07/03/2022
Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu làm kinh tế đang được nhân rộng ra rất nhiều tỉnh thành trong cả nước, phổ biến ở các tỉnh: Hưng Yên,Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Định,…Quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập lớn cho bà con nông dân.
Trong các mô hình nuôi chim bồ câu lấy thịt, giống bồ câu Pháp được lựa chọn nhiều nhất bởi đây là giống chuyên thịt nổi tiếng, mỗi năm một cặp có thể đẻ 8-9 lứa, trọng lượng chim ra ràng (28 ngày tuổi) đạt 530-580g/con. Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.
Chim bồ câu ra ràng thường được dùng làm thực phẩm như nấu cháo, hầm thuốc bắc để tẩm bổ sức khoẻ. Theo đông y, thịt bồ câu tính bình, vị mặn, dinh dưỡng phong phú, thơm, vị ngọt, là loại thực phẩm tốt cho người già, trẻ em, người bệnh và sản phụ. Trứng bồ câu có chứa protein 9,5%, chất béo 6,4%, hợp chất đường và calci, sắt, phốt pho…
Thịt chim bồ câu có tác dụng bổ thận kiện tì vị, ích khí huyết, dùng cho trường hợp gầy yếu, hư nhược, tiêu khát, hay quên, mất ngủ, thần kinh suy nhược, dinh dưỡng không tốt,… Trong y học cổ truyền, chim bồ câu được dùng với tên thuốc là cáp điểu hay gia cáp gồm thịt chim (cáp điểu nhục), tiết chim (cáp điểu huyết). Trong một số trường hợp, trứng chim (cáp điểu noãn) cũng được dùng. Chính bởi những đặc tính quý này nên thịt chim bồ câu rất có giá trên thị trường: một cặp giống bán ra trung bình khoảng 550 ngàn đồng/cặp chim đẻ, còn bồ câu ra ràng 120 ngàn đồng/cặp.
Sau đây là một số kỹ thuật cơ bản cần biết trước khi bước vào nghề nuôi chim bồ câu pháp:
1. Chọn giống chim bồ câu
Chim bồ câu được chọn làm giống phải đảm bảo các yêu cầu: khỏe mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi: con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái (lúc thành thục), khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp; con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng.
Tuy nhiên, lúc bé rất khó phân biệt, ngay cả khi trưởng thành độ chính xác cũng khó đạt 100% nên khi mua cần tham khảo ý kiến của nơi mua hoặc các nhà chuyên môn đã có kinh nghiệm. Do bồ câu là loài chim đơn phối vì vậy khi nuôi sinh sản nên nuôi riêng lẻ từng cặp. Mỗi cặp bồ câu sinh sản có thể dùng sản xuất trong 5 năm, nhưng sau 3 năm đẻ, khả năng sinh sản giảm, do vậy cần phải tuyển lựa loại bỏ và thay chim bố mẹ mới.
Để có con giống chất lượng tốt người nuôi nên tìm mua tại các trại, các cơ sở có uy tín, có quy mô và kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi bồ câu. Tại đó, bạn có thể được cung cấp những kinh nghiệm quý báu từ thực tế chăn nuôi, được hỗ trợ về kỹ thuật chuồng trại, cách chăm sóc, phòng trị bệnh tốt nhất.