09/09/2024
Các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trong bão số 3
Khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền sẽ gây thiệt hại lớn cho các lĩnh vực sản xuất và đời sống nếu như không có các biện pháp chủ động phòng ngừa. Nhất là đối với lĩnh vực chăn nuôi – một ngành mũi nhọn ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện . Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão, bảo vệ sinh kế của người dân, bà con cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó với mưa bão số 3, ngập úng; trong đó tập trung một số nội dung sau:
a) Biện pháp thực hiện trước mưa, bão số 3
- Thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão (chằng chống, gia cố chuồng trại, chuẩn bị rèm che chắn,.... đề phòng mưa tạt, gió lùa, hạn chế tốc mái, đổ tường ảnh hưởng đến vật nuôi khi có bão, mưa gió xảy ra);
- Kiểm tra, khơi thông cống rãnh, hệ thống thoát nước thải, hệ thống thoát nước mưa, nơi chứa chất thải để đảm bảo sức chứa, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đối với những vùng có nguy cơ ngập, cần nâng cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án chủ động di dời vật nuôi đảm bảo an toàn khi bão, mưa to gây ngập úng;
- Chủ động dự trữ thức ăn, nước uống, thuốc thú y đầy đủ cho đàn vật nuôi; chủ động phương án điện dự phòng như máy phát điện, ắc quy,…; có kế hoạch, phương án chủ động di dời vật nuôi đến nơi an toàn nếu nguy cơ cao ảnh hưởng bởi bão, ngập úng.
- Xuất bán vật nuôi kịp thời khi đến tuổi, đạt khối lượng xuất bán; có kế hoạc giảm đàn vật nuôi (xuất bán, giết mổ,…) trước khi bão, lụt xảy ra.
b) Biện pháp thực hiện khi mưa, bão số 3 xảy ra:
- Thường xuyên kiểm tra chuồng trại, hệ thống tiêu thoát nước, hệ thống điện, nước uống, hệ thống biogas và điều kiện chăn nuôi khác, theo dõi chặt chẽ sức khỏe đàn vật nuôi để có phương án chăm sóc, hỗ trợ và di dời nếu cần thiết.
- Công tác phòng chống dịch bệnh: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường xung quanh chuồng nuôi; đặc biệt chú ý thu gom xác vật nuôi chết (nếu có), lưu giữ đảm bảo môi trường để thực hiện phương án tiêu hủy phù hợp sau khi bão qua, nước rút.
c) Biện pháp thực hiện sau mưa bão số 3:
- Kiểm tra hệ thống chuồng trại, điện, nước đảm bảo cho đàn vật nuôi. Nếu nguồn cung cấp nước uống, rửa chuồng trại bị ô nhiễm, phải có biện pháp lọc, xử lý đảm bảo mới sử dụng trong chăn nuôi.
- Kiểm tra, có biện pháp khắc phục ngay các công trình, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi nếu bị hỏng, đảm bảo việc vận hành hiệu quả; tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường; thực hiện tổng vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
- Thực hiện xử lý xác vật nuôi chết (nếu có): Thực hiện khai báo, kê khai thiệt hại do thiên tai theo quy định và xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (chôn hoặc đốt xác vật nuôi chết theo quy định); không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.
- Tăng cường chăm sóc, bổ sung các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, vitamin, thực hiện tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng; chủ động công tác giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh đảm bảo an toàn, hiệu quả cho chăn nuôi.