi ít bị dịch bệnh, người nuôi có cuộc sống ổn định, lại bảo vệ được môi trường”, anh Trương Xuân Đưa cho hay.
Cũng theo anh Đưa, ở Bình Định hiện có nhiều vùng có thể nhân rộng mô hình nuôi thủy sản tổng hợp xen tôm - cua - cá, ví như ở các địa phương khu đông nằm ven đầm Thị Nại của các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận (huyện Tuy Phước). Còn ở huyện Phù Cát có xã Cát Minh, huyện Phù Mỹ có xã Mỹ Chánh, những vùng nuôi nằm ven đầm Đề Gi, những vùng nuôi có trồng rừng ngập mặn. Riêng huyện Tuy Phước đã có đến 300ha, huyện Phù Cát và Phù Mỹ có 100ha đủ điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi thủy sản tổng hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Hải (bìa trái) kể chuyện nuôi thủy sản tổng hợp của người dân Cồn Chim. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Nguyễn Ngọc Hải (bìa trái) kể chuyện nuôi thủy sản tổng hợp của người dân Cồn Chim. Ảnh: V.Đ.T.
Anh Đưa phân tích: Cây rừng ngập mặn phát triển có chức năng lọc nước sẽ cải thiện được môi trường nguồn nước nuôi. Bộ rễ của rừng ngập mặn là nơi cư trú, sinh sôi nẩy nở của các loài thủy sản. Lá cây rừng ngập mặn rụng xuống sinh ra vi sinh tạo thành chuỗi thức ăn tự nhiên cho các loài tôm, cua, cá; lúc nào trong ao nuôi cũng có sẵn thức ăn tự nhiên nên người nuôi giảm bớt chi phí.
“Riêng ở Cồn Chim thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), vùng nuôi có nhiều diện tích rừng ngập mặn, từ sau khi nuôi tôm thâm canh thất bại trầm trọng, hầu hết người nuôi tôm ở đây đã chuyển sang nuôi xen tôm - cua - cá trong rừng ngập mặn, nhờ đó có cuộc sống ổn định. Còn những vùng nuôi tôm xen cua - cá ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, người nuôi trồng cây ngập mặn quanh bờ vừa để vừa giữ bờ không bị xói lở trong những mùa mưa bão, vừa cải thiện nguồn nước nuôi”, anh Trương Xuân Đưa, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho hay.