25/08/2022
🐶 HƯỚNG DẪN TẮM CHÓ MÈO TẠI NHÀ
Ngày nay, nuôi thú cưng đã trở nên rất phổ biến. Không chỉ là một con vật, thú cưng đã trở thành một người bạn, người tri kỷ. Tuy nhiên, chăm sóc và tắm cho thú cưng sao cho đúng cách? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông tin dưới bài viết sau nhé!
TẮM CHO THÚ CƯNG, NÊN HAY KHÔNG?
Không giống như cơ thể con người, thú cưng không có tuyến mồ hôi trên da. Ở những quốc gia ôn đới, người ta rất ít khi tắm cho chó mèo bởi sẽ làm khô da, giảm độ bóng mượt lông. Đặc biệt là đối với mèo.
Tuy nhiên, đối với điều kiện thời tiết ở Việt Nam, việc vệ sinh, tắm cho thú cưng là điều nên làm. Nghe qua thì có vẻ không hợp lý, nhưng:
TẠI SAO NÊN TẮM CHO THÚ CƯNG?
Bụi bẩn trong không khí, khí hậu nóng ẩm sẽ khiến bộ lông của thú cưng dễ bị bết, vón cục. Điều này vừa gây mất thẩm mỹ, vừa khiến cho các ký sinh trùng như ve, bọ… dễ dàng phát triển và tấn công da chó mèo, gây ra các bệnh da liễu.
Một lý do nữa đó là khả năng chịu nhiệt của chó kém hơn con người rất nhiều do loài chó nói chung có thân nhiệt cao. Bởi vậy, nếu không thường xuyên tắm rửa và làm sạch lông sẽ khiến các bé chó trở nên khó chịu.
BAO LÂU THÌ NÊN TẮM CHO THÚ CƯNG?
ĐỐI VỚI CHÓ
Chó là loại động vật khá thích nước. Tuy nhiên cũng không cần tắm cho chó quá thường xuyên như đối với con người. Tần suất tắm cho chó dựa vào các yếu tố liên quan đến thời tiết, môi trường sống, loại lông. Một chú chó sống trong điều kiện khí hậu mát mẻ, ôn hòa, không tiếp xúc với đất cát và bụi bẩn thường xuyên sẽ không có nhu cầu tắm rửa nhiều. Ngược lại, nếu thời tiết mùa hè oi nóng thì hãy chú ý hơn đến việc tắm cho thú cưng của mình nhé.
Những bé cưng có bộ lông mượt và không bị mắc bệnh da liễu thì không nên tắm quá thường xuyên. Tần suất hợp lý là một tuần tắm một lần. Bởi nếu thường xuyên tắm rửa, dùng hóa chất sẽ khiến bộ lông em chó trở nên xơ xác, giảm độ bóng mượt.
Riêng đối với dòng Poodle – giống chó da dầu, ta nên chú ý tắm thường xuyên hơn, một tuần tắm hai lần. Giống Alaska, Husky, Golden có bộ lông rất dày, bạn nên chải lông trước khi tắm để lông các bé không bị rối và rụng nhiều.
ĐỐI VỚI MÈO
Các bé mèo rất ghét tắm và cũng không tiết nhiều dầu như da chó. Bởi vậy, tần suất hợp lý là mỗi tháng tắm một đến hai lần để đảm bảo bọ chét, ve, ký sinh trùng không có cơ hội tấn công.
THỜI ĐIỂM NÀO NÊN TẮM CHO THÚ CƯNG
Dù là người hay thú cưng cũng có những thời điểm thích hợp nhất để tắm rửa. Hãy chú ý để khiến sức khỏe của những bé thú cưng của mình luôn được đảm bảo nhé!
Mèo rất sợ nước, và còn sợ cả máy sấy nữa. Vì thế, chúng ta nên tắm cho thú cưng vào những ngày thời tiết ấm áp. Không nên tắm cho các bé vào thời điểm đã tắt nắng. Bởi lông thú rất dày và lâu khô. Tắm lạnh sẽ khiến thú cưng gặp các vấn đề về hô hấp, bị ốm…
Đối với thú cưng còn non, mới tách mẹ hoặc vẫn đang uống sữa, việc tắm rửa cũng là điều không cần thiết.
Đặc biệt là nếu bạn đang có ý định phối giống thú cưng của mình, thì nên cực kỳ hạn chế việc tắm rửa. Bởi tắm sẽ khiến chó mèo bị mất mùi đặc trưng, kém thu hút bạn tình, ảnh hưởng đến việc phối giống.
HƯỚNG DẪN CÁCH TẮM CHO CHÓ MÈO
CHUẨN BỊ
Bông nhét tai (để hạn chế tình trạng nước vào tai)
Lược chải lông, Găng tay tắm chó mèo
Sữa tắm dành riêng cho chó mèo
Khăn (nên sử dụng khăn siêu thấm chuyên dụng để tắm cho thú cưng)
Máy sấy lông
CÁC BƯỚC TẮM
Bước 1: Chải lông, gỡ rối, loại bỏ những mảng đất, bụi bám trên lông thú cưng.
Bước 2: Vệ sinh tai bằng khăn mềm ẩm. Sau đó nhét bông tai để tránh nước bắn vào tai thú cưng trong quá trình tắm.
Bước 3: Sử dụng sữa tắm chuyên dụng và bắt đầu tắm cho thú cưng với nhiệt độ thích hợp.
Tắm từ dưới chân lên trên thân. Gãi và mát xa nhẹ nhàng, tránh cho thú cưng hoảng loạn, sợ hãi.
Bước 4: Xả nước nhẹ nhàng. Có thể lặp lại quá trình tắm cho các bé một lần nữa để cho sạch hẳn.
Bước 5: Lau khô bằng khăn từ trên thân xuống.
Bước 6: Sấy khô lông cho chó mèo, cố gắng sấy khô nhất có thể để tránh để lông ẩm gây nấm da.
LƯU Ý
– Dùng sữa tắm chuyên dụng, không nên dùng sữa tắm của người vì trong thành phần sữa tắm người có độ pH khác với sữa tắm cho chó mèo, điều này sẽ có thể làm hại da chúng.
– Tắm nhanh hết mức có thể, hạn chế để thú cưng ngấm lạnh lâu.
– Chó/mèo có thể sợ tiếng máy sấy. Nếu phản ứng của chúng quá gay gắt, không nên ép buộc sẽ khiến chúng nổi loạn và không hợp tác trong những lần tiếp theo.
– Nếu thú cưng bị da liễu, nên tắm theo hướng dẫn của bác sĩ thú y. Trên đây là những thông tin cơ bản về tắm cho thú cưng. Đây là một công đoạn không hề đơn giản. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp các bạn có đủ những kiến thức để chăm sóc thú cưng của mình. Nếu bạn không khéo léo và không đủ kiên nhẫn, hãy chọn giải pháp khác, đó là đưa các bé cưng đến các trung tâm chăm sóc chó mèo có dịch vụ tắm rửa chuyên nghiệp để vệ sinh cho các bé nhé.
Nguồn: chamsocpet.com